Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

CHUYỆN MỘT NGƯỜI MẸ ĐI TÌM CON

Xin kính tặng cô giáo Như Mai và các bà mẹ Việt Nam thân yêu nhân 30/4/2008!

Cô giáo Như Mai[1] có cậu con trai Trần Minh Đức, hy sinh ở mặt trận Tây Nam Huế. Trên giấy báo tử ghi ngày 15-4-1972. Hai chục năm sau, vào dịp sau Tết, quãng 22 tháng giêng, bà đi Chùa Hương cầu Trời khấn Phật. Trở về nhà, một đêm trong mơ bà thấy có một chú bộ đội lẳng lặng vào phòng khách, ngồi co cả hai chân lên ghế. Trong tay chú nắm một cây búa tày hai đầu. Chưa kịp hỏi thì chú đứng dậy, nói: “Con gửi bạn Ninh giữ cái búa, nhà ở Lò Sũ…”. Khi thấy anh vội đi, bà hỏi: “Thế bạn con ở nhà số mấy?” nhưng chỉ nghe văng vẳng nói với lại “đâu như 25 hay 52”.

Ngay hôm sau, bà tìm về Lò Sũ. Đến đầu ngõ, bà được lũ trẻ dẫn đến nhà chú Ninh, một anh bạn trắng trẻo, đẹp trai. Nghe giới thiệu là mẹ của liệt sĩ Đức, Ninh mách bà tìm gặp một đồng đội khác gần gụi hơn, đó là Tiến “trắng”. Gặp Tiến, anh khuyên bà nên đăng báo QĐND, báo Hà Nội Mới tìm đồng đội của Đức. Thật là hay, chỉ mấy ngày sau, khi đang ngồi bán nước chè ở đầu ngõ, bà thấy có anh thương binh, cánh tay phải không còn, vào hỏi thăm:

- Cháu là Lộc, nhà tận Đông Anh. Đọc báo thấy gia đình tìm đồng đội của Đức nên hôm nay cháu qua thăm. Cô là…

Qua vài câu xã giao, Lộc lấy ngay giấy, bút vẽ lại sơ đồ nơi chôn cất Đức. Đây là cao điểm 372, phía dưới chân là Khe Tử (vì chiến đấu ác liệt, lính ta hy sinh nhiều mà anh em đặt cho cái tên ghê rợn này!), bên tả ngạn Khe Tử là Suối Hoa. Lộc không quên giới thiệu cho bà một đồng đội khác - Cát Tường. Cát Tường nghe tin tìm đến và sẵn sàng đi cùng bà vào Huế. Trước khi đi, Tường xin phép thắp ba nén nhang trên bàn thờ. Thấy tàn nhang cuốn, Tường lẩm bẩm: “Đức đồng ý rồi. Vậy là lần này cô cháu ta sẽ tìm được nó.”

Bấy giờ là năm 1993. Bà Mai cùng em trai Đức và Cát Tường mua vé tầu hoả vào Huế. Nhờ có giấy giới thiệu mà Bộ chỉ huy quân sự thành phố cử một thiếu tá và một chiếc com-mang-ca đưa bà đi. Rời Huế được vài cây là đường bắt đầu xấu, xe lắc kinh khủng, nhằm hướng tây lên A Lưới. Vùng này chủ yếu là bà con dân tộc. Vào Uỷ ban xã gặp Chủ tịch Nguyễn Văn Cao, được anh cử ngay một tiểu đội du kích đưa bà đi tìm. Sớm hôm sau, cả đoàn lên đường. Dựa vào chỉ dẫn, anh em chia làm hai, ba tốp đào bới. Mất mấy ngày trời, đào cả một khu rộng mà vẫn chưa tìm thấy. Đã 20 năm trôi qua, cùng với sự tàn phá của con người làm cảnh vật thay đổi, mốc chuẩn không còn. Sớm nào chiều nào bà cũng thắp hương cầu khấn. Vậy mà vẫn không tìm ra. Trên sơ đồ của Lộc có ghi địa danh Suối Hoa, nhưng trên bản đồ địa lý của tỉnh Thừa Thiên – Huế thì không thấy. Hỏi địa danh này, bà con dân tộc ai cũng lắc đầu(!). Nghĩ mãi, Cát Tường mới nhớ lại: ở khu vực này, cứ đến mùa mưa là hoa rừng nở rộ, sáng cả một vùng; vì vậy anh em bộ đội đã đặt cho nó cái tên thi vị “Suối Hoa”! Không chịu đầu hàng, Cát Tường yêu cầu anh em du kích quay trở lại vị trí xuất phát rồi dẫn đi đúng theo con đường năm xưa bộ đội vẫn tải gạo, tải đạn. Toạ độ được xác định lại, anh em lại đào bới… Cho đến một lần, họ đào đúng nơi một liệt sĩ yên nghỉ. Mở hết lần tăng bạt liệm liệt sĩ, ở nơi túi áo trên ngực anh có một chiếc búa tày hai đầu. Bà Mai run bắn người nhưng còn ngờ ngợ! Khi giở chiếc khóa thắt lưng thì thấy phía sau có khắc hai chữ “Trần Đức”. Con trai bà đây rồi! Bà lặng người đi, nước mắt trào ra…

Bà kể lại: “Trong dòng họ, Đức là cháu đích tôn, trong gia đình cháu là đứa con hiếu thảo. Những năm 60, nhà tôi đông con, sáng sáng Đức cắp sách đến trường, chiều về lại xách ấm nước vối ra ga, nhảy tàu đi bán, phụ tiền nuôi các em. Đức rất khéo tay, không được học nghề nhưng có thể làm được nhiều việc của thợ nguội. Chả thế mà luôn giữ bên mình cái búa tày đầu. Cũng chính nhờ sự khéo léo, thông minh này mà tôi tìm được con. Tôi còn nhớ khi chia tay lên đường, Đức ôm lấy bố nó hôn lên má. Nhìn sang thấy mẹ đang cầm khăn tay lau nước mắt, cháu vội quàng tay lấy tôi, động viên: “Mẹ đừng buồn! Con đi rồi con lại về.”

Hôm đó, chuyến tầu quân sự chở lính sư đoàn ông Chu Phương Đới từ Đông Anh qua ga Hàng Cỏ để đi tiếp vào Nam. Tầu chạy qua các chắn tầu thấy anh em đập tay rầm rầm vào cửa sổ để tạm biệt. Sớm hôm sau, khi các bà đi chợ thấy đầy thư của lính vứt dọc đường tầu. Thương lắm! Cũng có cháu vì nhớ nhà, không làm chủ được mình đã nhảy xuống tầu, trốn về nhà. Minh Đức khi đó là A trưởng đã gương mẫu ở lại và động viên anh em giữ nghiêm kỷ luật.

Ngày cháu hy sinh mới hơn 21 tuổi. Trong những kỷ vật Đức để lại có nhiều bài thơ. Cháu có khiếu thơ văn từ nhỏ. Nếu còn sống chắc Đức cũng sẽ viết nhiều về lính. Tôi muốn tặng những bài thơ này cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Giá mà…”.

Có một chi tiết cảm động được sự đồng ý của mẹ nay mới tiết lộ: Biết những ngày đi tìm con sẽ đầy vất vả, ở rừng thì làm gì có nước để tắm giặt, mẹ đã chuẩn bị bảy cái quần lót và tự tay khâu vào đó những cái túi con. Số tiền mang theo được chia đều và nhét vào túi. Mỗi ngày mẹ vứt đi một chiếc… Khi vứt gần hết số quần lót mang theo, bà tìm thấy con trai. Ôi, bà mẹ Việt Nam thông minh, vĩ đại làm sao!

Hà Nội, tháng 8-2005



[1] Bà Như Mai - 75 Vân Hồ 3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ĐT: 9740751

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

THẦY DẠY TÔI VIẾT BÁO

Cách đây bốn chục năm, khi là học sinh Trường Trỗi, tôi không có vinh dự được học tiết nào của thầy. Và, bốn chục năm sau tôi lại được thầy dạy cho rất nhiều điều. Kể ra cuộc đời cũng là cái duyên cái số cho thầy trò gặp nhau.

… Năm 1992, tôi vào sống ở Tp.HCM. Vốn là lính, thích đọc báo nên mỗi lần tạt qua Cơ quan đại diện Báo Quân đội Nhân dân (đóng trên đường Lý Tự Trọng), tôi có thói quen ngồi cả buổi giở kẹp báo lưu, đọc say sưa. Trưởng Cơ quan đại diện lúc bấy giờ là Đại tá Phạm Đình Trọng. Rảnh rỗi thầy trò lai rai ở quán bia bụi, hỏi ra mới hay sau ngày rời trường năm 1970, thầy xung phong sang Lào chiến đấu. Vốn là giáo viên văn, thầy làm cộng tác viên, sau đó trở về miền Nam được phân về Báo.

Qua những lần tiếp xúc với thầy, tôi nhận được những hiểu biết sơ đẳng về nghề báo. Nhiều người thường nghĩ “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”, nhưng thực ra để có một bài viết đi vào lòng người phải xuất phát từ chính cái tâm của mình. Bài viết sẽ trở nên không có hồn khi mất đi tính chân thực… Biết tôi thích viết lách, thầy động viên: “Em viết được, hãy mạnh dạn lên! Viết rồi anh sửa”.

Năm 2001 sau kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Trỗi, có nhiều ý kiến đề nghị phải xuất bản cho được một cuốn sách ghi lại những kỷ niệm về mái trường thân yêu. Cả bọn ngơ ngác vì đã bao giờ làm sách. Trong lúc đang ngơ ngơ như bò đội nón thì thầy có mặt: “Hãy làm đi, khó đâu vượt đó!”. Thế là anh em Trỗi phía Nam nào Chí Thọ, Chí Quang, nào Nam Điện… đã phát động, thu gom bài vở, biên tập rồi chuyển cho thầy sửa lần cuối. Mỗi lần cầm tập bản thảo thầy đã sửa, tôi như sáng ra nhiều điều, từ cách hành văn, câu cú cho đến kết cấu một bài viết, thậm chí cả việc đặt tên cho bài… Khi sách lên khuôn thì bản thân như vừa tốt nghiệp một lớp bổ túc về viết văn.

Rồi Sinh ra trong khói lửa đến tay bạn đọc. Quyển đầu tay dày gần 400 trang, tuy còn có lỗi nhưng thầy trò khắp từ Nam chí Bắc đều khen ngợi, hài lòng. Vậy là thầy trò tôi đã làm được một việc có ích. Cũng từ sau đó tôi thử viết những bài báo đầu tiên. Mỗi lần đưa bài thầy sửa trước khi gửi, tôi nghiệm ra một điều: Báo chí không được lê thê, chỉ được phép đủ ý, đủ chữ và dễ hiểu. Dần dà tôi cũng được coi là cộng tác viên và có những bài viết được đăng trên Quân đội Nhân dân cuối tuần. Cũng từ đó trên bàn viết của tôi không bao giờ thiếu cuốn Tự điển Tiếng Việt. (Âu cũng là học!).

Năm 2005 kỷ niệm 40 năm Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi phát động toàn trường viết bài cho Sinh ra trong khói lửa (tập II). Với tinh thần Trường Trỗi đến đầu tháng 9 năm ấy, cuốn sách đã ra mắt bạn đọc. Sách dày trên 1.000 trang với hàng trăm bài thơ, bài văn và nhiều tư liệu sinh động. Nhận được sách, nhiều bạn đọc đã nhắn về: “Tôi đọc suốt đêm, ông ạ. Sách thời nay không thiếu nhưng sách hấp dẫn bạn đọc như Sinh ra trong khói lửa không phải là nhiều! Có lẽ nhờ lối viết chân thành, mộc mạc mà các bạn đã làm được những điều mà người khác không làm được!”.

Tháng 10 năm ấy, tôi được thay mặt nhà trường mang cuốn sách đến tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi vinh dự báo cáo với ông:

- Thưa bác, Sinh ra trong khói lửa được thầy trò chúng cháu “tự biên, tự diễn” từ A đến Z. Chúng cháu làm từ khâu tổ chức, biên tập đến dàn trang, thiết kế bìa và cả khâu in ấn. Trong tập II, chúng cháu sưu tầm được những lá thư cuối cùng của 29 liệt sĩ từ chiến trường gửi về… Còn ngoài bìa sách trên phần nền là những gương mặt trẻ trung, thơ dại của các thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi nổi bật lên hình ảnh liệt sĩ Lê Minh Tân - con trai Đại tá Lê Bưởi, lính của bác ở Bộ Tổng tham mưu… (Tôi chỉ vào người chiến sĩ đang đưa tay lên vành mũ, chào rất chuẩn theo điều lệnh). Thưa bác, Lê Minh Tân vào chiến trường B3 nhưng kiên quyết không viết thư về nhà vì đã tự hứa trong lòng: “Vào Đảng mới viết thư về nhà!”. Tròn một năm sau, ngày 26/3/1974, anh được kết nạp vào Đảng và viết lá thư đầu tiên về nhà. Nhưng không ai nghĩ đó lại là lá thư cuối cùng. Đúng sáu ngày sau, người đảng viên trẻ Lê Minh Tân đã anh dũng hy sinh.

Nghe đến đây tôi thấy ông lặng người đi, đôi mắt khẽ nhắm lại. Chờ cho sự xúc động dịu đi, Đại tướng chậm rãi nói với chúng tôi:

- Để lại sách cho đời là một việc làm rất ý nghĩa. Cuốn sách đã ghi lại những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ của Trường Nguyễn Văn Trỗi, nơi góp phần đào tạo ra gần một nghìn cán bộ, sĩ quan cho quân đội. Và bốn chục năm sau, các cháu vẫn nhớ đến những thầy, những bạn đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là đáng quý!

Lời ngợi khen ấy thực sự là một phần thưởng cao quý của Đại tướng dành cho thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Phạm Đình Trọng.

Sài Gòn, tháng 11-2006

(Khi chuẩn bị xuất bản tác phẩm “Nghề báo-Nợ đời-Tình người”, ấn phẩm của Đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân, thầy có mời tôi viết một bài. Khi viết xong bài này gửi thầy thì bị lắc đầu: “Không được, em ạ! Nói về anh nhiều quá!”. Tôi lặng lẽ cất đi, nay mới post cho anh em cùng đọc).

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2008

NỖI ĐAU và HỆ LỤY của CHIẾN TRANH

Đào Duy

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hệ lụy của nó thì vẫn cứ dai dẳng đeo bám theo mỗi phận người. Tôi vẫn nhớ trước chiến tranh khi còn bé, tôi đã đọc cuốn chuyện mà chị tôi mượn được từ một người bạn, cuốn tiểu thuyết “trước giờ nổ súng” của Phù Thăng không biết trí nhớ non nớt của tôi hồi đó có chính xác không. Cuốn chuyện cảm động về chiến tranh về những người lính. Phần cuối cuốn tiểu thuyết ông lý giải về chiến tranh chỉ một đôi dòng thế là bỗng chốc một tác phẩm văn học rất hay của ông gặp tai họa. Âm thầm lặng lẽ xách ba lô quay trở về nơi mà mấy chục năm trước ông đã chia tay vợ con chia tay người thân đi kháng chiến và cầm bút, cũng từ khi đó cho tới lúc giã từ cõi đời chả ai còn đoái hoài, chả ai còn biết tới ông nữa. Ai đã đọc câu truyện “hạt thóc” trong “Chân dung và đối thoại” của Trần đăng Khoa không thể không cầm được nước mắt về nhà văn chiến sỹ tài năng này, một hệ lụy xót xa.
Gia đình bố mẹ vợ tôi trước năm 1980 ở thị xã Hải Dương. Thị xã Hải Dương là một thị xã đẹp và nên thơ. Thị xã có những khu phố cổ, những con đường nhỏ với những hàng bàng xanh ngắt, giữa trưa hè ta có thể đi tản bộ mà không cần phải đội nón mũ. Tôi chưa thấy một thị xã nào phía bắc lại có nhiều sông hồ như thị xã Hải Dương, sông ngòi len lỏi vào giữa phố thị. Mẹ vợ tôi cùng bác và các cô đều sinh ra và lớn lên ở đây. Lịch sử của thành phố này từ đầu thế kỷ cho tới nay mẹ vợ tôi có thể kể tường tận. Ông ngoại vợ thời Pháp mở một xưởng lớn chuyên về sơn mài và làm đồ thờ cúng sơn son thếp vàng cung cấp cho hầu hết các địa phương xứ Đông. Chị cả mẹ vợ một thời là hoa hậu của Hải Dương, sau này Bác lấy chồng, bác trai làm thầu khoán gia đình giàu có. Bố vợ tôi tốt nghiệp Thăng Long, khi còn đèn sách ông trọ học cùng Tô Ngọc Vân trong một căn gác nhỏ nơi ngõ chợ Khâm Thiên và được ông này truyền nghề vẽ cho và với nghề tay trái này mấy chục năm sau gia đình vợ tôi sống nhờ vào nó. Thời Pháp bố vợ tôi làm nhiều nghề có thời gian phụ trách kiểm bài cho tờ Phong hóa, tiếng Tây của ông làu làu như tiếng ta. Năm 1952- 1954 ông là quản lý của khách sạn Palace trên Đà Lạt. Khi hiệp định Giơnevơ ký kết trước tình hình thời cuộc biến đổi ông chủ khách sạn Palace vì quý bố vợ tôi ông ấy khuyên bố vợ tôi nên đưa gia đình vào Đà Lạt và cùng với gia đình ông qua Pháp. Ông đã đặt mua vé máy bay khứ hồi cho cả nhà. Nhưng khi bố vợ tôi trở lại miền Bắc ông bà nội của vợ tôi nhất quyết không chịu đi vì tiếc của thế là gia đình vợ tôi đành theo ông bà ở lại.
Năm 1954 gia đình li tán phần lớn họ tộc bên vợ tôi lên tàu vào nam, vì gia đình có người chú phụ trách cơ quan di cư Bắc kỳ. Chỉ có riêng gia đình vợ tôi ở lại và cũng từ đó hệ lụy của chiến tranh, phân ly và chủ nghĩa lý lịch ám ảnh đeo bám gia đình vợ tôi cho đến cả hàng chục năm sau giải phóng.
Tôi có người em vợ, em vợ tôi tên là Hương. Năm 1978 Hương thi hết lớp 10 trong khi chờ kết quả thi đại học vì có ngoại hình và giọng đọc tốt nên được sở thông tin văn hóa Hải Dương trưng dụng đi Côn Sơn - Chí linh thuyết minh giới thiệu cho du khách về khu du lịch, lịch sử nổi tiếng này trong ba tháng hè. Thời cấp ba Hương có một người bạn trai rất thân, bạn trai Hương tên Chinh. Nhà Chinh ở ngoại ô thị xã, Chinh cao lớn trắng trẻo nhưng hiền và nhút nhát. Vợ tôi hồi đó đang học đại học ở Hà Nội khi về nhà biết chuyện thường “ngăn cấm”. Chinh rất ngại “đụng độ” với vợ tôi.
Một buổi chiều tháng tám vừa thuyết minh trở về nhà nghỉ Hương nghe mọi người báo có khách, chẳng biết ai. Khi xuống dưới chân đồi thì ra là Chinh, Chinh đang ngồi dựa lưng vào gốc cây thông già nét mặt buồn buồn. Thật bất ngờ về chuyến đi thăm không báo trước này của Chinh. Hai đứa dắt tay nhau lang thang trên những triền đồi giữa bạt ngàn của hoa Mua, hoa Sim tím và tràn ngập trong không gian mùi nhựa thông hăng hắc.
- Sao Chinh không nói gì? Lên thăm Hương có việc gì quan trọng không?
- Chinh đến để chào Hương, ngày mai Chinh nhập ngũ.
- Sao lại nhập ngũ? Hương ngỡ ngàng - Thế Chinh không chờ kết quả thi đại học?
- Chinh đi, hết nghĩa vụ rồi về, việc học hành đành dừng lại. Chinh đi nghĩa vụ thay cho suất người anh, vì thấy thương anh chị, hai vợ chồng trẻ với đứa con gái nhỏ để anh đi, vợ con ở nhà vò võ không đành. Mình độc thân đi phải lẽ hơn.
- Tối nay Chinh ở lại đây chứ?
- Không, Chinh phải về sáng mai giao quân rồi.
Chiều xuống miền sơn cước thật nhanh, khói chiều và sương đã bảng lảng nơi cuối đồi. Tiễn Chinh ra tận đường cái hai đứa cầm tay nhau thật lâu, bốn mắt nhìn nhau im lặng.
- Thôi Chinh về đi.
Cho đến bây giờ Hương vẫn không quên được đôi mắt ấy, đôi mắt của Chinh nhìn Hương như báo hiệu một điều gì đó bất an ở phía chân trời nào đó xa kia, nó mơ hồ như ảo ảnh Hương chỉ lờ mờ linh cảm thế thôi … rồi bóng Chinh khuất dần nơi cuối dốc.
Đêm ấy Hương không ngủ Hương viết một bài thơ về Chinh vào cuốn sổ lưu bút mà bạn bè tặng khi năm học cuối cùng phổ thông kết thúc. Những ám ảnh buồn bã bao trùm lên toàn bộ bài thơ Hương viết:

Tôi đến Côn Sơn một buổi chiều
Dừng chân chốn cũ gọi người yêu
Hoa sim nở tím màu thương nhớ
Nhạc rừng thông réo rắt than kêu

Đây chốn năm xưa khắc hình anh
Với bao kỷ niệm sáng lung linh
Anh dìu tôi qua đồi sim nở
Hái tặng tôi hoa tím chung tình

Tôi nhớ một buổi sáng anh đi
Anh nói một mai sẽ lại về
Dâng trọn riêng em tình sim tím
Em là của anh vị hôn thê

Nay vẫn mùa sim tím thủy chung
Vẫn cảnh năm xưa gọi ái tình
Nhưng anh đi mãi không trở lại
Để em buồn tan nát con tim!

Côn Sơn hôm nay cảnh u sầu
Suối tuôn dòng lệ chảy về đâu
Hoa sim tím ngắt buồn xót tủi
Còn ai mà hái để trao nhau

Côn Sơn năm xưa hát tình ca
Ca đôi duyên lứa mộng vô bờ
Hôm nay Côn Sơn buồn lạnh lẽo
Khóc cho tình ai sớm biệt ly

Tôi bước lang thang dạo một mình
Giữa đồi hoang vắng khuất người thương
Âm thầm tôi nghe lòng chết lặng
Sim tím tình sầu rụng vấn vương!

Côn Sơn ơi có nhớ lời thề
Của người con gái ấy năm xưa
Nguyện suốt đời giữ tình sim tím
Để yêu người giờ đã khuất xa.
Tháng 8/1978
Hương có đâu ngờ bài thơ của Hương như vận vào số phận của Chinh, lần lên Côn Sơn thăm Hương là lần cuối cùng hình ảnh của Chinh bằng xương, bằng thịt khắc ghi trong trái tim, trong trí não của Hương cho tới mãi hôm nay.
Huấn luyện ba tháng, vội vã theo đơn vị vào biên giới tây nam - Hà tiên bổ sung quân. Vợ tôi sau này kể lại có lần gặp Chinh ở bến xe, Chinh chạy tới chào vẫn ánh mắt buồn buồn như từ biệt, như trách móc “ Chào chị ở lại, em đi” mà mãi sau này nghe Hương kể về ánh mắt lạ lùng của Chinh vợ tôi mới “ân hận” nhận ra điều đó.
Sáu tháng sau Chinh hy sinh. Chinh bị thương do pháo kích của giặc, được cứu thương chuyển về phía sau trên đường đi lại vướng mìn. Những phút giây cuối cùng của Chinh được người cháu họ kể . Trước khi hy sinh trong ba lô của Chinh chỉ có một bộ quân phục lá thư và tấm hình của Hương thấm đẫm máu. Hôm truy điệu Chinh, Hương xin gia đình được giữ lại bộ quân phục của Chinh trước lúc hy sinh làm kỷ niệm. Bộ quân phục với những vệt máu đã khô xám lại bao năm qua nằm trang trọng trong vali của Hương, theo Hương đi khắp nơi, từ bắc vào nam, ám ảnh, giắn vặt Hương trong đời sống, trong giấc ngủ trong tiềm thức Hương bị chứng mất ngủ cũng từ dạo đó. Bộ quân phục nằm trong va ly của Hương duy nhất trong nhà chỉ có vợ tôi được Hương cho biết. Năm 1987 Hương lấy chồng, trước khi cưới, Hương lên chùa làm lễ cầu siêu và gửi những kỷ vật đó lại cho Chinh.
Từ ngày ấy Hương thanh thản hơn, nhưng lâu lâu trong hạnh phúc hiện hữu cùng chồng con vẫn có những giấc mơ về Chinh chợt ập về trong giấc ngủ chập chờn… Chiến tranh, nỗi đau, ly tán và những hệ lụy của nó vẫn còn đó, nó kéo dài từ thế hệ cha anh đến thế hệ chúng tôi và hiển hiện đây thế hệ của những người em tôi nữa. Trong cuốn sổ lưu bút của Hương chỉ có hai bài thơ. Hai bài viết cách nhau sáu tháng bài thứ nhất Hương viết khi Chinh tới Côn Sơn để tạm biệt Hương đi bộ đội. Bài thứ hai Hương viết khi nhận được tin Chinh hy sinh. Tôi chép ra đây bài thơ thứ hai nữa của Hương để bạn đọc chia sẻ, bài thơ buồn:
...Bỗng một hôm bất ngờ tin đưa đến
Anh đã hy sinh vĩnh biệt em rồi!
Đất dưới chân em quay cuồng đổi biến
Mắt lệ nhòa vị cay xót trên môi...

Em biết từ nay đâu còn gặp lại
Để đón anh trên một chuyến tàu xa
Con thuyền tình vẫn cắm sào đứng đợi
Giữa mênh mông sông nước ,đứng bơ vơ.

Bên tấm hình anh em ngồi cúi mặt
Để nhớ về những năm tháng xa xưa.
Anh vẫn nhìn em nụ cười rất đẹp
Mà sao anh không nói lặng như tờ.

Hai đứa chúng mình duyên trời đã định
Đứa mất đi, đứa còn lại u buồn.
Anh bên ấy yên cõi đời tĩnh mịch.
Em bên này bao gầm dữ đau thương.

Em sẽ đến nơi anh yên giấc ngủ
Quì bên anh đặt hoa huệ trắng trong
Qua hương khói có lời em nhắn gửi
Tới hồn anh, em nguyện sống chung tình.

Và đời em quãng đời này còn lại
Mảnh khăn tang em chít mái tóc thề
Trong tim em khắc tên anh mãi mãi
Hẹngặp hồn anh ,kiếp sống bên kia!
Tháng 2/1979
(Đăng lại từ Bạn Trỗi)

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

Chuyện đấu tranh vì quyền của nhà giáo

Dịp đó là cuối năm 1980, học viên khóa 10 Đại học quân sự kết thúc những môn học cuối cùng, chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Lớp Vô tuyến k10 có khoảng 30 em. Nhiều đứa là con em cán bộ, dân HN. Thầy trò thân thiết, tôi hay chơi bóng đá với Đào Ngọc Thạch, Tuấn Leckow, Ngô Mê Giang…
Những năm đó, nhà trường khuyến khích ứng dụng KHKT vào các ngành trong và ngòai quân đội. Trung tá Trần Bình An (Trưởng bộ môn Xung-Số, Kỹ thuật truyền tin) chủ trì đề tài “Bảo mật thông tin áp dụng vào máy PRC-25”. Anh dùng sức ép của nhà trường lấy 5 học viên giỏi của tôi phục vụ đề tài. Tuổi tác thì bố lớn hơn (dân Chuyển tiếp Bách khoa 1967 rồi đi nghiên cứu sinh ở Hung về), kinh nghiệm dạy dỗ, kinh nghiệm cuộc đời thì bố già dơ hơn (nên bố khéo thuyết phục sếp). Vì vậy tôi mất vài trò thân thiết, trong đó có Thạch. Các em không làm đề tài của bộ môn mà phục vụ ông An.
Trước khi nhận đồ án, các em phải thi môn cuối “Xe công suất trung bình” do tôi phụ trách. Chả hiểu bố An cò cưa sếp thế nào, sáng hôm đó khi nhận thông báo: “Miễn thi môn “Xe công suất trung bình” cho 5 học viên có tên dưới đây được: Đào Ngọc Thạch, Ngô Mê Giang, Lâm Quang Đông… Đặc cách cho mỗi đồng chí nhận điểm 5”, tôi thấy bị xúc phạm ghê gớm.
Thông tin này lập tức được loang ra các khoa. Sang Khoa Cơ điện trao đổi với anh Ngân và Giang “mù” thì được trả lời: Anh em giáo viên Cơ điện phẫn nộ trước việc làm này. Qua Khoa Cơ bản hỏi cánh giáo viên Tóan, Lý, Hóa thì được trả lời: Thằng giáo viên ở trừơng chẳng có bất cứ quyền gì, trừ “quyền cho điểm”. Vậy mà nhà trường lại tước mất? Quá bậy!
Lúc đó trình độ lí luận cũng chỉ vớ vẩn, cũng chẳng thèm trao đổi với Ban chỉ huy Khoa (vì mấy bố này ngậm hột thị trước lệnh này), tôi lên thẳng ông Lê Phương Cảo, khi đó là Hiệu phó phụ trách Huấn luyện. Tôi trình bày sự việc và đuợc ông trả lời:
- Đúng, nhà trừơng có chủ trương này!
- Vâng, đó là chủ trương của nhà trường. – Tôi phản ứng – Báo cáo Thủ trưởng, ở trường này, là sĩ quan nhưng chúng tôi không khác gì 1 thằng lính. Mọi quyền đều bị tước hết, trừ “quyền cho điểm”. Nay nhà trường lại tước nốt cái quyền ấy…
- Ấy chết! Sao cậu lại nói thế?
- Thủ trưởng thử nghĩ có đúng vậy không?
- …?
- Cùng là đồng nghiệp nhưng tôi không tôn trọng anh An trước cách xử sự này. Anh không thèm bàn bạc với chúng tôi - những người chịu trách nhiệm trước mệnh lệnh giảng dạy của nhà trường, anh cậy quen biết thủ trưởng mà đi tắt, xin đặc cách cho các em không thi môn học này. Thủ trưởng thấy đó là đúng hay sai? Nếu Thủ trưởng thấy việc làm này đúng và ủng hộ anh An thì xin Thủ trưởng kí vào đây!
Tôi trình ra văn bản đã làm sẵn với nội dung: “Theo đề nghị của Trung tá Trần Bình An, nay nhà trường miễn thi cho 5 học viên có tên… Mỗi đồng chí được điểm 5 môn học này. Ký tên: Hiệu phó Đại tá Lê Phương Cảo”. Đọc xong ông Cảo lấy tay vắt mũi (1 thói quen cố hữu!) rồi nhăn trán:
- Các cậu không ủng hộ tớ gì cả! Làm thế này thì khó cho tớ quá?
- Chính nhà trường làm thế này mới là làm khó cho chúng tôi. Vậy cứ ai quen thủ trưởng là có quyền yêu cầu nhà truờng miễn thi môn học đó cho học viên? Còn tôi, tôi cương quyết không chấp hành lệnh này. Thủ trưởng kỷ luật cũng được. Tôi đề nghị: 5 học viên này phải thi môn do tôi phụ trách. Nếu không các em sẽ nhận điểm 2.
Nói rồi tôi xin phép ra về… Ngày hôm sau, bộ môn nhận được thông báo: 5 học viên phải thi môn học của tôi. Sự kiện này gây chấn động trong khối giáo viên tòan trường. Ai cũng hồ hởi.
Bộ môn tổ chức thi lại vào sáng thứ bảy. Cũng biết các em chỉ là nạn nhân nhưng làm sao được. Ngay cả khi tổ chức thi đâu phải em nào cũng được điểm 5. Riêng Đào Ngọc thạch, tôi nhớ, được 5 tuyệt đối!
Một kỷ niệm đấu tranh dân chủ ở nhà trường mà tôi gắn bó tới hai chục năm!

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2008

Một người hàng xóm Mỹ

Không biết tại sao, tôi có cảm tưởng khi đi ra“ ngoài“, người Mỹ hay muốn tỏ ra mình là con Công , con Phượng (còn xung quanh là sẻ cả). Cho nên cứ mỗi khi nhìn thấy những người Mỹ này là tôi lại có ý nghĩ ,hồi trước ở VN mình họ phải chấp nhận làm con chim Chích , chim Sâu thì chắc là họ cay đắng lắm.
Nhưng có một hôm, có hai vợ chồng người Mỹ vào cửa hàng của tôi, thái độ rất khiêm tốn nhún nhường. Đôi vợ chồng ấy, tự giới thiệu họ đến từ Mỹ, đến đây học đại học và ở ngay bên cạnh. Thế là chúng tôi nhận nhau là hàng xóm.
Hồi ấy tôi còn có một cửa hàng ở cạnh một quán ăn VN. Chủ quán trước đây là nữ công nhân đội Quang Xèng, nhà ở thị xã Vĩnh Yên. Đôi vợ chồng người Mỹ này ở bên trên quán ăn. Tôi thỉnh thoảng tôi lại sang ăn cơm trưa. Vì đã ở VY đến 4 năm nên tôi được coi là „đồng hương“. Chủ quán thường dọn cho tôi cơm với cá kho gừng, rau muống luộc… Những bữa trưa như thế làm cho tôi thấy rất thoải mái.
Có một lần , đến ăn bữa trưa thi gặp anh chồng người Mỹ cũng đang ăn cơm ở đấy. Chúng tôi chào nhau như những người quen. Sau khi ăn cơm xong ,đang ngồi uống nước thì cậu ta mang bản đồ đến hỏi tôi về Leipzig. Phát hiện ra cậu ta chưa biết nhiều về LPz nên tôi chỉ mấy chỗ nên đi và nói thêm :- Ở Mỹ chỉ có đất đá mới đọ được tuổi với những vật có ở đây thôi, nên tranh thủ mà xem đi!.
Thấy cũng thân tình, tôi hỏi cậu ta đến đây học ở trường nào? Cậu trả lời ngay:_học ở đại học tổng hợp Leipzig (UNI) ,môn Hóa. Tôi quá sửng sốt :
_Tại sao lại phải đến tận đây học Hóa, học ở Mỹ không tốt hơn sao?
_ Vì „Ali Hóa học „ đã học ở đây!
Nhắc đến „Ali hóa học“, chắc một người lính bình thường nào cũng phải cảm thấy may mắn vì đã không phải làm một viên tướng ô nhục. Ông tướng này đã dùng chất đôc Hóa học với chính đồng bào của mình.
Thú thật cho đên tận bây giờ tôi cũng chưa tận mắt đọc một tài liệu nào nói về chyện này, mặc dù có nhiều người Đức xác nhận chuyện này. Cho nên lúc ây tôi đã tỏ ra rất ngạc nhiên.
Và sau đó chúng tôi nói rất nhiều về UNI. Nữ thủ tướng đầu tiên củ BRD, bà Merkel, lúc ấy còn là thủ lĩnh của đẩng đối lập CDU, đã học ở UNI Leipzig từ 1973-1978 môn Lý và bằng diplom „sehr gut“ (Ưu).Tuy nhiên tôi lại bảo cho cậu ấy biết UNI đã không nhận Anhxtanh vào làm việc. Tôi còn chỉ cho cách cậu ấy tìm ra bức thư của UNI gửi cho Anhxtanh để từ chối đơn xin việc của ông này .
Trước cửa UNI về phía nhà hát opera có một bức phù điêu miêu tả Marx cùng với các tầng lớp lao động. Tôi khuyên cậu ấy nên xem vì người ta sắp dỡ đi rồi (nay thì đã không còn ở đấy nữa). Và còn nói cho cậu ấy biết cách nhìn thấy điểm đặc biệt của bức phù điêu ấy. Sau đó chúng tôi nói sang chuyện Marx. Có lễ trong cùng 1 đơn vị thời gian cậu ấy chưa từng được nghe về Marx nhiều như thế nên khi chia tay cứ nhất định mời tôi 1 cốc bia. Tôi lịch sự từ chối lấy cớ là phải lái xe. Uống 1 cốc bia tươi 200ml, đối với 1 người nặng 70 kg như tôi, mà 5 tiếng nữa mới phải lái xe về nhà, thì đúng là hoàn toàn không vấn đề gì.
Tôi đã từ chối vì cái cách mà cậu ấy đến Leipzig để học môn Hóa cộng với những việc mà đất nước của cậu ấy đã làm, đang làm và muốn làm đã không thể đảm bảo chắc chắn với tôi rằng :cậu sinh viên Hóa rất hiền lành hôm nay, ngày mai không trở thành một „Ali hóa học?!“.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

Lần "đụng độ" ở quán bia hơi Cổ Tân

Năm 1980, anh giai chuyển về Vụ 1 (Bộ Đại học), cánh “giáo viên nhi nhô” trên Vĩnh Yên còn lại tôi và anh Trần Đình Ngân. Cứ mỗi thứ bảy không có giờ, trốn về HN sớm là tạt qua chơi với anh giai.

Những năm đó chưa thóat khỏi chế độ bao cấp. Cứ cuối năm về nghe bà già phổ biến tình hình năm nay còn xấu hơn năm trước mà thấy bế tắc. Cái gì cũng tem, cũng phiếu. May mà sĩ quan được hưởng 21 kí gạo/tháng nên cũng phụ được gia đình và có “của ăn của để”. Lần nào về HN, không đi mua nem chạo tai lợn rắc thính về nhà anh giai ở 19B Hàng Vôi nhậu thì cũng rủ anh giai ra bia hơi Cổ Tân uống dăm vại.

Quán bia hơi Cổ Tân chỉ cách Nhà hát Lớn vườn hoa nhỏ. Quán dựng bằng khung sắt, lợp mái tôn và tựa lưng vào hàng rào ngôi biệt thự cổ. (Đâu như nhà văn Đòan Giỏi từng sống ở đây). Mà lạ là đã cổ lại còn tân? Hồi đó, ai có người nhà bán bia hoặc có thẻ thương binh là “nhất” – miễn xếp hàng(!), còn lại muốn uống phải xếp hàng rồng rắn, chờ lấy tích-kê kèm đĩa lạc luộc hay đậu phụ. Mà cũng chỉ được 2 vại/lần. Thắng “ngớ” nhà gần đấy có dù quen biết cũng chỉ xếp hàng đủ bia uống cho cánh bạn bè.

Thời gian này, sau 1982, anh giai chuyển về Cục Liên lạc đối ngọai. Lần đó, anh Ngân và tôi về HN từ chiều thứ sáu. Trưa thứ bảy tới Cục ới anh giai. Khi xếp hàng mua được dăm vại và đã ngồi yên vị thì thấy anh giai đầu rẽ ngôi giữa, mình khoác blu-dông Nga, chân xỏ giày Cô-xư-ghin, cong đít đạp xe diamant ra. Khách quen thấy ông anh chào í ới. Ngửa cổ tu gần hết vại bia rồi “khà” một tiếng thật đã, anh lấy tay lau bọt bám trắng dính mép, cười sảng khóai: “Ở HN sướng thật! Cần là có bia uống”. Mấy con phe lượn lờ quanh, thấy bàn nào li đã cạn thì gạ gẫm: “Có bia không phải xếp hàng. Bác cần thì em phục vụ”. Nhìn theo hướng tay mụ chỉ thấy bên kia đường có mấy can nhựa chứa đầy bia. (Chắc chúng đã móc ngoặc với nhân viên nhà hàng?). Khi đã ngà ngà, để khỏi phải xếp hàng, anh em tôi bỏ quán sang vườn hoa nơi có can bia của mụ Bích. Mụ béo lấy mấy cái ghế gỗ trong làn ra, trải tờ báo cũ làm bàn ngay trên mặt cỏ rồi nhanh tay quạt con mực. Mùi mực nướng thơm lừng, quyến rũ! Đúng là “gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc”! Bia đắt hơn có 5 hào mà tươi chẳng kém và không phải chờ. Khi nâng li mới, nghe anh giai nhắc: “Đơn vị tao vừa phổ biến: Thành phố đang lập lại trật tự hè phố. Phải cẩn thận!” thì bác Ngân đế ngay: “Sợ gì. Mình là lính!”. Con mẹ béo lùa được khách xộp, rót xong mấy vại là ngồi tranh thủ đan chiếc áo còn dở.

Đang ngồi khề khà chợt nghe mụ hốt hỏang: “Lão Tiến công an khu vực ra, em phải té. Các bác cứ ngồi, lão ngại bộ đội. Giữ hộ em can và cái làn này!”. Thấy mụ bỏ của chạy lấy người, anh giai cũng đứng dậy: “Tao là lính gần đây nên phải lánh, kẻo nó xức giấy về đơn vị”, rồi nhảy lên xe. Cậy là lính, tôi và anh Ngân vẫn ngồi lại. (Quả thật nhìn bác ngồi bên cái làn nhựa có cuộn len màu và cái áo đang đan dở chẳng khác gì chú bộ đội đi đón vợ đẻ(!) mà không dám cười). Tiến béo tới, giơ tay lên vành mũ chào và lên giọng:

- Thành phố đang lập lại trật tự hè phố. Các anh uống bia phe. Cho phép tôi tạm giữ cái can này.

- Xin lỗi ông! Chúng tôi là lính – anh Ngân vỗ ngực (nhìn ra thấy ông anh mặc đồ không quân với quân hàm đại úy) - mới từ đơn vị về, quanh năm xa HN không có bia, đuợc ngày nghỉ vì khát bia nên rủ nhau ra đây uống. Ngồi đây cho mát. Can này là chú em tôi, thuợng úy, mượn của bạn để mua bia từ cửa hàng ra. Ông không được phép giữ!

- Xin lỗi bác, can này là can của tụi phe. Mà thành phố đang dẹp bọn con phe. Là bộ đội, bác phải ủng hộ em!

(Nhìn cái can thì đúng là của dân phe, đuợc thổi nóng phồng lên, chứa được trên 10 lít). “Tùy ông, giữ thì cứ giữ. Tôi sẽ lấy lại!”, ông anh nói rồi xỏ giày, đứng lên. Chú Tiến thu thêm mấy can phe liền chở về đồn. Tiến vừa khuất, Bích béo chạy ra bù lu bù loa: “Mất cái can ấy là em mất nghiệp. Các bác giúp em lấy lại!”. Sẵn có tí men cộng với máu lính nổi lên, ông anh giật giọng: “Đuợc, tao sẽ đi!” rồi quay sang tôi “Đi với anh!”. Hai anh em cưỡi xe 67 phóng về đồn công an phường Hàng Bài, sau rạp Công nhân. Đến nơi thì “tang vật” đã được chuyển về UBND phường. Phóng xe đến nơi thì cửa UB, đối diện với Bách hóa Tổng hợp, vừa mở. Dựng xe rồi bước vào xin gặp Chủ tịch.

- Dạ… dạ… tôi là Chủ tịch, - ông ta lúng túng khi thấy có 2 vị khách mặc quân phục không hẹn mà đến. Lại thấy cái nhà ông đại úy giập gót giày đánh “bộp” và giơ tay lên vành mũ. (Có lẽ cả đời ông ta chưa bao giờ được ai chào như thế!).

- Báo cáo Chủ tịch, tôi đại úy Phan Thanh Ngân, Trung đoàn trửơng Trung đoàn 918 không quân, có việc cần bàn với Chủ tịch.

- Xin mời đại úy ngồi!

- Đây là Chứng minh thư quân nhân của tôi. (Liếc mắt nhìn thấy ghi “Trần Đình Ngân”, mà Trung đòan trưởng 918 hình như họ “Phạm Thanh”?!). Còn đây là thẻ thuơng binh. (Tên cũng như vậy và ghi “tình trạng thuơng tật: cột sống”). Chúng tôi đóng quân xa HN, chứ không hạnh phúc như các ông… (Ông anh giận giữ).

- Ấy ấy, bác nói quá. Có việc gì thế bác?

- Trưa nay, tôi và chú em thượng úy ngồi uống bia ở Cổ Tân. Thiếu úy Tiến đi qua đã tịch thu cái can mà em tôi mượn bạn nó để mua bia. (Ông anh tấn công liên tục). Nếu các ông thấy đúng là “có vấn đề” thì đề nghị cho đổ hết bia trước mặt chúng tôi và xin trả lại cái can!

- Ấy chết, Nhà nước vừa ban hành Luật Sở hữu tài sản cá nhân, không ai được xâm phạm tài sản của các bác. (Tay hắn mân mê giấy tờ của bác Ngân, chỉ lo nó đọc thì xong!)… Thôi, có gì sai sót thì rút kinh nghiệm; nhất là các bác là bộ đội, còn chúng tôi đại diện cho chính quyền cơ sở.

Nói rồi ông ta cầm 2 tay cung kính trả lại giấy tờ cho ông anh. Đứng cạnh chỉ lo ông ta lướt lại 1 lần tên tuổi trên giấy thì… toi nặng!

Chào ông, chúng tôi xách can bia ra xe trước sự ngơ ngác của nhân viên UB. Ngồi trên xe phóng dọc Tràng Tiền về Nhà hát Lớn mà lòng khấp khởi. Thật là may vì có ông anh liều! Vừa tới đầu vườn hoa đã thấy con mẹ Bích đứng chờ, mặt rạng rỡ: “Cảm ơn các bác! May quá, đồ nghề làm ăn của em không mất. Em xin biếu không các bác số bia còn lại”. Chả thèm ngồi ở Cổ Tân nữa, chúng tôi kéo nhau ra quán Nghệ sĩ của đòan Kịch nói TW, sau Nhà hát Lớn. Anh giai nghe tin phóng ra ăn mừng. Nghệ sĩ Đoàn Dũng biết anh em tôi thắng lớn cũng ra dự tiệc. Vui!

Mỗi người có ít nhất 1 cái tài, riêng anh Ngân của ta có tài ấy mới đáng sợ!

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

NHỚ CHU QUANG

Đào Duy
Hưng Hóa - Phú Thọ đầu mùa hè 1970, chúng tôi chuẩn bị ôn thi hết lớp chín. Một buổi trưa chẳng hiểu sao không ngủ được, nằm bên cạnh tôi thằng bạn thân – Tiến Dũng, hắn cũng trằn trọc lăn qua lăn lại mắt thao láo nhìn qua cửa sổ giống tôi. Cành phượng vĩ với những chùm hoa như lửa đong đưa theo gió trước ô cửa sổ, ngoài trời nắng hoe hoe vàng và ngập tràn trong không gian là âm thanh của tiếng ve đầu hè như mời gọi thúc dục … Tôi huých đầu gối vào cái mông to sụ của Dũng: - Không ngủ à? Hắn giật thót mình quay lại -Ừ! Chẳng hiểu sao mình không thấy buồn ngủ - Bọn mình đi lang thang đi- Tôi khơi mào. Chỉ đợi có thế vì nhìn mắt hắn là tôi biết, mơ màng lắm. Hắn đồng ý ngay, đưa ngón tay lên miệng: Xuỵt! khẽ thôi không thầy Chương biết thì chết. Chúng tôi chuồn theo bức tường phía cổng phụ. Tường không cao lắm tôi thao tác ngon ơ, loáng cái tôi đã ở phía ngoài. Uỵch! tôi nghe như tiếng bao gì đó rất nặng rơi, nhìn lại phía sau thấy thằng bạn lồm cồm bò dưới đất. “Chỉ tại cái mông chết tiệt người qua hết rồi vướng mỗi cái mông đâm ra tao mới ngã”. Quả thật thằng bạn tôi “mẫu mã” cũng khá chỉ duy nhất có cặp mông hơi bị xệ nên tôi hay gọi hắn là Dũng “mộng năng”. Chúng tôi đi qua tiệm sửa xe Quý Long giữa phố vẫn thấy tay chủ quán cặm cụi tận thu, rồi ngược lên phía trên thị trấn đối diện với bách hóa tổng hợp phía bên kia đường tôi thấy sau tủ kính một thân hình béo phị trần trùng trục đang cúi đầu với cái kính lúp đeo bên mắt, chắc lại một pan khó đây! chiếc đồng hồ “Nikle vừa nghe vừa lắc” cũ rích từ thời thuộc pháp của tay khách nào chơi xỏ hay tiếc “đồ cổ” đem sửa đi để làm kỷ niệm chăng tôi nghĩ thế và tủm tỉm cười khi nhìn lên tấm biển quảng cáo với cái tên đầy ấn tượng “ Tiệm chữa đồng hồ vĩ đại”. Thị trấn vắng hoe, chúng tôi vòng trở lại, hai bên phố hình như mọi người cũng chìm trong giấc ngủ trưa, ngay cả hàng bàng và phượng vỹ bên đường cũng xõa lá xuống như mơ màng. Nhưng bỗng đâu một buổi trưa hè êm ả, thơ mộng bị phá hỏng bởi âm thanh lạc lõng của tiếng gõ chát chát, cạch cạch … của tay thợ gò cuối phố. Lạ thật chỉ có ba vị đại diện cho “giai cấp” công nhân của cái thị trấn này là còn hăm hở làm việc giữa một trưa hè lãng mạn thế này còn tuyệt nhiên mọi sinh vật đều lặng im, mơ màng thưởng thức khoảnh khắc giao mùa tuyệt vời chả trách ông Mác ông ấy khẳng định chỉ có giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng được cũng phải. Vòng theo lối cổng chính phía nhà thờ đổ có cái cửa hiệu may của tay bảo hoàng trọc đầu ngày xưa theo tây đánh ta tôi gợi ý : Mình lướt qua tiệm lão trọc thợ may ngắm con gái lão ta một tí cho thư thái rồi về học cho nó vào. -Sao ý mày giống tao thế, thằng bạn tôi hưởng ứng nhiệt liêt. Đi qua đi lại đến hai vòng mà không thấy con gái của lão thợ may đâu chỉ thấy thấp thoáng sau chiếc bàn may là cái đầu trọc chết tiệt nhấp nha, nhấp nhổm đang đo đo, vẽ vẽ, thế là hỏng toi mất một trưa hè tuyệt đẹp, không lẽ vòng lại đến ba lần, máu sỹ nổi lên cóc thèm nữa và theo cổng chính chúng tôi trở về lớp. Sau này mới biết chả riêng gì chúng tôi mấy bác khóa trên cũng “quần nát” cổng nhà lão trọc nghe nói có bác còn rủ rê được con gái lão ta đi chơi tối nhưng rồi sau này do ngại lý lịch nên ngãng ra, lập trường giai cấp ra “phết”, nhưng riêng tôi, tôi lại thấy bác nào đó xử sự như thế nó có vẻ cực đoan thế nào ấy. Giá là tôi mà có được cơ hội như thế thì tôi sẽ khác, tôi phải “đấu tranh” giai cấp đến cùng phải “triệt để” cách mạng.
Dũng lên phòng ngủ tiếp còn tôi lén ra sau nhà giải quyết nỗi buồn. Đang nép người vào bức tường dưới tầng trệt, phía trong là lớp học “xả hơi” tôi bỗng nghe thấy tiếng lạch cạch và tiếng xoẹt xoẹt như tiếng giũa sắt, nhìn vào trong tôi thấy Chu Quang đang ngồi chăm chú khi lại gần tôi mới biết thì ra ông bạn đang làm lưỡi câu cá. Quang học lớp khác, chúng tôi không chơi thân với nhau, Quang học khá ít tham gia các nhóm nghịch ngợm như tụi chúng tôi, ngay cả thể thao thể dục bạn cũng chẳng đoái hoài, nhưng đặc biệt bạn rất khéo tay. Quang không thật nổi trội trong khóa nhưng bạn là một học sinh khá và là một trò ngoan.
Tôi từ từ tiến lại phía sau Quang tay đập mạnh vào vai rồi quát:
“Trưa không ngủ xuống đây làm gì”, tôi giả giọng thày Ninh. Quang giật thót người quay lại định thần một lúc mặt Quang đỏ lên rồi nói như chửi: - Tao làm gì việc đ … gì đến mày, tôi hơi ngỡ ngàng trước phản ứng của Quang, và rồi hai đứa cãi nhau, sợ làm um lên không có lợi hai thằng tôi như hai hiệp sỹ thách đấu hẹn tối nay gặp nhau ở chuồng bò phía cổng trường để giải quyết chuyện “xúc phạm” danh dự của nhau rồi hai đứa chúng tôi giải tán về lớp của mình, vừa lúc kèn báo thức chiều vang lên.
Đúng hẹn tôi rủ thêm Tô Tâm, tôi rất quý Tâm vì Tâm hiền lành xuề xòa nhiều khi đến luộm thuộm. Tâm thông minh lười học nhưng học vẫn rất khá, Tâm chơi nhiều môn thể thao đặc biệt là bóng bàn và bóng đá rất hay nghe nói Tâm học ở trường học sinh miền nam từ nhỏ nên tôi nghĩ chắc võ nghệ cũng khá nên tôi rủ Tâm đi theo để hỗ trợ nếu có gì bất trắc xảy ra. Khi nghe tôi đặt vấn đề Tâm nhiệt tình nhận lời. Trời tối thui, mùi phân và nước đái bò thoang thoảng hai thằng tới “đấu trường” chờ một lúc mà không thấy đối phương đến. Hay Quang thay đổi ý định chuồn rồi? thật may cho mình, tôi nghĩ bụng. Vừa vặn đúng lúc đó thì Quang tới cùng đi với một ông bạn nữa tôi không nhớ là ai, sau này nghe Tâm nói lại là Hồng lồi, một hảo hán của khóa tôi, tôi bắt đấu chột dạ, hắn giao du với Hồng lồi thì cái khoản “kia” của hắn phải khá lắm kiểu này chắc tôi bị nốc ao quá, tôi bắt đầu mất hết tự tin và giao động. Sau khi giao hẹn phương thức thi đấu chúng tôi nhập cuộc ngay. Tôi thấy Quang lưng cúi xuống hình thước thợ, đầu gối hơi thấp, một tay vắt chéo đặt trên lưng còn một tay đưa ra phía trước bàn tay chụm lại hướng về phía tôi, nhìn từ xa các bạn sẽ thấy nó giống như con cò đang vươn cổ đứng “ị”. Rõ ràng đây là một kiểu đứng “thế” của bậc cao nghề. Kệ đối phương, tôi cũng hạ thấp người chân đảo chữ chi như Ronando làm động tác giả khi lừa bóng còn tay thì quay như “chong chóng”, múa may một hồi chả thấy đối phương lao vào chỉ thấy Quang di chuyển cái “cổ con cò” hướng theo sự dịch chuyển của tôi. Được một lúc mệt quá một phần cũng chóng mặt do tự mình nhìn hai tay múa trước mặt tôi ngã vật ra tuy nhiên tôi vẫn cẩn thận la to “giải lao”. Tâm lao vào tôi tay cầm tàu lá chuối vừa quạt cho tôi vừa nói: Ông phí sức quá đối phương nó chả mất đi đâu tí sức nào trong khi ông múa quá nhiều mồm thì thở hồng hộc như bò đẻ thế kia thì đánh đấm cái gì. Sau khi giải lao chúng tôi vào hiệp hai vẫn với chiến thuật cũ, bị thúc bởi hai võ sư đứng ngoài “vào đi, vào đi…” Thế là tôi nóng máu lao vào đối phương, đầu tiên tôi còn mở mắt nhưng thấy trời tối cũng chẳng nhìn rõ nên tôi nhắm tịt mắt lại vì mở cũng chả có tác dụng gì có khi đối phương nó lụi cho một quả vào mắt thì cứ gọi là toi. Cứ thế tôi lao vào loạn xạ, tay văng tứ tung trúng đâu thì trúng không cần biết. Tự nhiên tôi thấy tiếng ai chẳng biết có phải của Tâm không: đá đi! đá nữa chứ! sao không dùng chân à. Thế là tôi giật mình và vội vàng không dùng tay nữa, tôi chuyển sang dùng chân đá, cứ thế tôi đá, đá lung tung bỗng tôi thấy bẹt một cái người bỗng nhẹ bẫng đi và mùi cứt bò xộc lên, kệ tôi cứ đá. Bỗng tôi lại nghe thấy tiếng: Sao lại chỉ có đá, không đấm à. Mẹ nó chứ cái anh võ nghệ này phức tạp thật, mải chân thì quên bố nó tay, đến khi nhớ tới tay thì lại quên phắt mất chân. Được khoảng ba bốn phút gì đó hai thằng tôi ngã vật ra, tiếng Hồng lồi la lớn: xong! Hai thắng tôi nằm lăn dưới đất thở hồng hộc mất một lúc, ngồi dậy bắt tay nhau rất quân tử rồi theo hai hướng chúng tôi chuồn về doanh trại trên người bê bết cứt bò. Tôi lao ra giếng tắm và trở lên phòng như hề không có việc gì xảy ra. Đêm nằm tự dưng tôi thấy đau ê ẩm ở mu bàn tay phải. Sáng hôm sau tập trung lên lớp tôi len lén nhìn sang lớp của Quang, tôi thấy một mắt của Quang sưng to và đỏ trong lòng tôi trào nên niềm thương bạn cộng với lỗi lo “Không biết Quang có sao không?”Mấy ngày sau mắt bạn trở lại bình thường tôi mới yên tâm. Rồi mọi việc cho qua, chúng tôi cũng chả giận gì nhau, tuổi thơ dễ quên những chuyện vặt vãnh, rồi năm học cuối cùng ở trường Trỗi của chúng tôi kết thúc.
Trường giải tán mỗi đứa mỗi phương sống chết trong chiến tranh, mải miết mưu sinh trong thời bình chẳng còn đâu thời gian để dò hỏi tin nhau. Cho mãi tới khi cầm trên tay cuốn “Sinh ra trong khói lửa” – tập hai. Khi lần giở tới trang 142 bài “ Chu Tấn Quang rực sáng tên anh” của tác giả Trần Kiến Quốc và bài “Lá thư trước ngày ra trận” của ban biên tập. Đọc đi đọc lại ngắm nhìn mãi tấm hình bạn mà tôi không sao cầm nổi nước mắt. Quang đứng đó khuôn mặt măng tơ bình thản bộ quân phục màu ôliu chững chạc, khẩu AK đeo bên vai bàn tay nắm chặt thân súng. Quang gác bút nghiên vào chiến trường thì cũng vào thời điểm ấy chúng tôi lại ngược trở ra quay lại trường học tiếp, hai chúng tôi đi ngược chiều nhau, nhưng chỉ có điều Quang đi, đi mãi. Quang trở thành người anh hùng trong chúng tôi, Anh ngã xuống cho chúng tôi hôm nay, cho con cháu chúng tôi ngày mai … viết lại một kỷ niệm về Chu Quang, thắp nén nhang tạ ơn anh và các đồng đội trong cái nhớ cồn cào mùa hè cuối cùng ở trường Trỗi - Hưng Hóa năm 1970. Quang trẻ mãi trong tôi như tấm hình của anh ôm súng đứng kia, một người lính.

NHỚ HOÀNG XUÂN THẮNG

Thật ra tôi gặp và chơi với Hoàng Xuân Thắng từ tháng 8-1987, hồi ở Đức. Nhưng Thắng đã chơi với Vũ Tòan Thắng, Tôn Gia Quý… từ hồi còn là học sinh phổ thống, rồi có họ hàng với Đòan Quốc Khánh.
Xuân Thắng vốn sinh ra trong gia đình gốc Thừa Thiên – Huế, cùng dòng họ trí thức với cụ Hoàng Xuân Hãn. Thời sinh viên, hắn học Kiến trúc ở Weimar (CHDC Đức) nhưng vì nghịch ngợm nên năm thứ tư bị Sứ cho về nước, cùng với hội Đoan Hùng, Phan Thái Minh… Vốn khá tiếng Đức, nên khi về Hà Nội, hắn xin học tiếng Anh. Ra trường với khả năng chuyên môn và nhờ ông già vốn là dân ngọai giao nên Thắng được xếp về Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn. Hắn đã làm việc ở các sứ quán Palestine, Nhật, Tiệp rồi cả hãng hàng không Lufthansa…
Thời kì mới mở cửa, cuộc sống khó khăn, Thắng đăng ký sang Đức xuất khẩu lao động - làm thông ngôn. Hè năm 1987, vừa mới chân ướt chân ráo từ Naumburg về Viện Tự động hóa chỉ huy (Quân đội quốc gia Đức) ở Dresden, tôi mò xuống đội Thắng. Khi này hắn đang phiên dịch cho một đội đến cả trăm chị em làm may do Hùng (dân Nam Định) làm đội trưởng. Tôi còn nhớ ngày mới sang, đội của Thắng được xếp tạm về khu nhà mới xây dành cho các cụ già không nơi nương tựa ở ngoại ô Dresden. Dọc hành lang được gắn vào tường những ống inox sáng coóng, mới nhìn cứ nghĩ khu giảng đường cho nữ sinh học balet, sau mới biết tác dụng của nó để các cụ già khi đi trong nhà vịn theo khỏi bị ngã(!). Ở bên đó, Thắng chơi với Quang "xèng", Nguyễn Trọng Lượng...
Khi hồi hương, Thắng từng vài lần đi phiên dịch cho huấn luyện viên bóng đá người nước ngòai. Gần nhất là ông Wilfeld. Nhiều lần ra quán Shashlyk của Chí Hòa và Quắt ở Giảng Võ đã thấy hắn đang nhậu với ông ta. Giỗ mẹ tôi năm 2000, hắn đến dự và góp lọat quốc ca của nhiều nước trên thế giới. (Ảnh).
Tháng 8-2002, ra viếng cụ Trần Độ có tạt qua thăm Thắng và tặng cuốn “Thịt nướng” tập 1. Cổ Thắng được che bằng miếng khăn xô vì phải mở ống xông. Hắn không nói được mà chỉ phều phào và dùng bút đàm: “Cụ Độ đi rồi à?”. “Ừ!”. “Cảm ơn đã tặng sách! Đọc hết rồi. Hay!”. “Thế bao giờ nói lại được như cũ?”. “Hì!”… Cái miệng cười trông móm xều…

... Ngày mai, anh em ngòai Hà Nội tiễn Thắng đi. Không ra viếng được xin viết vài dòng thế này:
Ngày mai ngoài ấy bạn đi
Trong này nhớ bạn vội ghi vài dòng
Nhớ năm tháng sống tha hương
Chia nhau chén rượu ấm lòng xa quê...
Rồi những năm tháng trở về
Hội ngộ lại gọi Thắng “hề” đến vui
Hễ có rượu, cất cao lời
Không ai quên được tiếng cười Thắng "Xuân" (hay trêu hắn là Xuân Diệu!)
Từ nay bạn mãi không gần…


Sài Gòn, 16-10-2002

KỶ NIỆM VỀ XƯỞNG PHIM QUÂN ĐỘI

Đạo diễn điện ảnh, đại tá Dương Minh Đẩu từng 20 năm làm giám đốc Xưởng phim Thời sự tài liệu quân đội (từ ngày mới thành lập) nhớ lại: Năm 1958, chuẩn bị kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội, các mảng báo chí, triển lãm, ca muá nhạc… đều đã lên kế hoạch dàn dựng, riêng phim thì chưa có. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh quyết định: Nhân dịp này cho ra được một bộ phim tài liệu truyền thống của quân đội. Phó chủ nhiệm Lê Quang Đạo đã giao nhiệm vụ cho 2 đ/c Ngô Luân và Trần Việt đi gặp các nhà làm phim của Bộ Văn hoá bàn bạc. Cuối cùng đạo diễn Hoàng Thái nhận lời, còn Trần Việt là chủ nhiệm phim. Mệnh lệnh đơn giản: “Bộ đội lo mọi thứ, thiếu thì đi thuê và phim phải trình chiếu vào 22-12-1959!”.
Được Xưởng phim Thời sự - Tài liệu TW giúp đỡ, tới tháng 11-1959, bản dựng đầu tiên được thông qua. Vì có cảnh Bác Hồ đọc lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, nhưng năm 1946 ta không ghi được, đoàn làm phim đề nghị xin phép cho ghi âm lại lời Bác. Ba ngày sau, Bác đồng ý và đoàn đã tổ chức ghi âm được giọng nói của Bác tại Phủ Chủ tịch. Một tư liệu lịch sử vô giá! Và bộ phim “Dưới cờ Quyết thắng” đã ra đời đúng dự kiến, kịp phục vụ bộ đội và nhân dân vào dịp 22-12-1959.
Tin tưởng vào cán bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định cho thành lập Đoàn Điện ảnh quân đội. Tháng 8-1960, hơn ba chục anh em từ đơn vị trong toàn quân được gọi về. Đa số đều là cán bộ tuyên huấn hay văn công, hầu như chưa có khái niệm về điện ảnh, khoảng chục anh từng làm công tác chiếu bóng(!) ở đơn vị. Ông Phan Quang Định đang công tác ở Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc nhưng mê chụp ảnh mà xin về Đoàn. Chỉ duy nhất Trương Thành Hỷ đã học qua về quay phim với thầy Khương Mễ từ hồi ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Các nhà văn Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng, nhà thơ Lưu Trùng Dương được phân lo phần kịch bản. Sáu tháng đầu, anh em mời thầy Khương Mễ, Trịnh Thanh… về dạy cách quay phim, chụp ảnh. Bộ Văn hoá mở lớp học có chuyên gia Liên Xô giảng, anh em xin sang học. Sang năm 1961, ba bộ phim đầu tiên “Trên hải phận Tổ quốc”, “Khi tôi huấn luyện tiểu đội” và phóng sự “Mộc Châu vui đón bạn” được Xưởng phim Thời sự – Tài liệu TW thực hiện, cả đoàn sang “điếu đóm”, vừa làm vừa học.
Sau 2 năm 1962 và 1963 chuẩn bị, từ tháng 5 đến tháng 11-1964, tại Bắc Kinh, 140 diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Quân đội cùng Đoàn làm phim (20 người) được Xưởng phim Bát Nhất giúp đỡ đã quay xong bộ phim mầu kịch múa đầu tiên “Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh” (thời lượng 70 phút). Đây là bước trưởng thành vượt bậc của Điện ảnh quân đội.
Năm 1965, Xưởng phim Quân đội cho ra đời “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, năm 1970 phim đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ nhất. Những năm chống Mỹ, những thước phim thời sự tài liệu quay được ở miền Nam theo giao liên vượt bom đạn ra Bắc, sau đó được Xưởng phim Quân đội sản xuất tại nơi sơ tán chỉ cách Hà Nội 30km để trở thành những bộ phim mang danh Xưởng phim Giải phóng như: “Chiến thắng Dương Liễu – Đèo Nhông”, “Vài hình ảnh Xuân 1968”, “Chiến thắng Côcava”, “Trận địa mặt đường”, “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào”, “Anh pháo binh giải phóng” v.v...
Đầu 1979, trong những ngày sang giúp bạn giải phóng đất nước Chùa Tháp, Xưởng phim quân đội cho ra đời bộ phim “Campuchia 3+4” vạch trần tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Tại Liên hoan phim quốc tế Lai-xích 1979, phim được trao giải thưởng cao nhất – Bồ câu Vàng.
Từ “buổi đầu tay trắng” với “hơn 30 chiến sĩ”, sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, Xưởng phim Quân đội có một quy trình sản xuất phim hiện đại; đội ngũ nghệ sĩ - chiến sĩ làm phim luôn có mặt trên khắp các chiến trường, góp phần cung cấp cho quân dân cả nước những thước phim tư liệu quý giá. Đến cuối thập niên 90, Điện ảnh Quân đội đã giành được 3 giải Bồ câu Vàng, 1 giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế ở Lai-xích và 24 giải Bông sen Vàng, 37 giải Bông sen Bạc tại các kì Liên hoan phim Việt Nam, 2 giải thưởng mang tên nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Joris Iven. Nhiều nhà điện ảnh quân đội được phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT, NSND.
Anh em ta tự hào vì có những phụ huynh lính Trỗi là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Xưởng phim Quân đội ngày ấy: Giám đốc Dương Minh Đẩu (bố Dương Minh Đức k3), Phó giám đốc Đoàn Phú Thực (bố Đoàn Phú Hòa k4, Đoàn Phú Hùng k8 nay vẫn theo nghề phụ huynh), nhà quay phim Phan Quang Định (ba Phan Hòai Thuận k4, Phan Hòai Lưu k5).
Bài viết này như nén tâm nhang tưởng nhớ tới cụ Phan Quang Định và cụ Đoàn Phú Thực! Cũng dịp này xin kính chúc NSƯT Dương Minh Đẩu dù đã qua tuổi “bát thập” nhưng sẽ chiến thắng bệnh tật để sống cùng con cháu và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đất nước!

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Nhớ mãi kỷ niệm xưa

Hậu Trường Trỗi, nhiều anh chị em lên Đại học Quân sự rèn luyện. Quãng thời gian 5 năm với bao kỷ niệm. Xin cùng hồi tưởng!

1.“Top ten” của Trường những năm 70 :
Võ Một (K2 – Cơ điện)
Ngô Hai (K3 - Vô tuyến)
Trần Tam (K2 - Khoa phó)
Anh Tứ (Tuyên huấn phụ trách “cờ-đèn-kèn-trống”)
Chị Năm (Nuôi quân)
Em Sáu (K4 – giáo viên Xây dựng)
Cô Bảy (Bệnh xá trưởng)
Ong Bát (Hậu cần)
Bác Chín (Đầu bếp)
Anh Thập (K1 - Điện Kỹ thuật)

2.“Chiefs của Trường “
- Vào những năm 70: Dựa vào “đặc điểm” của thủ trưởng nhà trường (cụ Bảo thì thích phát động phong trào thi đua, cụ Đặng Quang Thịnh thì có “tật” nói thêm vào cuối câu “có phải không cơ?”, cụ Chiểu thì hay nói “này kia kia nọ”, còn cụ Hà Hiệu phó thì không dám quyết gì cả, tòan mang ra bàn tập thể) mà anh em giáo viên (có lẽ là Khoa Cơ bản hay Cơ điện) đã có bài ca dao:
Một ông “đánh trống phất cờ”
Một ông “có phải không cơ” suốt ngày
Một ông “đấy nọ kia này”
Một ông “việc ấy đem đây ta bàn” (!)

- Thế hệ lãnh đạo những năm 80 thì:
Hay điện anh Quỳ
Lì xì anh Cảo
Láo nháo anh Chung
Lung tung anh Vọng
Lóng ngóng anh Thơi
Hay xơi anh Tẩy
Sướng hết sẩy là …
anh Nguyễn Bỉnh Chân
Nghệ sĩ nhân dân là …
anh Duy Bảo

- Có thời gian Ban giám đốc Học viện gồm 3 anh “Quỳ-Chân-Giữa” (“Giữa“ - biệt danh của anh Chung”(!) hay “Quỳ-Bằng-Chân” (“Trung” đồng nghĩa với Bằng!).

3. Kỷ niệm Ngày Phụ nữ quốc tế 8-3:
* Trích bài nói chuyện của Hoà thượng Thích Hoan hô: "Hôm nay là ngày 8-3, ngày Phụ nữ quốc tế (Hoan hô!), tôi xin thay mặt nhà trường chúc mừng chị em ! (Hoan hô!).
Điểm lại năm qua, các đ/c đã tích cực phấn đấu. (Hoan hô!). Về học văn hoá có chị em một năm lên hai lớp (Hoan hô!), nhưng cũng có chị em một năm không lên lớp nào (Hoan hô!).
Phát huy tinh thần con cháu Bà Trưng (Hoan hô!), Bà Triệu (Hoan hô!), các đ/c phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như “con cóc (Hoan hô!) … cõng con nhái (Hoan hô!).”

* Thủ trưởng Trần Đan (K2) - một trong những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa - họp phụ nữ khoa chúc mừng ngày 8-3: “Cách mạng, nếu không có đàn ông... dứt khoát không thành công! Và... nếu không có đàn bà... thì... cũng... (ngập ngừng)... khó khăn (!)”.

4. Một vài nhân vật của K3 – K4:
Mông em Nhã
Má em Đông
Bình tông anh Thuận
Lí luận Chí Hoà
Ba hoa Bá Báu
Láu táu Khánh Lân
Thích phân anh Độ (Trưởng khoa - rất chăm tăng gia)
Hay trộ anh Trì (Chính trị viên, hay nhắc nhở anh em)
Hay đi anh Phụng (Khoa phó - hay “lặn Hà Nội”)
Béo bụng Sơn Tùng (Bộ môn Cơ sở 2)
Nổi khùng anh Quế (Bộ môn Cơ sở 2)
Phóng uế cũng anh
Lành chỏi lành chanh
Là anh Trần Thông Quế ...
(Ở khu vực đóng quân của K3 còn có “Đại lộ Trần Thông Quế” dẫn từ bộ môn Cơ sở 2 tới WC, nơi anh thường “duyệt binh” nhiều lần mỗi ngày vì căn bệnh đường ruột mãn tính của mình).
Nổi khùng anh Quế
Phóng uế cũng anh
Vẽ tranh Kiến Quốc
Hút thuốc Xuân Căn
Hay ăn anh Dũng
Làm nũng em Toàn
Lo toan anh Hợp
Đau khớp anh Cầu
Ấm đầu Bình dị

5. “Ca dao về anh Đỗ Khôi” do tập thể lớp Vô tuyến 153 sáng tác :
Một yêu anh có “Xế-lô” (anh chơi Violoncéllo)
Hai yêu anh có đồng hồ “Líp-man”
Ba yêu anh có 2 bàn (anh thửa riêng 2 bàn để ngồi học bài)
Bốn yêu anh có một đàn “Jit - Con” (cách đọc chữ “J” và “Constant”)
Năm yêu .....
Chín yêu anh thích phân tươi (anh rất chăm tăng gia)
Mười yêu anh có điệu cười nhăn răng(!)

Đề nghị anh em sưu tầm tiếp “bốn yêu” còn thiếu!

6. Một vài nhân vật khó quên :
* Ông Khai (Xưởng in) rất ghét ông Thơm (Tài vụ).
* Ông Trụ (Công nghệ) thì suốt ngày chạy, còn ông Chạy (Cơ khí) thì quanh năm trụ.
* Anh Chu Quang Đào tức Chao Quang Đù, Lưu Văn Bồng tức Lông Văn Biù.
* Đại đội trưởng học viên Đinh Quý Tạo tức Tao Quy định.
* Ba anh em họ “Bùi” (nếu chêm thêm chữ “ô” vào gữa thì nghe có vẻ hay hơn!): Bùi Côn, Bùi Tròn, Bùi Vuông(!)
* Tập thể C123 có các đ/c :”Sửa – Soạn – Bắc – Cầu – Tiêu”.

7. Những cơ sở cách mạng tại thị xã Vĩnh yên :
* Chị Bệt - cụt một chân, suốt ngày ngồi bán hàng nên anh em đã đặt cho chị cái tên thân yêu này. (Có lẽ không ai trong chúng ta biết tên thật của chị). Đây là quán nước nhiều anh em học viên thường ra “ăn chịu“, thậm chí còn “chôm chôm” vì không có tiền thanh toán.
* Bà Mèo - một bà cụ sống độc thân cùng chú mèo đen. Bà sẵn sàng mời các cháu học viên vào “ăn trả chậm”(!). Nay cụ đã mất.
* Chị Thiện - cơ sở cách mạng lâu dài, đặc biệt của đ/c C.V. Sống rất tình cảm, chị đã “nuôi dấu” nhiều cán bộ và vật tư của nhà trường. Đã có thời gian chị phải đi “chăn dê”(!) ở “trại” Thạch Thất cùng một số học viên của Trường. Khi về, chị kể lại: ”Chúng nó làm khổ chị.. phải xa chồng xa con. Nhưng hàng tháng, ở trại chị cũng được phát lạng đường và hai bao thuốc lá như chúng nó“.
* Anh Lữ - mệnh danh “Đại tá Lữ trưởng dù về hưu”. Gia đình anh là nơi qua lại của giáo viên, học viên K2, K3 và Phòng Cán bộ.
Đặc biệt, khi học viên khóa 4 tốt nghiệp, vì “tình quân dân”, Đại tá đã bán chiếc tủ đứng làm bằng gỗ cẩm lai của mình (mode thời đó) để lấy tiền chiêu đãi anh em. Sau đó, khi được nhận tháng lương đầu tiên, anh em góp lại nhưng không mua nổi chiếc tủ như vậy cho Đại tá (!).
Một lần, hai đ/c sĩ quan không quân và viết sử quân đội lên thăm ông. Quen sống ở chiến trường, đêm nghe tiếng thạch sùng kêu, nghĩ rằng có “mật lệnh hành động”, đ/c sĩ quan viết sử đã bật dậy ... và ...
* Quán “Em Ba Loe” ở bến xe Dốc Láp, quán “Chị em Ninh Khang”, quán “Chị em Thuận Hoà” ở cửa ga Vĩnh Yên... là tụ điểm của giáo viên, học viên sau những giờ học tập căng thẳng. Anh em hay ra nhâm nhi dăm chén trà Thaí cùng kẹo lạc và “đin rít” thuốc lào.
* Gia đình chị Mạc Thị Bưởi và anh Thành (Viện Quân y 109) (nhà nằm trên đường từ thị xã Vĩnh yên đi Việt trì) là cơ sở của học viên các khóa 3, 4, 5 và giáo viên K2, K3.

8.Những câu có cánh: Anh em cán bộ, giáo viên sống rât hài hước , luôn tìm ra những câu chữ vui:
* “Chân lý là chân bà Lý, chứ không phải chân ông Hậu” (Lý – Hậu, K3)
* ”Quân với dân như cá vơí nước. Cá không có nước thì cá chết, nước không có cá thì nước càng trong“(!), hay “.. . nước không có cá thì nuớc buồn “.
* “Dưới sức ép của bom = Dưới sức bóp của em “ (!)
* Làm hầm trú ẩn đã có câu: “Nhà che nắng che mưa, hầm che xương che thịt “.
* Quyết tâm phấn đấu để mang trong mình ba kim loại: “Trên đầu có bạc , trong túi có vàng , trong quần có sắt"(!). Hay "Tóc ánh kim , chim ánh thép"(!).
* Nhớ những ngày bao cấp gian khổ, cuộc sống của gia đình cán bộ được ví: "Ăn uống qua loa - Mặc toàn áo da - Đi xe cố vấn”. Còn cuộc sống của lính thì "Ăn như tu - Ở như tù - Nói thì như lãnh tụ”(!).
* “Kiên quyết theo ... đến còng"(!).
* SIDA = “Some interesting days abroad“ (“Dăm ba ngày vui vẻ ỡ nước ngoài”).
* “Tình xưa nghĩa cũ“ tức “Tình cu nghĩa sữa”, hay “Tình thầy trò” tức “Tình thò chầy”.
* Vì thấy quá mệt mỏi trong cuộc sống , nên anh em đã định nghĩa “đời” là “ĐỜY” (Đê .. ơ .. đơ.. y.. cờ rét .. đơi .. huyền .. đờy) (!)
* “Ngoan cố” = “Ngoan ngoãn - cố gắng” (!)
* Lính tráng chúc nhau: "Hạnh phúc đến đầu bạc răng long, hạnh phúc cho đến khi…sáng ra vừa đánh răng vừa thổi sáo”, (già rụng hết răng, sáng ra phải tháo răng giả ra đánh, còn mồm thì chu như thổi sáo, giống như anh Hoàng Phiều – K2).

9. Sắp xếp nhân sự trong nhà trường :
Một hôm, đ/c Trưởng bộ môn Thông tin Trần Bá Hợp nhận được quyết định của thủ trưởng nhà trường: “... điều động về khoa Cơ khí với lý do: khoa Cơ khí còn thiếu đ/c Hợp cho đủ “bộ sậu": “Cường - Dương - Giao - Hợp - Giang - Mai".
(Đ/c Vũ Tự Cường, đ/c Dương - Vũ khí; đ/c ĐMG - Khí tài quang học; đ/c Ngọc Giang (tự Giang mù) - Thủy lực và nữ đ/c Mai kèn - Tuyên huấn).

10. Đ/c Q. có tính hay quên, một lần gặp cán bộ dưới quyền đã hỏi thăm:
- Thế nào ông cụ cậu khỏe chứ ? Tớ là bạn bố cậu mà.
- Dạ , bố em mất cách đây 5 năm rồi.
- Tớ biết, tớ biết ... tớ hỏi bố vợ cậu cơ ?
- Dạ, em chưa xây dựng gia đình .
- !!!

11. Những “Vì sao đất nước ?” (Patchemu Stranư) :
Các chú về tuyển sinh cho năm học mới tại trường đã “ca hát”:
“Các cháu cứ mạnh dạn lên trường học tập, mỗi cháu được phát một màn tuyn, được uống nước đường mỗi ngày, ăn cơm đặc táo, quần áo quanh năm, mười cháu có một phích nước nóng, hai mươi cháu có một TV, hàng tuần có xe ca đưa về Hà nội thăm bố mẹ, sau một năm các cháu sẽ đi du học ... và sau ...
... Năm năm ăn học thành tài
Trở về đất nước cho vài hướng phương

12. Cho bộ đội xem phim :
- Báo cáo, Tuyên huấn đang định chiếu “Alibaba và 40 tên cướp”.
- Chết, sao lại cho bộ đội xem những phim cướp với bóc.
- Vậy, chúng tôi mượn phim khác “Alibaba và 40 chiến sĩ”.
- Tốt !

13. Nói nhịu: Thủ trưởng động viên: "Các đ/c trong năm qua đã... tức kịch.. à... cực tích... à cức tịch ... không... tức kịch ...vâng , tích cực ... phấn đấu rèn luyện để trở thành những sĩ quan, kỹ sư giỏi. Bố các đ/c, mẹ các đ/c... cả lò nhà các đ/c... đều mong các đ/c tiến bộ”.

14. Các gương mặt điển hình của Trường năm nào :
Bi-đông anh Thuận (nhân viên K3 đi đâu cũng mang theo bi-đông nước)
Má phấn chị Vân (công tác ở Thư viện, lúc nào cũng “make up” )
Chân anh Sắc (ở K3, chân vảy nến, có khả năng sờ điện không giật)
Nách chị Sơn (nách “hơi bị thiu”, chị công tác tại Phòng Hậu cần)
Đờn anh Lịch (nhân viên radar, thích măng-đô-lin nhưng chơi rất dở)
Bút tích anh Khoan (Trợ lý khoa, hay cho ra văn bản các loại)
Xe Balan anh Hiếm ... (Người duy nhất đi xe ngoại ngày đó)

15. Điểm qua Khoa công trình quân sự :
Đùi ông Chân
Quần ông Hợi
Lợi cô Cúc
Húc ông Thuận

16. “Mô hình phát triển khoa học của trường là mô hình quả mít” (!)
Đầu những năm 70, “hạt bí” về phương huớng phát triển mũi nhọn trong nghiên cứu khoa học, vì tự thấy ngành nào cũng cần, ngành nào cũng phải đi đầu, cũng phải tiên phong … Thôi thì, cứ “mô hình hoá” sự phát triển của các ngành khoa học trong trường ta theo mô hình quả mít cho dễ hiểu – (Trích lời một thủ trưởng ngày ấy).

17. Mẫu báo cáo tốt nghiệp của học viên khoa Cơ khí :
Kính thưa anh Hoàng, anh Bảo
Kính thưa anh Cảo, anh Đan
Kính thưa anh San, anh Tạo
Kính thưa Ban giám khảo
Kính thưa các thầy ...

Mời các bạn cùng đóng góp thêm những kỷ niệm ngày ấy!

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Chuyện bây giờ mới kể: May mà có võ!

(Viết nhân ngày 30/4) - Xuân Lăng k3


Một ngày cuối tháng 5/1975. Sáng hôm đó, đồng chí chỉ huy đoàn tiếp quản của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, bỗng nhiên gọi tôi lên. Vừa trông thấy tôi ngay cửa ra vào, ông đã nói to, giọng có vẻ vội vàng:
- Này! Cậu xuống ngay Đài viễn thông Phú Lâm đi. Ở đó máy móc, thiết bị thông tin còn nguyên vẹn cả. Duy chỉ có cái máy phát điện cung cấp nguồn cho đài là chưa ai kiểm tra cụ thể. Đây là 1 đài thông tin còn nguyên vẹn 100%, nên nó được chọn làm đài mẫu giúp chúng ta khôi phục lại các đài viễn thông khác. Có thể chúng ta sẽ vận hành nó đầu tiên trong hệ thống viễn thông đấy.
Tôi khựng người đang định hỏi thêm thủ trưởng vài câu thì ông xua tay tới tấp:
- Đi đi! Thời gian gấp lắm rồi! Tướng ngoài biên ải khỏi phải hỏi nhiều.
Tôi vội vàng quay ra vì biết rằng: Có hỏi cũng vô ích, tính ổng là thế chỉ giao 1 mệnh lệnh còn lại là độc lập - tự lo - tự túc.
Khoảng 9h sáng hôm đó, tôi xuống đến đài và bắt tay ngay vào việc. Sau khi xem xét và kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống nguồn điện của đài thấy cái máy phát điện WHITE SUPERIO – 300KW còn tốt nguyên, có thể chạy thử để cung cấp nguồn địên cho các phòng máy. Tôi đi tìm đài trưởng để thống nhất công việc tiếp theo.
- Này cậu! Đài trưởng của cậu đâu? - Tôi hỏi một chiến sĩ đang xách lủng lẳng trên tay xâu cá mà tôi bắt gặp phía ngoài đài. Anh chàng này có vẻ hí hửng trước kết quả thu hoạch đạt được bất ngờ sau cơn mưa đêm hồi hôm, nghe tôi hỏi bổng đứng chựng lại:
- Báo cáo….Anh ấy ở ngoài kia ạ!
Theo hướng chỉ của anh lính, tôi ngó thấy ngoài khu vực ao đìa của căn cứ có một gã quần xắn "móng trâu" đang cắm cây sào chích điện, mải mê nhìn chăm chăm xuống mặt nước. Cậu chiến sĩ định gọi thủ trưởng của mình thì tôi ngăn lại vì trông thấy dáng người này quen lắm? Phải rồi! Không thể nhầm được, đích thị là Phi Hùng. Với cái tướng cao cao khòm khòm này cả khoá 3 chỉ có hắn là một. Tôi vội đi về phía hắn.
- E hèm! Ai bỏ việc đi xin cá đây? - Tôi gằn giọng nói to.
Đang cúi lom khom xuống mặt nước gã giật mình ngó lên:
- A Xuân Lăng! Lăng hả? Mày chui ở đâu ra thế? Chờ tao một tí!
Gã vứt mạnh cây sào, nhìn về phía sau tôi, vẫy tay một cái. Một chú lính đứng trong ngôi nhà cạnh đó thấy ám hiệu vội vàng làm động tác thu dây điện nguồn. Vừa vuốt lại ống quần vừa đi về phía tôi, Phi Hùng nói to:
- Lên nhà đi! Tao có trà "bố láo" (Blao). À, mà sao biết tao ở đây?
Đang định trả lời hắn thì phía sau lưng có tiếng nổ lốp bốp như pháo tết. Rồi tiếng Phi Hùng la to:
- Bỏ mẹ rồi! Tụi nó đốt, lửa cháy lan cả đến hàng rào bảo vệ đài rồi.
Tôi quay người lại nhìn thì đã thấy một đám khói to bốc lên từ phía khu vực đặt dàn ăng-ten cánh buồm. Phi Hùng phóng người lao về phía đám cháy. Gã cao giò nên chạy nhanh như gió. Vừa lúc đó tiếng kẻng báo cháy cũng vang lên. Tôi vội vàng co giò phóng theo. Lúc này anh em trong đài cũng chạy đến, nhanh chóng múc nước dập đám cháy. Thấy một chiến sĩ đang lóng ngóng với cái chậu đựng cơm, tôi vội vàng giật lấy và múc ngay một chậu nước phóng về phía đám cháy đang có chiều hướng lan rộng.
Một ánh chớp bỗng loé lên và như có ai xô tôi ngã dúi xuống đất. Theo quán tính và bản năng của người lính, tôi quay người lăn mấy vòng. Chậu nước văng ra xa. Chưa kịp định thần thì nghe có tiếng sắt thép va chạm mạnh vào nhau ngay trên đầu. Một mảng kim loại rơi xuống đất, xoay xoay trước mặt. Nhìn kĩ mới thấy một mảnh đạn cối to cỡ 3 ngón tay, có mấy rãnh nhỏ phía trên sắc lạnh. Sém toi!
Có ai đó đá vào chân, tôi vội vàng ngó lại thì thấy lấp ló phía sau hàng rào bằng ri sắt Mỹ là khuôn mặt đen nhẻm với mái tóc bị xoắn lại do lửa táp của thằng Phi Hùng và nụ cười nham nhở của hắn sau khi buông ra một câu xanh rờn:
- May mà tụi mình có võ?

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2008

Bài 4: Một cách hiểu theo thời kì “Đổi mới”

Trước những năm 70, hành vi mua bán trao đổi những tài sản cá nhân trong tập thể bị coi là hành vi tư bản, gian thương. Năm 1969, một học viên đã bị buộc thôi học vì đã mang ra gửi quán nước bán ba bao thuốc lá Tam Đảo (loại được phân phối với giá 3 hào) để lấy một đồng.
Sau 1975, tình hình có thoáng hơn, tuy vậy vẫn còn nhiều e ngại. Trung uý Trần Đình có chiếc xe Honda, vì cần tiền để mua lại gian nhà lá cho vợ sắp đẻ, anh đã tính đến chuyện bán xe. Thấp thỏm, lo những dị nghị đánh giá bên ngoài, anh thập thò ở cửa phòng làm việc của trung tá Trưởng phòng Kỹ thuật xin giấy phép bán xe. Sau khi nghe qua trình bày, Trưởng phòng bảo: ” Được bán. Đưa giấy đây!”. Vậy là bằng tay trái, với những nét ký loằng ngoằng, trung tá vừa ký vừa lẩm bẩm: “Anh em chỉ được cái hiểu máy móc, rồi dị nghị trù úm nhau lúc bình bầu, họp hành”. Ông quay sang hỏi Trần Đình: “Đang mong con trai hả? Đúng là hy sinh đời bố củng cố đời con!”, rồi quả quyết giải thích từng câu chữ:
- Bán xe, mua nhà cho vợ con ở – Chính đáng! Duyệt!
- Mua rẻ, bán đắt; lại mua rẻ, lại bán đắt kiếm lời. Vậy là vừa bóc vừa lột lẫn nhau. Chống!
- Có dăm cái bày ra bán, mặc cả, cò kè, lậu thuế. Vậy là gian thương bất chính! Cấm!
Nói xong, ông đẩy cái giấy đã ký duyệt về phiá Trần Đình (đang đứng như trời trồng): “ Mang lên bảo mật, bảo nó đóng dấu "Trung tá Trần Đan" vào!”

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008

Bài 3: Cứ nôm na hiểu như thế này...

Những năm 69-70, chương trình thử nghiệm của đài Truyền hình Việt Nam thực sự là món ăn tinh thần lớn của cán bộ, giáo viên, học viên khoa Cơ điện. Trong Ban chỉ huy khoa có chủ trương, phá bỏ bức tường ngăn giữa hai phòng để tôn tạo “Hội trường Ti-vi”. Một tiểu đội học viên được điều đến “lao động chủ nhật”. Trong giờ giải lao, học viên M đang cắm cúi thu dọn nốt phần gạch vữa vương vãi, thì mảng tường phiá trên sập xuống đè vào người. M chết!
Sự cố gây chết người bị truy tố tại Toà án Binh. Một số cán bộ phụ trách có liên quan đã chịu kỷ luật. Nhưng vấn đề học viên M có “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ” hay không, có được truy tặng danh hiệu liệt sĩ hay không, đã được dư luận cán bộ, giáo viên xôn xao bàn tán. Để dẹp yên dư luận, trong buổi họp toàn thể cán bộ, giáo viên khoa, chính trị viên Trần Đan sau một hồi đả thông đã dõng dạc :
- Giải thích chính sách của Nhà nưóc thì dài dòng, rắm rối lắm! Cứ nôm na hiểu như thế này: Một lớp học trong giờ thể thao được giáo viên hướng dẫn tập bơi ngoài Đầm Vạc. Thằng học viên lớ ngớ không khởi động, bị chuột rút, chết đuối – Thiệt thân! Thằng bạn tận tình nhảy xuống cứu, cứu không được, chết theo – Liệt sĩ! Giáo viên hưóng dẫn vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng – Vào tù!
Ông đột ngột kết thúc ví dụ hùng hồn của mình. Toàn thể cán bộ, giáo viên lặng im, ngơ ngác. Sau buổi họp, những xôn sao về M "liệt hay tử sĩ" tự nhiên lắng hẳn.

Bài 2: Tài chính công khai thời chiến

Cuối 1968, Khoa Cơ điện (Đại học quân sự) sơ tán tại Nhân Mục (Hàm Yên, Tuyên Quang). Tối thứ 4, có lệnh họp toàn thể khối cơ quan (gồm Ban chỉ huy khoa, phân đội giaó viên, tổ Chính tri – Hậu cần khoa) tại sân trước nhà Ban chỉ huy, nấp dưới một rừng vầu. Sau thủ tục điểm danh và một vài thông báo nhỏ của giáo vụ, thượng uý Dương Ai Hiểu – chính trị viên – tiếp tục chủ trì cuộc họp. Cầm chiếc đèn dầu làm bằng chai đã vặn ngọn rất nhỏ theo lệnh phòng không, soi sát vào quyển vở học trò viết nguệch ngoạc (mà thường ngày, quyển vở này được cuộn tròn, đút ở túi quần sau), ông tuyên bố:
- Bây giờ đến phần tài chính công khai và xét kỷ luật tổ nuôi quân!
Phiá cán bộ khối cơ quan và hậu cần khoa thì yên lặng(!), còn phiá các giáo viên thì xôn xao chưa rõ chuyện gì(?). Riêng nhóm nữ hậu cần thì co rúm lại sụt sịt. Chính trị viên noí: “Mới hai tháng mà tịnh kho thấy thiếu 12 kí gạo, bột mì thì dôi ra 2 kí, chum ca-la-thầu thì chỉ còn mấy miếng. Theo sổ thu chi tiền ăn thì hụt 11 đồng, 5 hào, 7 xu. Người có trách nhiệm là cô Nhung phải nghiêm khắc kiểm điểm cho ra tội tham ô, làm thâm hụt tài sản XHCN; đặc biệt phải báo cáo cho các anh cán bộ, giáo viên xem có vấn đề tư tưởng lệch lạc gì không?”.
Binh nhất Nguyễn Thị Nhung – cô gái xuất thân từ nông thôn, có tiếng là tháo vát, ngoan và chịu khó, đang được phân công là thủ kho của bếp – ngay từ đầu buổi họp đã mếu máo, nghe đến đây tự nhiên oà khóc rất to. Cô nức nở: “Các anh ơi, xin thề với các anh là em không ăn cắp, ca-la-thầu thì không biết ăn. Các thủ trưởng bảo rằng, kho mà còn thiếu thì không được xét cho đi học đợt này. Mà em thì muốn đuợc đi học lắm! Em thề với các anh là em nói thật, các anh cứu em với!”.
Không khí cuộc họp nặng nề. Trong sự yên lặng, thiếu uý giáo viên Đặng Văn Hoà giơ tay phát biểu. Với giọng Nam Bộ trầm trầm, anh nói:
- Cô Nhung chẳng có chuyện gì đâu, nó tốt với anh em giáo viên lắm. Anh em đi công tác 2-3 ngày đường đạp xe mới về đến Hà Nội, khi thanh toán thực phẩm mang theo, sợ anh em đói, cô cân tươi; sợ không biết nấu cơm độn mì bột thì cho nhiều gạo ít bột; lại còn xúc cho muôi ca-la-thầu ngoài tiêu chuẩn…
Hoà chưa dứt lời thì Ngô Quyết đủng đỉnh nói theo: “Vậy là của tập thể thì tập thể ăn, chả đi đâu mà mất”. Một cán bộ hậu cần vặn lại: ”Vậy là vô nguyên tắc. Thủ kho để thiếu hụt thì lấy đâu mà bù vào tiêu chuẩn cho bếp ăn tháng này?”.
Thiếu uý Nguyễn Trần Hảo, bộ môn Vũ khí, đề nghị: ”Gạo thiếu thì bộ phận giáo viên đồng ý mỗi ngày giảm đi một ít. Từ sáng mai, các bộ môn giáo viên sẽ tranh thủ giờ thể dục sáng và thể thao chiều vào rừng lấy củi bù tiền than, lấy măng bù tiền rau. Như vậy chì nửa tháng là đủ !”.
… Cuộc họp giải tán, từng bóng người dò dẫm theo ánh đèn chai tản về các lán ven đồi.
Tháng sau, binh nhất Nguyễn Thị Nhung có lệnh cử đi học Trung cấp Thông tin. Khoác ba-lô lên vai, cô đi chào hết lượt các bộ môn giáo viên. Giữa sân khoa, cô bô bô hể hả: “Các anh ơi, em chào các anh. Các anh giáo viên là tốt nhất trên đời! Em sướng các anh lắm!”.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Vết xăm - kỷ niệm của Y Hoà

Y Hòa xa chúng ta đã 36 năm. Đợt vừa rồi các bạn Đạt “bột”, Vũ Anh, Thái, Vũ Trung và đồng đội F312 của Y Hòa đã tới đồi Cháy, Quảng Trị tìm bạn. Nhưng công việc mới chỉ là bắt đầu… Riêng tôi suốt bốn chục năm qua vẫn mang trên người một kỷ niệm của Y Hòa. Đó là vết xăm do chính tay Y Hòa thực hiện.

… Hơn bốn chục năm trước, chúng ta mới chỉ là những chú nhóc 12-13 tuổi, từ gia đình về sống dưới mái trường quân đội. Ngày đó chiến tranh, phải sống xa Hà Nội đến gần trăm cây số, núi rừng chỉ cách lớp học có “mấy lần quăng dao”. Ngày lên lớp nhưng đêm đến là nhớ mẹ, lắm đứa không kìm được đã trùm chăn khóc rưng rức, chỉ mong chủ nhật mẹ lên thăm.

Trên lớp chúng ta có những đàn anh lớn, nhất là cánh từ các trường học sinh Miền Nam về, họ là những “người dẫn lối”. Các anh Mai Sinh, Mai Tự, anh Quyết Thắng, Ngô Ngời… dạy cho các trò nghịch ngợm của cánh học sinh miền Nam. Bọn trẻ chúng ta từ Hà Nội lên thực sự lớ ngớ nhưng khi gặp những trò “hay như thế” thì lao vào học như những con thiêu thân. Học thày không tày học bạn! Chỉ sợ thày biết(!) nhưng anh em vẫn kéo nhau ra sau nhà, hay vào rừng thì thụp thụ giáo.

Nào là trò “muỗi Sài Gòn”: Con muỗi được “chế” bằng que diêm Cầu Đuống (ra Cung tiêu ở Gốc đa mua) đã cháy thành than, một đầu dính bằng kem đánh răng (thậm chí bằng “bựa” răng!) vào bất cứ chỗ nào trên thân thể nạn nhân (đau nhất là vùng da non trên đùi) rồi khẽ chấm mồi lửa vào đầu còn lại. Veo một cái, mồi lửa theo thân diêm nghiến vào da thịt. Kẻ chịu nạn chỉ kịp xoa tay vào “vết đốt”. Tức đến trào nước mắt. (Chuyện này các bạn gái không hề biết. Nay biết thì cũng đừng cười bọn con trai chúng tớ!).

Trò cao cấp hơn là xăm lên mình các hình mỏ neo, hình ngôi sao, đầu con hổ hay mũi tên xuyên qua trái tim(!), v.v… Thú xăm lên ngực, lên cánh tay chỉ dành cho những ai không sợ đau. (Chính xác hơn là không biết đau là gì!). Thật khó tưởng tượng điều này lại xảy ra với những lũ trẻ ranh ở lứa tuổi chúng ta. Một cái kim khâu làm bút xăm cùng mực tàu được mài sẵn cất lọ. Ông họa sĩ “bất đắc dĩ” dùng bút vẽ phác lên hình đã chọn, tại vị trí đã thỏa thuận. Rồi từng mũi kim tẩm mực tàu, đâm ngập từng mũi vào da thịt, theo hình đã phác. Anh em dạy nhau: Các mũi xăm càng mau thì sau này hình càng đẹp. Và “tác phẩm” dần hình thành dưới đôi tay “họa sĩ”. Còn “kẻ chịu nạn” thì hai bàn tay nắm chặt, cắn răng chịu đựng, nước mắt chảy ròng ròng nhưng miệng không bật ra tiếng. Chỉ thỉnh thỏang hỏi bạn: “Sao lâu thế? Sắp xong chưa?”. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua… Gần như đứa nào đã “chịu” thì theo đến cùng. Xong xuôi phải khóac ngay áo che khu vực đã xăm. Chỉ cần một lần thày giáo biết được là… kỷ luật!

Đêm đầu tiên mới kinh khủng làm sao! Các vết xăm bị nhiễm trùng, gây nhức nhối. Trằn trọc không ngủ được. Có đứa bị sốt cao, phản ứng, phải đi bệnh xá. (Vì thế mà trò này bị lộ). Còn kẻ qua được thì sớm hôm sau phờ phạc nhưng vẫn phải cố “ra vẻ ta đây”(!). Cứ như vậy, vết thương lành dần và trên ngực, trên tay có những hình xăm tuyệt đẹp. Rồi thằng này khoe thằng kia. Rồi… rồi… không ít thằng trong chúng ta đã được xăm.

Tôi và Y Hòa thân nhau, cùng trong nhóm nghịch của lớp. Một lần hắn rủ rê: "Mày thích xăm không?". "Xăm gì?". "Hình mỏ neo". "Đau lắm?". "Không sao!". "Ai xăm?". "Tao". "Mày?". "Yên tâm đi! Anh Y Nguyên của tao học được trò này của các anh ở Trường Dân tộc. Tao từng xem ông anh xăm cho bạn rồi bày cho tao cẩn thận".

Rồi chẳng hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà tôi “hiến thân” cho nó. Mùa đông đầu tiên khi vừa sang Quế Lâm thật lạnh giá. Nước đóng băng. Đứa nào cũng áo bông dày cộp che kín người. Chủ nhật nghỉ học, hắn rủ tôi lên lớp ngồi xăm. (Để thầy không biết). Y Hòa đã chọn vai phải và xăm lên hình cái mỏ neo. Cố chịu lạnh để trần nửa người, lộ ra phần vai cho nó xăm. Mất cả buổi sáng… Và sự việc đãy xảy ra như với các bạn từng “chịu nạn”.

Bốn chục năm trôi qua, cái hình mỏ neo không bị mờ đi. Năm 1972, Y Hòa hy sinh, nhưng vết xăm ấy vẫn sống trên thân thể tôi như một phần máu thịt của Y Hòa còn tồn tại trên đời!

Những ngày tháng 3/2008, anh em đi tìm bạn…

Hồi ức của Văn Hùng k7

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2008

Loạt bài từ CHLB Đức gửi về

Đại tá Trần Đình Ngân - dân Guilin gốc (1953-57), từng là "giáo viên dạy khỏe" của Đại học Quân sự. Nay định cư ở Đức. Năm 2000 có lọat bài gửi về cho BBT. Nay xin giới thiệu cùng bạn đọc!


1. “Tổ chức chỉ xét cái nổi bật, cái tích cực cuả mày !”

Khoa Cơ điện có sân bóng rổ láng cement thuộc loại xịn thời những năm 70 (đó là thành quả do công sức lao động của giáo viên, học viên những ngày chủ nhật ). Và sân bóng rổ này cũng là nơi tổ chức các buổi chiếu phim ngoài trời cho khoa.

Cứ mỗi buổi chiếu phim, người đến trưóc xếp ghế con ngồi trước máy; người đến sau đứng chen chúc, túm tụm sau máy chiếu. Đang chiếu mà máy đứt phim thì người ngồi trước ngoái hết cả cổ nhìn lại, í ới gọi người đứng sau, hoặc sốt ruột đợi tổ quay phim cuống quít ráp lại đoạn đứt để chiếu tiếp.

Lần đó, tổ truởng nuôi quân bếp C113 - Hoàng Thị Tỵ – đứng ở hàng đầu. Vốn là cô gái có vóc dáng chắc khỏe, lại sôi nổi vui tính, nên Tỵ được một nhóm học viên xúm xít vây quanh.

Phim đang hay, chợt đứt… ngọn đèn duy nhất ở tổ chiếu bật sáng… hàng trăm cái đầu phía truớc ngoái lại… bàng hoàng… rồi ồ cả lên… Nữ chiến sĩ Tỵ, aó ngoài bị bật hết cả cúc để hở lần áo lót trắng và một khoảng ngực trần… Mấy chàng học viên xúm quanh cô vội giạt cả ra… Cô bé trơ lại một mình, lúng túng, mếu máo rồi ù té chạy, làm tiếng cười của đám đông càng rộ lên.

… Chính trị viên khoa không mấy khi có mặt tại các buổi chiếu phim, ông đang hí huí với chiếc rũa trong tay trái, còn khối kim loại nhỏ thì kẹp ở một đầu gối. Tuy chỉ còn lại tay trái (tay phải ông đã mất khi tham gia trung đoàn bảo vệ Thủ đô, chiếm giữ chợ Đồng Xuân tháng 12-1946), nhưng có tiếng là người cần mẫn và giỏi tay nghề thợ nguội. Đồn rằng, chỉ với tay trái còn lại, ông đã giuã thành công cả líp xe đạp(?!). Thấy có bóng thập thò ở ngoài cửa, chính trị viên khó chịu hỏi :
- Đứa nào thập thò ở cửa thế ?
- Dạ, thưa thủ trưởng, em…
- Em với anh cái gì? Đứa nào? Việc gì?
Cô gái nổi tiếng là “chị nuôi giỏi”, nhưng bây giờ thì run như cầy sấy, mặt đẫm nước mắt, ấp úng trình bày việc mình vừa bị “mấy anh học viên làm cười” ở bãi chiếu bóng. Chính trị viên chẳng mấy lắng nghe, ông đang chăm chú vào thỏi sắt làm dở đang kẹp trên hai đầu gối. Nhưng đến đoạn cô gái nức nở: “…Thưa thủ trưởng, em có khuyết điểm lớn quá... không xứng đáng với tư cách... đạo đức của người chiến sĩ cách mạng... Em vừa được tổ... chức cho làm đơn xin gia nhập Đảng, vậy mà em làm phụ... phụ lòng tổ chức quá“, thì ông sẵng giọng :
- Thôi, im đi! Khuyết điểm gì mày? Chúng nó nghịch như vậy là láo! Còn mày chắc cũng thích nên mới im cho chúng nó nghịch? Chỉ được cái già mồm! Chẳng khuyết với ưu cái gì cả, tổ chức người ta xét là xét cái nổi bật của mày, chứ ai tính đến cái chuyện cái cúc cái áo của mày mà nức nở! Chỉ được cái sớm bi quan, dao động! Thôi, xéo về mà làm việc!
…Ba tháng sau, Tỵ đã là trung sĩ và có tên trong danh sách duyệt kết nạp. Năm tháng trôi qua, không hiểu giờ này chị có còn nhớ những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi nổi trong quân ngũ , với chức trách là chiến sĩ hậu cần của khoa Cơ điện – Học viện KTQS hay không ???

(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2008

KỶ NIỆM CUỐI CÙNG VỚI ANH TÂN

(Lê Gia Linh, em trai LS Lê Minh Tân).

35 năm trước…
Em là em trai út của anh Tân. Ngày anh Tân đi bộ đội em mới 10 tuổi. Nghe má kể lại: Hôm sắp lên đường nhập ngũ, bác Hiệu trưởng Đại học Bách khoa có đến gặp ba em, nói: “Theo tiêu chuẩn thì Tân không phải đi đợt này vì anh đang tại ngũ. Nhưng đây là đơn tình nguyện nhập ngũ của cháu. Anh cho biết ý kiến vì tôi có thể dừng trường hợp này?”. Và ba em đã trả lời: “Đất nước có chiến tranh thì trai tráng phải lên đường cứu nước. Anh cứ để cháu thực hiện nghĩa vụ của mình”.
Khoảng đầu năm 1972, anh Tân được về phép 4 ngày nhưng không hiểu sao mới nghỉ được 2 ngày đã có lệnh trở về đơn vị. Biết anh ở binh chủng Xe tăng, em nằng nặc đòi theo: “Anh cho em lên đơn vị chơi và cho em chui vào xe tăng! Bọn bạn phải thua em vì chúng nó không biết xe tăng là gì, chỉ được xem qua ảnh”. Ngày đó trẻ con bọn em rất khâm phục hình ảnh những chiến sĩ xe tăng đội mũ chỉ huy (như mũ phi công) ló đầu trên tháp pháo. Có lẽ vì thương và chiều thằng em mà anh Tân rủ thêm anh Thuấn, bạn thân, đi cùng. Ngay chiều hôm đó, 3 anh em đạp 2 xe lên Xuân Mai, Hoà Bình. (Cũng lạ, chẳng hiểu vì sao má lại cho em đi?).
Được đi xa Hà Nội, em thấy bao nhiêu điều mới lạ. Ba anh em đạp xe qua thị xã Hà Đông, Ba La - Bông Đỏ lên Xuân Mai. Em ngồi sau xe anh Tân, vừa đi vừa nghe 2 ông anh tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất làm con đường dài ngót 60km trở nên ngắn lại. Lên đến nơi thì thấy không khí đơn vị khác thường, bộ đội tấp nập dọn dẹp, đóng gói, ngụy trang xe pháo... Chả là chiều nay, máy bay Mỹ đã đánh vào đội hình và phóng 2 quả rốc-két trúng 2 chiếc tăng K63 của ta. Khói vẫn còn khét lẹt, may không có thương vong. Anh em được lệnh hành quân ngay trong đêm.
Anh Tân dẫn ra giếng, múc nước lau mặt và mình mẩy cho em. (Nước giếng mát lạnh!). Anh nghiêng bi-đông rót nước ra cho em uống. Chưa bao giờ em thấy chiếc bi-đông to đến như thế! (Có lẽ đó là bi-đông dự trữ nước khi xe tăng hành tiến). Nghỉ ngơi một lát, anh Tân nói với anh Thuấn: “Thôi, mày phải đưa Linh đi xa khỏi vùng này ngay. Đề phòng máy bay Mỹ quay lại trong đêm. Sau đó tìm nhà dân cho nó ngủ qua đêm. Mai đạp về. Tao phải hành quân gấp đêm nay”. Nói rồi anh Tân ôm em vào lòng, xoa đầu, dặn: “Linh cố gắng học cho giỏi và đừng làm má buồn! Hết chiến tranh anh về cho em chơi thoải mái trong xe tăng…”. Vì tuổi còn bé và cũng không thể nghĩ rằng lần này xa anh mãi mãi, em chỉ ôm chặt lấy anh. Thế là anh em chia tay.
Em và anh Thuấn lên đường. Em nhớ mãi nét mặt lo âu của anh Tân nhìn theo thằng nhóc đạp xe mà bàn chân chưa chạm tới pê-đan. Nhưng em đã cố tỏ ra với anh rằng, em đã lớn! Không hiểu có phải do anh Tân truyền thêm sức mạnh hay không mà em và anh Thuấn đã đạp thẳng từ Xuân Mai về Hà Nội ngay trong đêm. Em nhớ đêm ấy trăng sáng vằng vặc. Mệt đâu nghỉ đó, khát đâu thì tạt vào quán uống nước. Đến sáng hôm sau thì về đến nhà ở cạnh chùa Vạn Phúc, gần Núi Bò. Em nằm lăn ra ngủ suốt cả một ngày không ăn không uống làm ai cũng lo...



... Và hôm nay
Đúng 13g30 trưa chủ nhật 13/5/2007, em và Tuấn Anh đưa anh Tân về đến nhà ta ở 69/24 Nơ Trang Long, Bình Thạnh. Vào đến nhà, chả hiểu sao em không giữ được mình, cứ thế nước mắt tuôn trào. Lên thắp hương cho anh, em thầm khấn: “Vậy là anh xa nhà đã gần 40 năm, hôm nay mới trở về. Vợ chồng em ở với ba má, nhà cửa đàng hoàng không chật chội như hồi ở Núi Bò, Hà Nội. Vậy mà anh không được hưởng… 35 năm trước em tiễn anh từ Xuân Mai hành quân vào Nghệ An rồi ra chiến trường. Hôm nay, em lại đón anh từ chiến trường xưa về nhà. Lần này anh về để biết nhà, lát nữa anh lại đi… Anh có còn nhớ hay không chứ em thì mãi không quên lần tiễn anh lên đơn vị và cũng là lần cuối được chui vào bên trong xe tăng, lần cuối cùng được bên anh?...”.

Gửi bởi TranKienQuoc lúc 4:44 CH

4 lời góp:

Nặc danh nói...
Bài đăng này đã bị xóa bởi một quản trị viên blog.
22:12:00 ICT Thứ hai, ngày 21 tháng năm năm 2007
Nặc danh nói...
Bài đăng này đã bị xóa bởi một quản trị viên blog.
08:42:00 ICT Thứ ba, ngày 22 tháng năm năm 2007
Nặc danh nói...
Bài đăng này đã bị xóa bởi một quản trị viên blog.
12:03:00 ICT Thứ ba, ngày 22 tháng năm năm 2007
Nặc danh nói...

Khi đón được LS Lê Minh Tân về, tôi từng đặt câu hỏi: Giờ này Tư Chính - bạn thân anh Tân, người đã viết thư báo tin cho cô chú Lê Bưởi rằng Tân đã hy sinh - đang ở đâu? (Thư này được lưu trong Tập 2, trang 110). Và câu hỏi này đã được giải đáp:
Anh Đoàn Sinh Hưởng, C trưởng C23 tăng của Lê Minh Tân kể lại: Đúng ngày 1/4/1975, tròn 1 năm sau ngày Tân hy sinh, xe tăng của Tư Chính trong đội hình hành tiến của đại đội đã chọc một mũi vào thị xã Tuy Hòa, quê hương anh. Tư Chính quá vui mừng mở nắp tháp pháo, ló đầu lên ngắm nhìn quê hương. Ai cũng có thể hiểu niềm hạnh phúc của Chính khi được mở mắt ngắm nhìn quê hương bằng cái nhìn đầu tiên sau 21 năm xa cách! Nhưng cũng đúng khoảnh khắc ấy, 1 viên đạn lạc vô tình bắn trúng trán anh. Và, anh đã hy sinh đúng 1 năm sau ngày Lê Minh Tân hy sinh!
Tại sao lại có những điều trùng hợp kì diệu, khó lí giải đến như thế?
Kiến Quốc