Ngày 1/10 năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy. Với vị tướng này mỗi người có một tình cảm ở một góc độ khác nhau. Riêng tôi được gần gũi với Tướng Trần Độ nên ghi nhận nhiều chuyện thú vị về Nguyễn Sơn - vị tướng thuở khai quốc công thần.
(Kiến Quốc ghi)
Lần đầu gặp Nguyễn Sơn
Khoảng đầu năm 1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi ông Trần Độ lên giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu về “Công tác chính trị trong quân đội”. Từ bé đến giờ có bao giờ được nghe nói về “Công tác chính trị”, nay nhận nhiệm vụ này, ông hết sức ngỡ ngàng. Ông Giáp đưa cho 2 cuốn sách chữ Hán: “Công tác chính trị trong đại đội” và “Công tác chính trị viên đại đội” của Bát Lộ quân Trung Quốc (mỗi cuốn 20-30 trang) để nghiên cứu. Ông Độ cho người dịch, in và cấp ngay cho các đơn vị.
Thời gian này, Nguyễn Sơn mới từ Trung Quốc về. Một lần, ông Sơn đến thăm thì được ông Độ mang sách ra khoe: “Tôi vừa cho in xong 2 cuốn sách viết về Công tác chính trị trong quân đội Trung Quốc. Anh xem giùm!”. Cầm 2 cuốn sách lên tay, ông Sơn cười: “Đây là tài liệu dùng cho cấp chiến thuật. Cũng rất cần cho bộ đội, nhất là khi chưa có tài liệu huấn luyện. Ngày ở bên ấy, tớ từng chỉ huy cấp chiến lược, cỡ tập đoàn quân. Lúc mình cưỡi ngựa thì mấy tay viết cuốn sách này, có khi, chỉ là lính chạy bộ…”. Trước một vị đàn anh từng trải và đầy tài năng trong đầu người cán bộ trẻ từ đấy nảy nở tình cảm quý mến, trân trọng.
Nguyễn Sơn ở Khu Bốn
Quãng năm 1947, theo phân công của Cục Chính trị, Trần Độ đưa một số văn nghệ sĩ đi thực tế. Đợt này có các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, các họa sĩ Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên… Biết tiếng Tư lệnh Khu Bốn là người hiểu biết văn hóa, văn nghệ, nên các văn nghệ sĩ đề nghị cho gặp mặt đàm đạo. Ông Độ mang giấy giới thiệu đến liên hệ và được ông Sơn đồng ý. Ông Sơn rất vui khi gặp lại nhà văn Nguyễn Công Hoan, vốn là bạn học từ ngày còn ở trường Sư phạm Hà Nội. Thấy ông Độ ngồi nán lại, ông Sơn ngạc nhiên:
- Cậu còn ngồi lại đây làm gì?
- Tôi muốn được nghe các anh nói chuyện. – Trần Độ trả lời.
- Cậu thì biết quái gì về văn hóa, văn nghệ mà đòi ở lại nghe?
- Thấy các anh nói chuyện hay quá, cho tôi nghe để còn học tập.
Được sự đồng ý, ông Độ ở lại và lập tức bị cuốn vào những câu chuyện đầy hấp dẫn của các bậc trưởng lão tài ba, từ văn thơ đến hội họa, từ tác phẩm này đến nhân vật kia, từ Gô-gôn, Sếch-xpia, đến Lê-ô-na Da Vin-xi, cả Truyện Kiều, rồi sang cả lĩnh vực chèo, tuồng…
Cũng dịp này, Khu Bốn tổ chức “Đại hội tập” (sau này gọi là hội thao) mà Nguyễn Sơn là người đầu tiên đưa loại hình huấn luyện này áp dụng trong quân đội. Ông Sơn tỏ ra rất tỉ mỉ, nắm vững cách tổ chức và chủ động điều hành, xử lý các tình huống (kể cả phòng chống máy bay địch…).
Các buổi tối thường tổ chức văn nghệ. Các đơn vị tập các tiết mục rồi đăng kí biểu diễn. Vì không chuyên nghiệp nên mỗi lúc chuyển lang lớp phải mất thời gian bố trí lại phông màn. Thấy sân khấu trống, ông Sơn liền lên nói chuyện. Xuất khẩu thành thơ, ông thao thao về cuộc kháng chiến trường kì, về văn hóa văn nghệ… Thỉnh thoảng quay lại giở phông lên xem, thấy chưa chuẩn bị xong, ông quay xuống: “Vẫn chưa xong, xin ban tổ chức cho nói tiếp!”. Kết thúc đêm văn nghệ, trên đường về cùng chị chủ nhà, ông Độ hỏi:
- Chị xem văn nghệ có thấy hay không?
- Hay quá, bác ạ!
- Thế tiết mục nào hay nhất?
- Tiết mục ông Sơn nói chuyện.
Lần gặp cuối cùng
… Năm 1950, Thiếu tướng Nguyễn Sơn trở về Trung Quốc nhận nhiệm vụ mới. Cũng dịp này ông Trần Độ nhận lệnh đưa một trung đoàn của đại đoàn 312 sang Quảng Tây huấn luyện và nhận vũ khí. Khi đến cửa khẩu Cao Bằng, lại gặp ông Sơn. Mừng quá! Từ biên giới, đoàn được đón tiếp rất nồng hậu. (Sau mới biết Tư lệnh quân khu là bằng hữu với ông Sơn). Ông Sơn gọi ông Độ lên ngồi cùng xe Jeep về tận Nam Ninh. Dọc đường ông Độ lo lắng: “Tôi không biết tiếng Hoa, anh kiếm giúp cho một phiên dịch!”. Vừa nghe, Nguyễn Sơn nói ngay: “Khỏi phải kiếm đâu xa, để tớ phiên dịch cho”.
Tại Bộ tư lệnh quân khu, trước khi vào họp, ông Sơn hỏi cần những gì. Ông Độ trình bày những vấn đề chính cần bạn giúp đỡ. Vào cuộc họp, thấy Tướng Sơn nói một thôi một hồi. Lúc sau, ông Sơn quay lại bảo có mấy việc thế này, ghi lại rồi cứ thế mà triển khai.
Khi chia tay ông Sơn đi Bắc Kinh, ông Trần Độ hỏi:
- Anh sẽ làm gì khi về Trung Quốc?
- Có nhiều việc, nhưng nhất định tớ sẽ xây dựng một đoàn kinh kịch và đi biểu diễn khắp thế giới. Ngày ở bên đó, mình đã cùng anh em tổ chức những đêm biểu diễn ở Căn cứ Diên An. Kinh kịch của họ hay lắm!
- Vâng, anh nhớ về Việt Nam biểu diễn!
Ông Sơn tư lự… Không ngờ đây là lần cuối được gần vị tướng mà Trần Độ hết sức hâm mộ. Năm 1956, Tướng Sơn bị ốm. Tháng 10 năm ấy, ông về nước và ít ngày sau thì ra đi.
Ảnh tư liệu gia đình:
Ban chỉ huy Khu Bốn năm 1948. (Từ trái qua: Chính uỷ Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Nguyễn Sơn và Khu phó kiêm Tham mưu trưởng Đào Chính Nam).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét