Là nơi mở rộng phục vụ việc sáng tác, phóng tác và lưu trữ các bài có tính chất văn hóa, văn nghệ của các tác giả nguyên là học sinh trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi. Lưu ý: Bài đăng và nhận xét không được vi phạm về Pháp luật và Văn hoá Việt Nam.
Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008
Vệ sinh... đúng chỗ
Vì các sinh viên hay đi vệ sinh bừa bãi chính vì thế bác lao công viết lên tường mấy câu thơ để nhắc nhở như sau:
Giải quyết đúng chỗ
Thả giấy vào bồ
Giật hát hai ô
Nhưng vẫn không được nên bác viết thêm hai câu nữa:
Thả cho đúng lỗ mới tài
Thả chưa đúng lỗ ấy tài còn non
Hôm sau thấy trên tường xuất hiện hai câu:
Còn non thì mặc còn non!
Ném trật vài hòn thì đã làm sao.
Bác lao công lại tiếp:
Làm sao là nghĩa thế nào!
Ném trật không vào là mất vệ sinh.
Rồi lại hai câu nữa:
Vệ sinh thì mặc vệ sinh!
Kĩ thuật trung bình chỉ có thế thôi.
Tức giận bác lao công viết:
Thế thôi thì hãy lên đồi
Giải quyết xong rồi thì hãy xuống đây.
Từ đó bác lao công không còn phải dọn dẹp khổ sở nữa:
Lên đồi nhớ tìm chỗ ngồi
Ngồi không đúng chỗ nó chồi vào mông.
(Duy Đông - cựu học viên k10 Học viện KTQS)
Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008
KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI CA
Nằm trằn trọc trên giường, bài hát “Những ánh sao đêm” của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong chương trình ca nhạc tối trên Tivi cứ mãi ám ảnh tôi.
Lời bài hát đụng chạm tới một kỷ niệm của tôi hơn bốn mươi năm về trước.
Năm 1962 lúc đó tôi học lớp hai. Lũ trẻ chúng tôi khi ấy mỗi một mùa trong năm chúng tôi đều có những trò chơi riêng, toàn những trò chơi dân dã mà giờ đây không còn, đã “tuyệt chủng” có chăng chỉ còn tra trong “sách đỏ” mới thấy.
Mùa đông, mùa của trò súng diêm, súng diêm là trò chơi có tính “công nghệ” hớp hồn tất cả lũ trẻ trong xóm chúng tôi.
Sau khi thập thò ở trại mộc cuối phố kiếm được tấm “phôi” gỗ 3x15x20 là tuyệt vời. Về nhà tìm một chiếc đinh to, đập bẹt một đầu để làm đục. Sau hai ba ngày kỳ cạch cuối cùng khẩu súng gỗ cũng được hình thành.
Chúng tôi mặc sức sáng tạo. Khẩu súng thằng bạn tôi làm giống y khẩu “Pạckhọoc” trong phim tàu. Nhưng chỉ những tay nào hào hoa, giàu trí tưởng tượng thì mới sáng tạo ra. Còn tôi, tôi cứ làm theo mẫu mã cổ điển đơn giản có đủ báng, nòng và một cái lỗ để cho “đầu van” vào sau khi ho sặc sụa và mắt cay xè vì lúi húi ở cái lò than dùi cho xong cái lỗ trong nòng súng.
Khâu quan trọng nhất của khẩu súng là cái “đầu van”. Về cái “đầu van” này mà có lần tôi xuýt bị một trận đòn tuốt xác nếu sự việc vỡ lở ra.
Hồi đó nhà tôi ở là một ngôi biệt thự được xây từ thời Pháp. Bộ tư lệnh quân khu phân cho bốn gia đình. Tầng trên có gia đình tôi và gia đình bác Tường ( Bác nguyên là đại tá chính ủy sư 320, 308 khi đánh Quảng trị năm 1972 sau đó bác được điều về làm phó tổng thanh tra quân đội. Bác mất 19/8/1981 )
Bác Tường ở một mình. Gia đình bác ở xa nên bác chỉ nhận một phòng lớn đủ ở khi có bác gái và con cháu thỉnh thoảng lên thăm. Còn lại gia đình tôi “chiếm hết”.
Tầng dưới là gia đình bác chính ủy và gia đình bác tư lệnh phó hậu cần quân khu.
Bác Tường coi tôi như con vì tôi cùng tuổi lít nhít như lũ con của bác. Có kẹo bánh ngon hay thứ gì lạ khi bác đi dự tiệc hay đi công tác về bác đều dành cho tôi nên tôi với bác “thân nhau” như hai người bạn vậy.
Một lần sang phòng bác chơi tôi thấy trên bàn của bác có một chiếc xăm sao vàng còn mới, có lẽ bác đem ra chuẩn bị thay vào chiếc xe đạp thống nhất của mình. Mắt tôi sáng rực lên khi nhìn thấy chiếc đầu van vàng óng cắm trên chiếc xăm xe. Tôi như kẻ đói năm Ất Dậu đứng trước tô cháo gà bốc khói nghi ngút. Trong đầu tôi “ ước gì mình có được chiếc đầu van kia? Khẩu súng đã hoàn tất chỉ còn thiếu mỗi mình nó!”.
Thế là chẳng nói chẳng rằng tôi chạy về nhà xách chiếc kéo cắt chỉ của mẹ len lén sang phòng bác rồi mắm môi mắm lợi cắt nghiến ngay cái đầu van phóng vội về nhà giấu xuống gậm giường rồi ở tịt nhà không sang phòng bác nữa.
Một lúc sau tôi thấy tiếng bác gọi ngoài cửa:
- Duy ơi sang bác bảo!.
Biết không thể trốn được vì chỉ có mỗi mình tôi ở nhà. Tôi đành lủi thủi đi qua phòng bác coi như không có chuyện gì xảy ra.
Vừa sang tới nơi bác đã hỏi:
- Đang chơi với bác sao lại bỏ về? bác bận sửa chiếc xe đạp không có ai tiếp chuyện buồn hả?
Vòng vèo một hồi rồi bác hỏi:
- Cháu có cất hộ bác cái “đầu van” xe không?
Tôi lí nhí trả lời:
- Không ạ!
- Lạ nhỉ! Chỉ có hai bác cháu mà cái “đầu van” bị ai cắt mất? có lẽ trong khu nhà của chúng ta có kẻ trộm chăng? Cháu ngồi đây bác đi báo công an để các chú ấy điều tra, phen này thế nào các chú ấy cũng tìm ra thủ phạm, các chú ấy mà bắt được thì chỉ có nước tù mọt xương.
Bác còn “tra tấn” tôi thêm:
- Không khéo các chú ấy còn thông báo với nhà trường và bị đuổi học nữa.
Tôi sợ đến vãi tè ra quần, thế là tôi khóc toáng lên và tuồn tuột khai hết sự tình.
Bác lấy khăn lau nước mắt cho tôi và giảng giải một hồi về việc làm sai trái của mình rồi động viên tôi bằng mấy viên kẹo.
Thế là bác đành bỏ giở việc thay chiếc xăm xe mới, cẩn thận dựng lại chiếc xe vào góc phòng rồi nói với tôi: “ yên tâm bác sẽ không cho bố mẹ cháu biết chuyện này đâu”.
Bài học “sư phạm” ấy của bác đã theo tôi đi suốt cuộc đời. Sau này khi lớn lên có gia đình và có con tôi đã vận dụng những kiến thức ấy để giáo dục thằng con tôi.
Cũng những năm ấy tôi có thằng bạn thân học cùng lớp, tên nó là Đạt ngồi ngay sát bên tôi ở dãy bàn trên cùng. Bố Đạt làm nghề sửa chữa xe đạp, nhà Đạt ở gần trường. Hôm đó trong giờ học Đạt quay sang khoe với tôi. Hắn rút từ trong túi quần ra một cái bao diêm rồi cẩn thận mở ra, bên trong là cái gói giấy, tờ giấy gói được xé từ quyển sổ tay, trong lớp giấy là một chiếc “đầu van” Pháp mới cứng. Mắt nhìn chiếc “đầu van” trong miệng tôi nước bọt không biết ở đâu tuôn ra lắm thế.
Đối với Đạt chiếc “đầu van” thật đơn giản còn với tôi là cả một ước mơ lớn lao. Suốt trong giờ học đầu óc tôi chỉ vẩn vơ nghĩ tới chiếc “đầu van” và tự nhiên tôi nghĩ ra “trò”. Tôi nhẹ nhàng thò tay vào túi quần của hắn. Đạt không hề biết gì. “Khua khoắng” một hồi tôi bỗng thấy một vật gì mềm mềm cỡ bằng đầu ngón tay. Không phải! Cái đầu van cứng mà phải nằm trong bao diêm? Thế là tôi bỏ qua cái vật mềm mềm bằng đầu ngón tay ấy. Đây rồi! nó nằm đây! Đạt vẫn không hề hay biết. Tôi nhẹ nhàng lấy bao diêm ra, mục đích của tôi muốn dấu đi để trêu Đạt.
Thấy công việc trót lọt hoàn hảo quá mà thằng bạn không hề hay biết.
Thế là lòng tham và sự thèm muốn dâng tràn trong đầu óc thiển cận của tôi. Tôi không còn đủ ý chí để cưỡng lại cám dỗ vật chất nữa.
Giờ ra chơi tôi phóng một mạch về nhà và vội vã quay trở lại trường. Nhưng không kịp, 30 phút nghỉ giữa giờ không đủ thời gian cho tôi từ trường về nhà và quay trở lại lớp, khi tới các lớp đã vào tiết học mới.
Vừa tới gần cửa lớp tôi đã nghe thấy tiếng khóc thảm thiết từ trong vọng ra. Tiếng khóc nghèn nghẹt bởi nước mắt, nước mũi tràn ứ trong cuống họng. Giọng Đạt méo xẹo: “Cô ơi! Em bị mất cái đầu van Pháp rồi! chỉ có nó thôi! em chỉ cho một mình nó biết! hu hu u u…”
- Thưa cô em vào muộn!
Cả lớp dồn hết ánh mắt nghi ngờ về phía cửa lớp nơi tôi đang đứng. Lúc này giọng Đạt lại ùng ục vống lên: “Trả tao cái đầu van! Cô ơi! Chỉ có nó! Hu hu u u …”
- Duy em đi đâu bây giờ mới vào?
Ngập ngừng một lúc tôi mới cất được lên lời:
- Dạ thưa cô … thưa cô … em bị đau bụng nên giờ ra chơi tranh thủ về nhà giải quyết .
Không hiểu sao tôi lại trơn tru trả lời cô không một chút ngượng ngập như thế?
Chuyện đau bụng của tôi đã có “tiền sử”, nên tôi đem ra làm vũ khí để hù dọa cô, dọa luôn cả lũ bạn trong lớp chăng?
Số là thế này: Có một lần tôi bị đau bụng, chả biết giờ ra chơi tôi ăn phải cái quái gì? Thịt bò khô hay ốc mút hay táo dầm, khế dầm … hay gì gì chẳng biết nữa của ông già người tầu bán ở đầu chợ “Baty” ngay sát cổng trường mà khi vào lớp tôi bị đau bụng ghê gớm.
Đáng lẽ ra thì tôi cũng cố nhịn được cho tới lúc tan trường. Nhưng khổ cho tôi, tôi lại ngồi ngay bàn đầu, xúi quẩy hôm ấy lại vớ phải mấy đứa trực nhật chết tiệt “lười” không chịu giặt giẻ lau bảng. Khi cô xóa bảng bụi phấn bay mù mịt. Tôi lại có tật viêm mũi dị ứng nên tôi nhảy mũi, hắt xì hơi liên tục.
Thế có chết không! các bác tính đau bụng đi cầu mà hắt xì hơi thì coi như “hết thuốc”. Thế là bao nhiêu sản phẩm “đầu tôm và xương cá” tôi cho ra bằng hết. Nửa lớp phía trên bọn bạn dạt hết về phía sau, đứa thì bịt mũi, đứa thì vơ vội lấy tập vở che lên miệng. Đến độ cô giáo cũng phải vọt ra ngoài cửa lớp tay cầm tập giáo án quạt lia lịa. Thế là cô buộc phải cho tôi về và cứ thế sản phẩm theo ống quần rơi xuống đường theo tôi tới tận nhà.
Có lẽ do ám ảnh bởi “tỳ vết” cũ của tôi nên sau khi vãn hồi trật tự cô tuyên bố sự việc sau giờ học sẽ giải quyết. Rồi lớp học lại đâu vào đấy cho tới hết buổi.
Khi ra về tôi và Đạt lại chuyện trò bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Đạt còn nói với tôi “tao còn mấy cái đầu van nữa, cái đó chưa tốt, mai tao cho mày xem chiếc khác còn oách hơn nhiều”.
Sau giờ học cô giáo chắc cũng vội về đón con nên cũng chả thiết gì tới việc giải quyết vụ việc lặt vặt con trẻ. Bọn bạn trong lớp cũng cuống cuồng vì bố mẹ đang chờ trước cổng trường. Sự việc của tôi trôi về quá khứ chả còn ai nhắc tới nữa.
Yêu biết bao tuổi thơ, tuổi của tình cảm bộc phát dễ quên và cũng dễ bỏ qua, chả bao giờ để bụng, chả thù dai hay ghen ghét tị hiềm ai, vô tư khoáng đạt những tình cảm đó thật đẹp và hồn nhiên biết bao. Khi lớn lên tôi chỉ thấy tiếc. Sao người lớn chúng ta không còn giữ được sự hồn nhiên, vô tư như thế!!!
Ngay chiều hôm đó về đến nhà tôi vội chui vào gậm giường lôi chiếc bao diêm có cái đâu van ra để lắp vào súng. Chiếc đầu van được bọc trong tờ giấy xé từ cuốn sổ tay phủ kín chữ còn nguyên màu mực tím. Khi tôi vuốt thẳng tờ giấy ra thì thật ngạc nhiên, các bác có biết gì không? Đó là lời của bài hát “những ánh sao đêm” mà đài phát thanh mới phổ biến trong phần học hát chiều chủ nhật.
Mấy bà chị trong khu tôi như vớ được vàng. Không hiểu sao chiều chủ nhật trong phần phổ biến ca khúc mới lại chả “bà” nào chịu tham gia. Mấy ngày sau nghe lại bài ca thấy hay quá nên tiếc hùi hụi.
Vớ được lời bài ca tôi đưa mấy “mẹ” chổng mông lên hí húi chép vào sổ tay rồi nghêu ngao như nhà có đám.
Sổ tay của các “mẹ” ấy ghi linh ta, linh tinh. Có lần tôi đọc trộm mà chả hiểu gì. Từ nhật ký tới lưu bút và bài hát thậm chí cả “lịch” nữa: “ Hôm nay thứ bảy: bạn gặp niềm vui. Thứ hai: cẩn thận! bạn trai trong lớp đang để ý bạn … Thứ năm: buồn vô cớ …” Toàn là những câu vớ vẩn.
Khi tôi hỏi thì các “mẹ” ấy giải thích “chuyện của người lớn, của đàn bà con gái, trẻ con không được biết”.
Mà cũng lạ hồi đó “mẹ” nào trong khu tôi cũng có một cuốn sổ tay như thế, nó như phong trào vậy giờ nghĩ lại mới biết các “mẹ” ngày xưa lãng mạn thật.
Còn với Đạt sáng hôm sau gặp nhau ở lớp hắn than vãn với tôi.
Hôm qua đi học về tao bị bà chị quật cho một trận vì tội “ẩu” dám xé sổ tay của bà ấy mà lại nhằm đúng cái tờ bài hát “những ánh sao đêm” bà ấy mới chép chưa kịp thuộc. Tao ra sức cãi, nhưng cái lý cứ đuối dần. Vì có lần tao bị bà ấy bắt quả tang xé giấy khen của bà ấy làm giấy đi cầu. Sáng hôm sau bà ấy phát hiện vứt trong sọt đựng giấy ở “toalet”. Tao bị “bà ấy” mách bà già tao, rồi bà già tao lại đi mách với ông già tao – hắn dài dòng. Thế là ông già giã cho một trận “thừa sống thiếu chết” nên tao đành phải thừa nhận
Tôi quay đi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt “đau khổ” của thằng bạn, lòng đầy ân hận. Trên đời này lắm cái oái oăm, nhiều khi niềm vui của thằng này lại là nỗi khổ của thằng khác. Tôi cứ day dứt.
…
Sau này nghe nói khi lớn lên Đạt đi bộ đội và “hy sinh tại chiến trường phía nam” theo như thông báo hết sức “vô trách nhiệm” của cơ quan chính sách.
Hòa bình, gia đình Đạt nhiều năm ngược xuôi Nam Bắc, lặn lội “thầy bà” mà chả tìm thấy xác.
Mỗi khi nghe ca khúc “Những ánh sao đêm” tôi lại nhớ tới Đạt, nhớ tới sự “ly kỳ” của lời một bài ca đối với riêng tôi. Tôi lẩm bẩm lời bài hát trên giường và miên man nỗi nhớ… nhớ thằng bạn tuổi ấu thơ giờ không biết “lăn lóc” nơi đâu?
T/p Hồ Chí Minh ngày thương binh liệt sỹ-27/7/08
Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008
Chuỵên của những người lính Thành cổ
Doanh là bạn học cùng trang lứa Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kháng Mỹ. Tốt nghiệp, bạn vào học khóa 15 Cơ khí Bách khoa rồi nhập ngũ ngày 6/9/1971. Lẽ ra chưa phải đi đợt này vì bố mẹ đang tại ngũ, nhưng lúc “nước sôi lửa bỏng” thì mẹ nào ngăn con. Doanh cùng các bạn sinh viên tăng cường cho Sư đoàn 325 của Tư lệnh Lê Kích và Chính uỷ Nguyễn Công Trang, chi viện ngay cho Quảng Trị. 81 ngày đêm kiên gan bám giữ Thành cổ và đúng ngày cuối cùng, 16/9/1972, Doanh đã anh dũng hy sinh. Vậy bạn đi đã 36 năm, ngày ấy mới vừa 19!
Từng đến dự đám giỗ của nhiều LS nhưng đây là lần đầu thắp hương cho Doanh. Mẹ Doanh, bà Lê Mai, làm sớm 1 ngày để con cháu về đông đủ. Căn hộ trong khu tập thể Viện 108 hôm nay xanh rờn màu áo lính. Ngồi cạnh mẹ là anh em lính Trỗi: Thế Vinh, Tuấn Kiệt, Công Chính, Việt Dũng… góc kia là bạn cùng sư đoàn: Lê Bình (cựu sinh viên Thủy lợi), Lê Xuân Tường (Xây dựng), Nguyễn Đức Minh (Bách khoa), Lê Minh (Tổng hợp)... Mẹ cứ tiếc: “Hôm nay vắng thằng Dũng (giáo viên Bách khoa) và thằng Toàn (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hưng Yên), chứ giỗ Doanh năm nào cũng có”.
Cùng thắp những nén nhang cho Doanh. Trên ban thờ cạnh bằng “Tổ quốc ghi công” là kỷ niệm chương “Bảo vệ thị xã – Thành cổ Quảng Trị 1972” và “35 năm CCB sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Khói nhang cay sè. Chuyện qua lại mới biết tình cờ mà Tường “cận” tìm được gia đình Doanh. Chả cùng làm việc với Hải rồi anh em tâm sự mới biết Hải là em dâu của bạn cùng sư đoàn. Từ đó, Tường báo tin cho đồng đội ở E95 và năm nào giỗ Doanh anh em lính E95, F325 thời Quảng Trị cũng kéo đến chật nhà. Anh em gọi bà Lê Mai là “mẹ của trung đoàn”.
Râm ran chuyện chiến đấu, chuyện “Mùa hè đỏ lửa”… Trận mạc ác liệt, Lê Bình chỉ gặp Doanh 1 lần khi đi lấy gạo. Còn Tường thì nhớ lại: “Bố Doanh là bạn chiến đấu với Trung đoàn trưởng Lý Long Quân nên xin phép cho Doanh vào sau. Đầu tháng 7/1972, E95 vào Thành cổ thì tháng sau Doanh mới có mặt. Những ngày cuối, bom đạn càng ác liệt, anh em hy sinh nhiều. Tối tối đổi quân ở bờ sông Thạch Hãn mà cánh rút ra lần nào cũng ít hơn cánh vào Thành. Chiến đấu ác liệt, rồi E95 chỉ giữ được mỏm sông bờ nam cuối cùng. Đêm 16/9, được lệnh rút thì Doanh hy sinh khi vượt sông Thạch Hãn. Chuyện này Toàn nắm khá kĩ, tôi cho ông máy để liên lạc”.
Hàng chục năm trôi qua sau nhiều lần kì công tìm kiếm nhưng chả còn hy vọng tìm được hài cốt Doanh, mẹ Mai lấy về bọc đất đúng ở bờ nam sông Thạch Hãn nơi con hy sinh, coi đó là hài cốt rồi làm thủ tục đưa vào NTLS phường Đình Công, Thanh Trì, Hà Nội. Hôm đón Doanh về, mẹ lấy cái áo bông Doanh mặc hồi thiếu sinh quân hoá cho bạn. Tuấn Kiệt rân rấn nước mắt vừa đốt vừa kể: “Thời ở trường, 2 thằng đã mặc chung cái áo này…”.
Chuyện của nhân chứng sống
Có số máy của CCB Toàn, tôi nhấn số: “Xin phép nói chuyện với anh Toàn, Sư 325!”. “Vâng, tôi Toàn đây!”, rồi anh bắt đầu…
“Trịnh Thúc Doanh vào sau trong đợt đổi quân và được phân về cùng hầm với tôi và Phú. Doanh hiền lành, trẻ măng; tôi còn nhớ, mặt có ít tàn nhang. Doanh kể gia cảnh có bố đang làm việc tại Viện quân y 108... Ngày ấy ác liệt, đạn pháo, đạn đại liên từ máy bay L19 bắn rát 24/24 không ngóc đầu khỏi hầm. Thậm chí mót tiểu cứ đái ra tay rồi hất ra ngoài. Mưa nhiều, hầm ngập toàn bùn trộn lẫn máu nên hôi hám. Lúc vào Thành cổ, Doanh mang theo hộp sữa đặc (chắc của mẹ gói cho trước khi đi). Đói quá, mấy tên lấy thông nòng AK khui hộp rồi thay nhau tu. Sữa quá đặc nên khát nước, cứ thế vục nước sông mà uống. Vậy là cả bọn đau bụng đi ngoài, có đứa khó chịu đánh rắm ra cả quần(!).
Anh em E95 kiên cường giữ được mỏm cuối cùng phía bờ sông, 3 phía còn lại quân địch dần thít chặt vòng vây. Đêm 16/9 được lệnh rút, anh em từng tốp lao ra phía bờ sông. Lúc đó đã muộn. Trời tối đen. Trong nhóm, Doanh chạy trước, tôi và Phú chạy sau. Tới sát bờ thấy Doanh đã nhảy tòm xuống sông. Thật bất ngờ lúc ấy có quả đạn pháo bắn đúng vào chỗ Doanh vừa xuống. Nghe nổ, theo bản năng chúng tôi lăn mấy vòng, khi thấy yên mới nhảy xuống tìm. Hai đứa chỉ dám gọi khe khẽ “Doanh ơi!” vì địch ngay sát. Quờ quạng bơi quanh bờ mà chả thấy. Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, không còn thời gian, 2 thằng phải bơi vội sang sông. Thật may khi qua sông không bị quả đạn pháo nào. Sang đến nơi mới thấy pháo sáng rực trời. Cả ngày hôm sau tôi nằm trong hầm ngập nước ở Nhan Biều ngủ li bì. Có lẽ Doanh trúng đạn rồi bị cuốn trôi theo dòng. Khi ấy đang là mùa nước…”.
Trong tôi chợt văng vẳng câu thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”.
Bức phù điêu “Lửa luỹ thành”
Tường “cận” là tay hay chuyện và nhớ nhiều. Sau khi rút khỏi Thành cổ, đơn vị về đóng ở Cửa Việt. Tháng 3/1973 ngừng bắn, Tường lang thang mấy chục cây số đi tìm bạn. Một lần tới C trinh sát F325, Tường gặp Quách Ngọc Lâm (sinh viên Đại học Mỹ thuật, cùng là lính trinh sát với Lê Minh) đang kì cụi gõ, đục vào mảnh đuya-ra cưa từ tấm ghi làm đường băng sân bay dã chiến. Thấy lạ, Tường hỏi:
- Cậu làm gì vậy?
- Đang làm phù điêu “Lửa luỹ thành”.
Nói rồi Lâm cho Tường xem bức phác thảo gắn trên vách hầm. “Tôi ấn tượng thực sự tới hàng chục năm sau. Phác thảo với 2 màu chủ đạo: đỏ rực và da cam”, Tường nói. Ở trung tâm là hình ảnh 3 chiến sĩ quần áo nhầu nát, máu me bê bết; người thì quấn băng trên đầu, người bị thương đang được bạn cõng trên lưng. Nhưng trong tay họ người đang nắm chắc quả lựu đạn chày, người đang dương B40 lên ngắm. Ba anh em tựa vai nhau, lưng dựa vào bờ tường Thành cổ. Bức tường nham nhở vết đạn nhưng rõ từng viên gạch. Lâm diễn giải: “Quân địch mạnh hơn đang bao vây, hòng tiêu diệt những chiến sĩ trẻ. (Tuy không thể hiện hình ảnh kẻ địch, nhưng nhìn nét mặt đằng đằng sát khí của những người lính sẽ thấy). Mắt các chiến sĩ ngời lên ánh lửa, họ sẵn sàng đánh trả. Quanh bờ tường có những đống lửa. Phía sau, bầu trời cũng bừng lên màu lửa…”.
Tường tâm sự: “Thật lạ thiếu thốn, gian khổ như thế mà Lâm kiếm đâu ra cả mầu nước! Lạ hơn giữa cái sống cái chết gần nhau trong gang tấc không làm mất đi sự sáng tạo nghệ thuật! Rồi Lâm tặng phù điều này cho Hồ Tú Bảo, lính trinh sát, nay là giáo sư, tiến sĩ đang làm việc ở Nhật.
Ngày ấy, F325 được gọi là Sư đoàn Ái Tử, E95 gọi là Thành Quảng, còn E101 là Triệu Phong... Sau này cánh CCB sinh viên F325 về thăm và tặng Bộ chỉ huy quân sự huyện Triệu Phong, đơn vị đóng ngay sân bay Ái Tử, bức phù điêu bằng đồng, kích thước 60cm; nhưng có đưa thêm hình tượng o du lích đang cầm khẩu AK”.
Thầm nghĩ, giá có nhà tài trợ cùng nhà điêu khắc nào thực hiện được ý tưởng đưa bức phù điêu ra 1 vị trí ở Thành cổ thì chắc chắn sẽ là biểu tượng cho CCB sinh viên Hà Nội trong những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thân yêu! Lúc chia tay, Tường còn nói: “Ngày mai là ngày nhiều bạn hy sinh…”.
Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008
NGUYỄN SƠN TƯỚNG VĂN NGHỆ
(Kiến Quốc ghi)
Lần đầu gặp Nguyễn Sơn
Khoảng đầu năm 1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi ông Trần Độ lên giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu về “Công tác chính trị trong quân đội”. Từ bé đến giờ có bao giờ được nghe nói về “Công tác chính trị”, nay nhận nhiệm vụ này, ông hết sức ngỡ ngàng. Ông Giáp đưa cho 2 cuốn sách chữ Hán: “Công tác chính trị trong đại đội” và “Công tác chính trị viên đại đội” của Bát Lộ quân Trung Quốc (mỗi cuốn 20-30 trang) để nghiên cứu. Ông Độ cho người dịch, in và cấp ngay cho các đơn vị.
Thời gian này, Nguyễn Sơn mới từ Trung Quốc về. Một lần, ông Sơn đến thăm thì được ông Độ mang sách ra khoe: “Tôi vừa cho in xong 2 cuốn sách viết về Công tác chính trị trong quân đội Trung Quốc. Anh xem giùm!”. Cầm 2 cuốn sách lên tay, ông Sơn cười: “Đây là tài liệu dùng cho cấp chiến thuật. Cũng rất cần cho bộ đội, nhất là khi chưa có tài liệu huấn luyện. Ngày ở bên ấy, tớ từng chỉ huy cấp chiến lược, cỡ tập đoàn quân. Lúc mình cưỡi ngựa thì mấy tay viết cuốn sách này, có khi, chỉ là lính chạy bộ…”. Trước một vị đàn anh từng trải và đầy tài năng trong đầu người cán bộ trẻ từ đấy nảy nở tình cảm quý mến, trân trọng.
Nguyễn Sơn ở Khu Bốn
Quãng năm 1947, theo phân công của Cục Chính trị, Trần Độ đưa một số văn nghệ sĩ đi thực tế. Đợt này có các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, các họa sĩ Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên… Biết tiếng Tư lệnh Khu Bốn là người hiểu biết văn hóa, văn nghệ, nên các văn nghệ sĩ đề nghị cho gặp mặt đàm đạo. Ông Độ mang giấy giới thiệu đến liên hệ và được ông Sơn đồng ý. Ông Sơn rất vui khi gặp lại nhà văn Nguyễn Công Hoan, vốn là bạn học từ ngày còn ở trường Sư phạm Hà Nội. Thấy ông Độ ngồi nán lại, ông Sơn ngạc nhiên:
- Cậu còn ngồi lại đây làm gì?
- Tôi muốn được nghe các anh nói chuyện. – Trần Độ trả lời.
- Cậu thì biết quái gì về văn hóa, văn nghệ mà đòi ở lại nghe?
- Thấy các anh nói chuyện hay quá, cho tôi nghe để còn học tập.
Được sự đồng ý, ông Độ ở lại và lập tức bị cuốn vào những câu chuyện đầy hấp dẫn của các bậc trưởng lão tài ba, từ văn thơ đến hội họa, từ tác phẩm này đến nhân vật kia, từ Gô-gôn, Sếch-xpia, đến Lê-ô-na Da Vin-xi, cả Truyện Kiều, rồi sang cả lĩnh vực chèo, tuồng…
Cũng dịp này, Khu Bốn tổ chức “Đại hội tập” (sau này gọi là hội thao) mà Nguyễn Sơn là người đầu tiên đưa loại hình huấn luyện này áp dụng trong quân đội. Ông Sơn tỏ ra rất tỉ mỉ, nắm vững cách tổ chức và chủ động điều hành, xử lý các tình huống (kể cả phòng chống máy bay địch…).
Các buổi tối thường tổ chức văn nghệ. Các đơn vị tập các tiết mục rồi đăng kí biểu diễn. Vì không chuyên nghiệp nên mỗi lúc chuyển lang lớp phải mất thời gian bố trí lại phông màn. Thấy sân khấu trống, ông Sơn liền lên nói chuyện. Xuất khẩu thành thơ, ông thao thao về cuộc kháng chiến trường kì, về văn hóa văn nghệ… Thỉnh thoảng quay lại giở phông lên xem, thấy chưa chuẩn bị xong, ông quay xuống: “Vẫn chưa xong, xin ban tổ chức cho nói tiếp!”. Kết thúc đêm văn nghệ, trên đường về cùng chị chủ nhà, ông Độ hỏi:
- Chị xem văn nghệ có thấy hay không?
- Hay quá, bác ạ!
- Thế tiết mục nào hay nhất?
- Tiết mục ông Sơn nói chuyện.
Lần gặp cuối cùng
… Năm 1950, Thiếu tướng Nguyễn Sơn trở về Trung Quốc nhận nhiệm vụ mới. Cũng dịp này ông Trần Độ nhận lệnh đưa một trung đoàn của đại đoàn 312 sang Quảng Tây huấn luyện và nhận vũ khí. Khi đến cửa khẩu Cao Bằng, lại gặp ông Sơn. Mừng quá! Từ biên giới, đoàn được đón tiếp rất nồng hậu. (Sau mới biết Tư lệnh quân khu là bằng hữu với ông Sơn). Ông Sơn gọi ông Độ lên ngồi cùng xe Jeep về tận Nam Ninh. Dọc đường ông Độ lo lắng: “Tôi không biết tiếng Hoa, anh kiếm giúp cho một phiên dịch!”. Vừa nghe, Nguyễn Sơn nói ngay: “Khỏi phải kiếm đâu xa, để tớ phiên dịch cho”.
Tại Bộ tư lệnh quân khu, trước khi vào họp, ông Sơn hỏi cần những gì. Ông Độ trình bày những vấn đề chính cần bạn giúp đỡ. Vào cuộc họp, thấy Tướng Sơn nói một thôi một hồi. Lúc sau, ông Sơn quay lại bảo có mấy việc thế này, ghi lại rồi cứ thế mà triển khai.
Khi chia tay ông Sơn đi Bắc Kinh, ông Trần Độ hỏi:
- Anh sẽ làm gì khi về Trung Quốc?
- Có nhiều việc, nhưng nhất định tớ sẽ xây dựng một đoàn kinh kịch và đi biểu diễn khắp thế giới. Ngày ở bên đó, mình đã cùng anh em tổ chức những đêm biểu diễn ở Căn cứ Diên An. Kinh kịch của họ hay lắm!
- Vâng, anh nhớ về Việt Nam biểu diễn!
Ông Sơn tư lự… Không ngờ đây là lần cuối được gần vị tướng mà Trần Độ hết sức hâm mộ. Năm 1956, Tướng Sơn bị ốm. Tháng 10 năm ấy, ông về nước và ít ngày sau thì ra đi.
Ảnh tư liệu gia đình:
Ban chỉ huy Khu Bốn năm 1948. (Từ trái qua: Chính uỷ Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Nguyễn Sơn và Khu phó kiêm Tham mưu trưởng Đào Chính Nam).