Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

THÔNG BÁO

Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền và Câu lạc bộ Sưu tập tranh họa sĩ Phạm Lực kính mời quý vị tới dự khai mạc Triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Lực,
Vào hồi 16h30 ngày 26/5/2014, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội
Rất hân hạnh được đón tiếp.
Trên đây là nội dung giấy mời tới dự triển lãm tranh lần thứ 23 của thầy Phạm Lực với tên gọi "Rực rỡ Tháng Năm". Cuộc triển lãm lần này nhằm bán tranh để lấy tiền ủng hộ CSBVN bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngày khai mạc, thầy sẽ trao tượng trưng trước số tiền mấy chục triệu cho các chiến sỹ hải quân. Vậy kính mời các thầy cô, các anh chị và các bạn trường Trỗi cùng K9 đến ủng hộ triển lãm đầy ý nghĩa của thầy. Ngoài những bức tranh đắt tiền, thầy nói triển lãm này có cả những bức tranh giá thấp để phục vụ được nhiều người hơn, gây quỹ được nhiều hơn. Nếu có thể, nhờ mọi người chuyển giúp lời mời này tới bạn bè, người thân, những người quan tâm tới nghệ thuật, hay chỉ đơn giản là muốn làm một việc gì đó thật thiết thực cho Hoàng Sa, Trường Sa.

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Đố ai đong được mối tình

Sáng tác của thầy giáo- Nhạc sỹ Hồng Tuyến



45 Năm vững bước trưởng thành

Sáng tác mới của Thầy giáo - Nhạc sỹ Hồng Tuyến



Người anh hùng sống mãi HUỲNH KIM TRUNG




Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

Chuyện của người đồng nghiệp

Đào Duy

Cho tới bây giờ tôi cũng không biết số phận của người đàn bà ấy ra sao? Còn hay mất và nếu còn thì chị lưu lạc nơi đâu. Người đàn bà ấy tên Quyết tôi vẫn thường gọi chị Quyết.

Ba mươi năm xa quê đời lính đưa tôi xiêu bạt: Từ Nghệ An nắng gió cháy da tới mảnh đất Trung Lào muỗi vắt, phỉ Vàng Pao rình rập. Ba bốn năm phơi mình rèn luyện trong lò sỹ quan trên mảnh đất Sơn Tây sỏi đá. Ra trường quân hàm trung úy, mấy tháng ăn đợi nằm chờ ở nhà khách bộ tư lệnh hải quân. Buồn, tôi theo thằng bạn rủ rê đi Thái Nguyên buôn chè kiếm tiền tiêu vặt.

Cầm quyết định về vùng 5 hải quân. Ra tới Phú Quốc tôi nói với tay trợ lý cán bộ: “ Nơi nào xa nhất , khó khăn nhất thì cho tôi đi!”

Chả phải lý tưởng hay trách nhiệm gì đó cao siêu, tính tôi nó vậy. Từ bé tôi đã thích phiêu lưu, ưa mạo hiểm, khám phá và cấm biết sợ cái gì.

Trong danh sách mấy sỹ quan mới ra trường BTL hải quân bổ sung cho “vùng”, tôi là người có mặt sớm nhất: đúng ngày, đúng tháng trong tờ giấy điều động.

Trưởng phòng tổ chức cán bộ ấn tượng trước khuôn mặt rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn và ý thức kỷ luật cộng với tấm bằng tốt nghiệp sỹ quan loại giỏi ông ưu tiên giữ tôi lại công tác tại BTL vùng.

Tôi thuyết phục tay trợ lý cán bộ tác động với ông trưởng phòng chấp thuận yêu cầu của tôi.

Thời điểm ấy bộ tư lệnh vùng cũng đang đau đầu cần tìm một sỹ quan trẻ có năng lực trám vào vị trí phó trạm Rada trên đảo Kokong ( Đảo này của Campuchia nằm sát biên giới Thai Lan năm 89 ta đã trả lại cho họ) đây là vị trí tiền tiêu quan trọng trong cuộc chiến biên giới tây nam chống Ponpot, nên đề nghị của tôi được bộ tư lệnh vùng chấp nhận.

Cầm tờ quyết định còn thơm mùi mực dấu: “Trung úy Trần Văn K giữ chức trạm phó trạm ra đa hải quân trên đảo Kokong”. Tôi lên đường ngay theo chuyến tàu chở hàng tết của đơn vị ra đảo.

Năm năm sau khi ra trường tất cả háo hức, nhiệt huyết tuổi trẻ hầu như tôi gửi lại hòn đảo Kokong xa xôi. Năm năm nhiều vùng đất, vùng biển đảo phía tây nam tôi đã tới. Suốt quãng đời sau này bao nhiêu hạng người tôi đã gặp và tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu đàn bà con gái đã bước qua cuộc đời mình … nhưng thật lạ, chả hiểu sao mỗi khi buồn cô quạnh bên ly rượu ngoái cổ lại quá khứ, chiêm nghiệm đời mình về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà thì hình ảnh người đàn bà ấy - chị Quyết, ba mươi năm rồi vẫn ám ảnh đeo bám tôi cho tới mãi hôm nay.

Ra quân, lĩnh một cục lương thượng úy chấp nhận làm lại từ đầu. Chạy vạy may mắn tôi xin được chân nhân viên kỹ thuật của một sân bay phía Nam. Lương tháng chả nhiều, chả ít tùng tiệm đủ sống. Công việc nhàn và phù hợp. Tặc lưỡi, thôi tuổi tác cho tới nay đã ngoại tứ tuần như thế cũng là được, chả mong gì hơn, an phận.

Câu chuyện tôi đang kể với các bạn là của người đồng nghiệp cùng cơ quan. K tâm sự với tôi “Nói sợ anh chả tin nhưng sự thật là như vậy”.

Cái sự thật mà tôi sắp kể tiếp với các bạn đây là mối quan hệ giữa K và người đàn bà tên Quyết, tôi muốn chia xẻ cùng các bạn để chúng ta hiểu thêm một góc khuất, một nỗi khổ đau khác, lặng lẽ, âm thầm không gì có thể đo đếm được của thân phận người đàn bà trong chiến tranh.

Quê tôi là đất phật, có Chùa Hương nổi tiếng. Tôi có người anh trai năm 1971 đi lính. Cùng đi đợt ấy trong làng gần nhà có anh Hướng trạc tuổi anh tôi, nếu còn sống năm nay anh khoảng 60 tuổi. Anh hy sinh khi cuộc chiến cận kề ngày cuối cùng trên mảnh đất Tây Nguyên. Vợ anh là chị Quyết.

Chị Quyết là người thiên hạ về làm dâu làng tôi. Tướng chị to cao phốp pháp da trắng nõn nà, ngực chị nở nang, chả biết nở cỡ nào nhưng tôi thấy chiếc áo nào của chị cũng rách, mà chỉ rách độc ở hai cái đầu chỏm trên ngực áo. Cặp mông chị to, chắc nổi phồng lên sau làn vải mỏng. Mỗi khi chị gánh lúa bọn trai làng choai choai mắt lấm la, lấm lét nhìn, rồi vội vã quay đi vươn cổ nuốt đi thứ nước nong nóng, sền sệt trong miệng tiết ra khi nhìn cặp mông chị nhún nhảy trên đường làng.

Nhà Chị ở gần nhà tôi, gần như ngày nào chị cũng sang chơi, chị thường giúp mẹ tôi những việc trong nhà như xay lúa, sàng sảy, giã gạo … có hôm trời mưa, lắm khi dở giời gió mùa đông bắc chợt về chị ngủ lại với mẹ tôi.

Mẹ tôi thương chị coi chị như con gái trong nhà. Cũng là phận gái nên bà hiểu và thông cảm cho cảnh nàng dâu mẹ chồng, chồng chị biền biệt, con cái chưa có nhìn chị nghĩ tủi phận xót xa như chính đời mình đã từng trải qua.

Có hôm chị sang chơi, thấy mặt chị hây hây, người nóng hầm hập như phải cảm. Chị mượn mẹ tôi cái quạt mo, phành phạch quạt lấy, quạt để. Mẹ tôi nhìn chị rồi thở dài “ Ôi dào! Cảm cúm gì ” bà nghĩ trong bụng, rồi chạy vội ra sau nhà vơ nắm rau Răm rửa qua quýt, cho vào cối giã, thêm tí muối, lọc lấy bát nước đem vào nhà bắt chị uống. Cụ nói: Uống đi con, uống đi cho đỡ “bốc hỏa”.

Bà nhìn chị nhăn mặt cố nuốt từng ngụm rồi ngao ngán lắc đầu “con gái hừng hực thế kia, vò võ xa chồng … rõ khổ ông trời, ông phật có thấu cho không.” Bất giác bà nhớ tới thời xuân sắc của mình vụt lóe lên như ánh sao băng nhưng nó đã qua từ lâu, từ lâu lắm rồi.

Chồng đi biền biệt, bốn, năm năm chả thư từ tin tức, nỗi chờ mong như niềm tin đặt nơi vô vọng. Việc đồng áng quần quật nhà chồng, từng ấy thứ cả tinh thần lẫn vật chất đổ xuống trái tim, xuống thân xác chị. Nhưng lạ thay nhu cầu bản năng vẫn cứ tràn ứ và lan tỏa, phô bày ra trên cơ thể, trên làn da, mớ tóc, trong cặp mắt long lanh, trong làn môi mọng đỏ, những thèm muốn khát khao dù có kiềm chế thế nào nó vẫn rực cháy trong cơ thể đang độ xuân thì của chị.

Những tháng năm làm dâu của chị không suôn sẻ. Mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng đẩy hai mẹ con chị xa nhau, tới độ hai mẹ con không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Chị bỏ nhà sang xin phép mẹ tôi ở nhờ. Thương chị, mẹ tôi thu xếp cho chị cái chõng tre kê dưới bếp.

Nhà tôi có dãy nhà trên năm gian và khu nhà bếp. Hai dãy nhà cách nhau qua một cái sân gạch lớn .

Chị quý tôi, cậu con trai khỏe mạnh, khôi ngô đang tuổi lớn. Vào những buổi tối, buổi trưa nông nhàn chị hay đọc cho tôi nghe những chuyện tình cảm, phần nhiều là chuyện chép tay lưu truyền dấm dúi trong đám thanh niên lúc bấy giờ như: Lan và Điệp, Vụ án thành Pari …

Tôi còn nhớ một đêm đói quá giữa khuya tôi lần mò xuống bếp tìm khoai ăn. Quê tôi có giống khoai nước, củ như khoai sọ, sau khi luộc chín chắt hết nước rồi vùi nồi vào đống tro, sáng hôm sau lấy ăn thì không gì tuyệt hơn. Bóc củ khoai chín nóng hổi vỏ đã se khô lại, thịt khoai màu vàng nghệ vừa dẻo, vừa bùi, vừa thơm cái anh khoai chiên trong món lẩu dê Sài Gòn mà tôi đã từng thưởng thức chả ăn thua gì, chỉ đáng hàng con cháu.

Đêm trăng suông, hắt thứ ánh sáng đùng đục, yếu ớt qua bậu cửa đủ để tôi tìm thấy nồi khoai vùi còn nóng trong đống tro. Bỗng tôi nghe phành phạch, nhè nhẹ của tiếng quạt mo từ cái chõng tre phát ra. Nhìn về hướng đó trai tim bé bỏng của tôi như nghẹn lại. Trong chiếc màn màu cháo lòng tôi nhận ra hình dáng chị không một mảnh vải trên thân.

Dường như đắn đo dằng xé ghê gớm lắm trong sự đấu tranh giữa lý trí và bản năng tiếng chị dại đi ngắt quãng:

- Làm … gì … khuya … thế em?

Tôi ngồi bất động, thở hổn hển không nói lên lời. Bóng đêm dấu đi khuôn mặt đỏ, nóng bỏng như củ khoai tôi cầm trên tay rồi luống cuống tôi để tuột rơi, tôi cũng chẳng muốn tìm và cơn đói cũng theo củ khoai “rơi” đâu mất, lúc này chả ai còn đủ tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện khác.

- Lại đây chị bảo, giọng chị chị khe khẽ.

Tôi run rẩy tiến dần về phía cái chõng tre nơi chị đang nằm, rồi len lén ngồi nơi mép chõng. Bỗng chị ngôi bật dậy, chị ôm lấy tôi dúi đầu tôi vào cặp ngực nóng hổi chắc nịch của mình. Tôi run lên từng chập như người sốt rét rừng rồi như người bị chứng nhồi máu cơ tim, tôi lả đi mộng mị chả còn biết gì nữa.

Từ đêm ấy trở đi tôi như trở thành một người khác, ngẩn ngơ như kẻ bị thần linh rút hết trí khôn, vật vã, phờ phạc … Linh cảm người mẹ mách bảo, mẹ tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó không ổn xảy ra đối với tôi và rồi một đêm bà theo rõi và phát hiện ra mối quan hệ cuả chúng tôi. Bà ngồi vật xuống bậu cửa khóc. Một lúc lâu tiếng khóc của bà tắt hẳn thay vào đó là tiếng guốc thập thõm gõ trên nền sân gạch như báo hiệu có người thứ ba biết chuyện của chúng tôi.

Sáng hôm sau mẹ tôi dậy sớm xuống bếp tìm chị thì chỉ còn lại chiếc quạt mo nằm trơ trọi trên chiếc chõng tre.

Từ đó cho tới bây giờ dân làng cũng như gia đình tôi không biết chị đi đâu, về đâu biệt vô tăm tích.

Mấy chục năm xa quê, vài năm một lần, thậm chí có khi cả chục năm tôi mới có dịp về quê, thăm lại chốn xưa. Vật đổi sao rời, quá khứ đau buồn của một thời đã trở thành dĩ vãng. Mẹ tôi đã mất từ lâu ,người làng chẳng còn ai nhớ, ai biết tới chị. Chỉ duy nhất có một người còn nhớ, người đó giờ cũng tha hương biền biệt nơi “đất khách” như chính cuộc đời chị vậy.

T/p Hồ Chí Minh – 10/2008

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2008

Nhật ký ông chồng 'đau khổ'

Ngày… tháng… năm…
Tiếng quét dọn rầm rầm và tiếng bát đũa loảng xoảng, trời, "mụ" ấy đã thức. Chẳng nhìn cũng biết mặt mụ đang sưng lên, vì đêm qua mình về khuya. Cơ khổ, mới chỉ vài chai với anh em. Thân xác này đã hiến hết cho vợ con. Ôi, sao tôi không đập đầu vào gối chết quách đi.
Vừa đánh răng vừa liếc ra bàn, mụ đã dọn xong món cơm rang khủng khiếp, cùng đĩa cải chua thừa tối qua. Đáng đời chưa? Không ăn thì đay nghiến: "Đêm qua đi với con nào?", mà ăn thì nước mắt trộn cơm. Làm người đã khổ, làm chồng còn khổ hơn. Hơ! Cái em rót bia quán "Tím" xinh ghê. Suỵt!

Ngày… tháng… năm…
Ngồi ở cơ quan mà cứ như trên đống lửa. Tối nay anh em lại réo, phải nghĩ ra cơ sự gì đây. Những lý do như hội thảo, thăm bạn và sinh nhật sếp mình đã bịa nhiều, xài nữa mụ nghi mất. A, phải rồi, đi bác sĩ, cớ này chưa áp dụng bao giờ.
"Alô, em à? Anh thấy đau đầu, chắc không sao, em nhỉ?... Phải khám à?... Kệ, khám làm gì… chết là cùng… Sao, anh không chủ quan, nhưng anh thích về nhà... Thôi, nhưng nếu em cương quyết thì anh đi, nhưng lão bác sĩ này ở xa lại đông khách, anh lại phải về khuya, đừng lo".
Xong, thoát. Ôi, thực ra mụ cũng dễ thương, chỉ có tội nói hơi nhiều và nấu đi nấu lại món thịt kho giả cầy và món gà rang mặn. Ơ, em sinh viên thực tập vừa mới lướt qua, chân dài quá! Trời ơi, tôi già rồi. Tôi chết mất.

Ngày… tháng… năm…
Mình dắt xe ra khỏi nhà như một lão ở đợ. Ghi-đông là cặp sách cho con, yên sau là túi quần áo đi sửa, đằng trước là hai bịch xà bông. Còn đâu hình ảnh chàng trai dũng mãnh, chuyên gia vi tính, người đàn ông hào hoa sáu năm trước. Thôi, hình tượng mình có lẽ đã chết hẳn rồi. Gia đình đúng là cối xay, nghiền tất cả thú vui tuổi trẻ thành món cháo bèo nhèo.
Hôm nay mụ biệt phái mình đi sửa bếp gas. Không ngày nào mụ không giao một "nhiệm vụ bất khả thi", mặc dù mình không phải là "Tôm-cờ-ru-dơ", còn mụ tất nhiên chẳng phải là "Ni-kon-kit-man". Hôm thì phải mua chai nước mắm năm ngàn (trong khi toàn quốc đều bán sáu), hôm thì phải mua ký thịt bò mà về cân được cân mốt. Thôi để tôi đụng xe cho bà vừa lòng.
Gặp thằng bạn ở đầu ngã tư, nó giúi cho tờ thiệp cưới. Thế là mình sắp toi hai trăm, còn nó sắp toi cả cuộc đời. Mình muốn cản nó, rồi lại cười gằn: "Em dại thì cho em chết, anh hơi sức nào mà lo".

Ngày… tháng… năm…
Gặp chai kem dưỡng da, tần ngần rồi quyết định mua cho mụ. Của đáng tội, chả mấy khi dám xài cho bản thân. Nhưng để cẩn thận mình phải bóc giá tiền đi và ""khai" rẻ hai chục ngàn mới an toàn tuyệt đối.
Hôm qua, có một em mới về phòng. Sao mà trẻ trung xinh xắn thế. Mình phải làm mặt "ngầu" cho oai, chứ trong lòng buồn bã quá, già rồi còn gì. À không, không già. Để tuần sau ta sẽ mời em đi ăn kem. Đúng đắn nhất thế giới. Ôi, cái kính của tôi đâu rồi?
Thằng bạn tặng hai vé xem biểu diễn thời trang. Tối nay đi coi với mụ. Phải nhớ đến phần áo tắm cần giữ bộ mặt cau có và dửng dưng. Nếu không thì lộ hết. Suỵt! Bên kia đường mới khai trương một thẩm mỹ viện, ra vào toàn loại nhiều mỡ ít nạc. Các bà ơi, tập làm gì, mát-xa làm gì. Cứ phóng xe, hò hét chồng con như mụ nhà tôi thì da thịt săn chắc ngay thôi.
Chủ nhật phải đưa mụ và con bé đi sở thú. Chả hiểu sao mụ lại thích thiên nga, con bé thích gấu, còn mình chỉ thích đười ươi. Có lẽ bởi nom nó có vẻ vô tư và khỏe mạnh. Ơ, em vừa đi qua mặc áo hai dây. Nếu mụ mà mặc thì khá hơn, bởi vai trắng và tròn.
Ôi đàn ông, ôi lũ chồng, đứng núi này trông núi nọ. Phó phòng vừa biếu chai rượu. Thử nhấp một ngụm xem. Khà! Ngon. Nhìn ảnh vợ con trên bàn, sao mà lung linh. Hình như mụ ấy đang cười.

ngày..tháng.. năm
Hôm nay mình nói với mụ:
- Em ơi anh thèm ăn phở quá
Mụ trả lời
- Ừ thì anh thích phở bao nhiêu cũng được
Mụ cũng dễ thương ghê đấy chứ
Nhưng....
- Nhưng cơm canh em đã nấu sẵn rồi, anh vào ăn với em 3 bát xong rồi tự nhiên.
Hic..hic..Ba bát cơm thì mình no căn bụng mất, sức mình chỉ hai bát thôi...Đành vậy, bỏ ý định ăn phở thôi

ngày..tháng.. năm...
(Duy Đông k9)

Hóm... hí!

Phái đoàn chị em hậu phương đi thăm các thương bệnh binh ở Quân y viện. Đến bên giường bệnh một chiến sĩ, một cô hỏi:
- Nhiệm vụ của anh là gì vậy?
- Giao liên.
- Vậy thì cho em hôn lên "đôi hài vạn dặm" của anh.
Nói xong, cô hôn lên bàn chân của anh lính. Rồi cô sang giường bên cạnh:
- Còn anh?
- Sĩ quan tham mưu.
- Ôi, cho em hôn "bộ tổng tham mưu" của anh!
Hôn lên trán chàng sĩ quan xong, bước sang giường kế tiếp cô nhẹ nhàng hỏi:
- Còn anh, hãy nói cho em biết anh thuộc binh chủng nào?
Cậu lính trẻ hoảng hốt, co đầu gối lên, lắp bắp:
- Em xin chị... em ở bên... pháo binh !!!!!
(Source: Duy Đông k9).

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

Vệ sinh... đúng chỗ

Sau năm 1975, các WC của các trường đại học chưa là các hố xí tự hoại như bây giờ. Đó chỉ là những hố xí xổm, vì vậy bác lao công phải rất vất vả mới dọn sạch được khu WC.
Vì các sinh viên hay đi vệ sinh bừa bãi chính vì thế bác lao công viết lên tường mấy câu thơ để nhắc nhở như sau:

Giải quyết đúng chỗ
Thả giấy vào bồ
Giật hát hai ô

Nhưng vẫn không được nên bác viết thêm hai câu nữa:
Thả cho đúng lỗ mới tài
Thả chưa đúng lỗ ấy tài còn non

Hôm sau thấy trên tường xuất hiện hai câu:
Còn non thì mặc còn non!
Ném trật vài hòn thì đã làm sao.

Bác lao công lại tiếp:
Làm sao là nghĩa thế nào!
Ném trật không vào là mất vệ sinh.

Rồi lại hai câu nữa:
Vệ sinh thì mặc vệ sinh!
Kĩ thuật trung bình chỉ có thế thôi.

Tức giận bác lao công viết:
Thế thôi thì hãy lên đồi
Giải quyết xong rồi thì hãy xuống đây.

Từ đó bác lao công không còn phải dọn dẹp khổ sở nữa:
Lên đồi nhớ tìm chỗ ngồi
Ngồi không đúng chỗ nó chồi vào mông.

(Duy Đông - cựu học viên k10 Học viện KTQS)

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI CA

Đào Duy

Nằm trằn trọc trên giường, bài hát “Những ánh sao đêm” của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong chương trình ca nhạc tối trên Tivi cứ mãi ám ảnh tôi.

Lời bài hát đụng chạm tới một kỷ niệm của tôi hơn bốn mươi năm về trước.

Năm 1962 lúc đó tôi học lớp hai. Lũ trẻ chúng tôi khi ấy mỗi một mùa trong năm chúng tôi đều có những trò chơi riêng, toàn những trò chơi dân dã mà giờ đây không còn, đã “tuyệt chủng” có chăng chỉ còn tra trong “sách đỏ” mới thấy.

Mùa đông, mùa của trò súng diêm, súng diêm là trò chơi có tính “công nghệ” hớp hồn tất cả lũ trẻ trong xóm chúng tôi.

Sau khi thập thò ở trại mộc cuối phố kiếm được tấm “phôi” gỗ 3x15x20 là tuyệt vời. Về nhà tìm một chiếc đinh to, đập bẹt một đầu để làm đục. Sau hai ba ngày kỳ cạch cuối cùng khẩu súng gỗ cũng được hình thành.

Chúng tôi mặc sức sáng tạo. Khẩu súng thằng bạn tôi làm giống y khẩu “Pạckhọoc” trong phim tàu. Nhưng chỉ những tay nào hào hoa, giàu trí tưởng tượng thì mới sáng tạo ra. Còn tôi, tôi cứ làm theo mẫu mã cổ điển đơn giản có đủ báng, nòng và một cái lỗ để cho “đầu van” vào sau khi ho sặc sụa và mắt cay xè vì lúi húi ở cái lò than dùi cho xong cái lỗ trong nòng súng.

Khâu quan trọng nhất của khẩu súng là cái “đầu van”. Về cái “đầu van” này mà có lần tôi xuýt bị một trận đòn tuốt xác nếu sự việc vỡ lở ra.

Hồi đó nhà tôi ở là một ngôi biệt thự được xây từ thời Pháp. Bộ tư lệnh quân khu phân cho bốn gia đình. Tầng trên có gia đình tôi và gia đình bác Tường ( Bác nguyên là đại tá chính ủy sư 320, 308 khi đánh Quảng trị năm 1972 sau đó bác được điều về làm phó tổng thanh tra quân đội. Bác mất 19/8/1981 )

Bác Tường ở một mình. Gia đình bác ở xa nên bác chỉ nhận một phòng lớn đủ ở khi có bác gái và con cháu thỉnh thoảng lên thăm. Còn lại gia đình tôi “chiếm hết”.

Tầng dưới là gia đình bác chính ủy và gia đình bác tư lệnh phó hậu cần quân khu.

Bác Tường coi tôi như con vì tôi cùng tuổi lít nhít như lũ con của bác. Có kẹo bánh ngon hay thứ gì lạ khi bác đi dự tiệc hay đi công tác về bác đều dành cho tôi nên tôi với bác “thân nhau” như hai người bạn vậy.

Một lần sang phòng bác chơi tôi thấy trên bàn của bác có một chiếc xăm sao vàng còn mới, có lẽ bác đem ra chuẩn bị thay vào chiếc xe đạp thống nhất của mình. Mắt tôi sáng rực lên khi nhìn thấy chiếc đầu van vàng óng cắm trên chiếc xăm xe. Tôi như kẻ đói năm Ất Dậu đứng trước tô cháo gà bốc khói nghi ngút. Trong đầu tôi “ ước gì mình có được chiếc đầu van kia? Khẩu súng đã hoàn tất chỉ còn thiếu mỗi mình nó!”.

Thế là chẳng nói chẳng rằng tôi chạy về nhà xách chiếc kéo cắt chỉ của mẹ len lén sang phòng bác rồi mắm môi mắm lợi cắt nghiến ngay cái đầu van phóng vội về nhà giấu xuống gậm giường rồi ở tịt nhà không sang phòng bác nữa.

Một lúc sau tôi thấy tiếng bác gọi ngoài cửa:

  • Duy ơi sang bác bảo!.

Biết không thể trốn được vì chỉ có mỗi mình tôi ở nhà. Tôi đành lủi thủi đi qua phòng bác coi như không có chuyện gì xảy ra.

Vừa sang tới nơi bác đã hỏi:

- Đang chơi với bác sao lại bỏ về? bác bận sửa chiếc xe đạp không có ai tiếp chuyện buồn hả?

Vòng vèo một hồi rồi bác hỏi:

- Cháu có cất hộ bác cái “đầu van” xe không?

Tôi lí nhí trả lời:

- Không ạ!

- Lạ nhỉ! Chỉ có hai bác cháu mà cái “đầu van” bị ai cắt mất? có lẽ trong khu nhà của chúng ta có kẻ trộm chăng? Cháu ngồi đây bác đi báo công an để các chú ấy điều tra, phen này thế nào các chú ấy cũng tìm ra thủ phạm, các chú ấy mà bắt được thì chỉ có nước tù mọt xương.

Bác còn “tra tấn” tôi thêm:

- Không khéo các chú ấy còn thông báo với nhà trường và bị đuổi học nữa.

Tôi sợ đến vãi tè ra quần, thế là tôi khóc toáng lên và tuồn tuột khai hết sự tình.

Bác lấy khăn lau nước mắt cho tôi và giảng giải một hồi về việc làm sai trái của mình rồi động viên tôi bằng mấy viên kẹo.

Thế là bác đành bỏ giở việc thay chiếc xăm xe mới, cẩn thận dựng lại chiếc xe vào góc phòng rồi nói với tôi: “ yên tâm bác sẽ không cho bố mẹ cháu biết chuyện này đâu”.

Bài học “sư phạm” ấy của bác đã theo tôi đi suốt cuộc đời. Sau này khi lớn lên có gia đình và có con tôi đã vận dụng những kiến thức ấy để giáo dục thằng con tôi.

Cũng những năm ấy tôi có thằng bạn thân học cùng lớp, tên nó là Đạt ngồi ngay sát bên tôi ở dãy bàn trên cùng. Bố Đạt làm nghề sửa chữa xe đạp, nhà Đạt ở gần trường. Hôm đó trong giờ học Đạt quay sang khoe với tôi. Hắn rút từ trong túi quần ra một cái bao diêm rồi cẩn thận mở ra, bên trong là cái gói giấy, tờ giấy gói được xé từ quyển sổ tay, trong lớp giấy là một chiếc “đầu van” Pháp mới cứng. Mắt nhìn chiếc “đầu van” trong miệng tôi nước bọt không biết ở đâu tuôn ra lắm thế.

Đối với Đạt chiếc “đầu van” thật đơn giản còn với tôi là cả một ước mơ lớn lao. Suốt trong giờ học đầu óc tôi chỉ vẩn vơ nghĩ tới chiếc “đầu van” và tự nhiên tôi nghĩ ra “trò”. Tôi nhẹ nhàng thò tay vào túi quần của hắn. Đạt không hề biết gì. “Khua khoắng” một hồi tôi bỗng thấy một vật gì mềm mềm cỡ bằng đầu ngón tay. Không phải! Cái đầu van cứng mà phải nằm trong bao diêm? Thế là tôi bỏ qua cái vật mềm mềm bằng đầu ngón tay ấy. Đây rồi! nó nằm đây! Đạt vẫn không hề hay biết. Tôi nhẹ nhàng lấy bao diêm ra, mục đích của tôi muốn dấu đi để trêu Đạt.

Thấy công việc trót lọt hoàn hảo quá mà thằng bạn không hề hay biết.

Thế là lòng tham và sự thèm muốn dâng tràn trong đầu óc thiển cận của tôi. Tôi không còn đủ ý chí để cưỡng lại cám dỗ vật chất nữa.

Giờ ra chơi tôi phóng một mạch về nhà và vội vã quay trở lại trường. Nhưng không kịp, 30 phút nghỉ giữa giờ không đủ thời gian cho tôi từ trường về nhà và quay trở lại lớp, khi tới các lớp đã vào tiết học mới.

Vừa tới gần cửa lớp tôi đã nghe thấy tiếng khóc thảm thiết từ trong vọng ra. Tiếng khóc nghèn nghẹt bởi nước mắt, nước mũi tràn ứ trong cuống họng. Giọng Đạt méo xẹo: “Cô ơi! Em bị mất cái đầu van Pháp rồi! chỉ có nó thôi! em chỉ cho một mình nó biết! hu hu u u…”

- Thưa cô em vào muộn!

Cả lớp dồn hết ánh mắt nghi ngờ về phía cửa lớp nơi tôi đang đứng. Lúc này giọng Đạt lại ùng ục vống lên: “Trả tao cái đầu van! Cô ơi! Chỉ có nó! Hu hu u u …”

- Duy em đi đâu bây giờ mới vào?

Ngập ngừng một lúc tôi mới cất được lên lời:

- Dạ thưa cô … thưa cô … em bị đau bụng nên giờ ra chơi tranh thủ về nhà giải quyết .

Không hiểu sao tôi lại trơn tru trả lời cô không một chút ngượng ngập như thế?

Chuyện đau bụng của tôi đã có “tiền sử”, nên tôi đem ra làm vũ khí để hù dọa cô, dọa luôn cả lũ bạn trong lớp chăng?

Số là thế này: Có một lần tôi bị đau bụng, chả biết giờ ra chơi tôi ăn phải cái quái gì? Thịt bò khô hay ốc mút hay táo dầm, khế dầm … hay gì gì chẳng biết nữa của ông già người tầu bán ở đầu chợ “Baty” ngay sát cổng trường mà khi vào lớp tôi bị đau bụng ghê gớm.

Đáng lẽ ra thì tôi cũng cố nhịn được cho tới lúc tan trường. Nhưng khổ cho tôi, tôi lại ngồi ngay bàn đầu, xúi quẩy hôm ấy lại vớ phải mấy đứa trực nhật chết tiệt “lười” không chịu giặt giẻ lau bảng. Khi cô xóa bảng bụi phấn bay mù mịt. Tôi lại có tật viêm mũi dị ứng nên tôi nhảy mũi, hắt xì hơi liên tục.

Thế có chết không! các bác tính đau bụng đi cầu mà hắt xì hơi thì coi như “hết thuốc”. Thế là bao nhiêu sản phẩm “đầu tôm và xương cá” tôi cho ra bằng hết. Nửa lớp phía trên bọn bạn dạt hết về phía sau, đứa thì bịt mũi, đứa thì vơ vội lấy tập vở che lên miệng. Đến độ cô giáo cũng phải vọt ra ngoài cửa lớp tay cầm tập giáo án quạt lia lịa. Thế là cô buộc phải cho tôi về và cứ thế sản phẩm theo ống quần rơi xuống đường theo tôi tới tận nhà.

Có lẽ do ám ảnh bởi “tỳ vết” cũ của tôi nên sau khi vãn hồi trật tự cô tuyên bố sự việc sau giờ học sẽ giải quyết. Rồi lớp học lại đâu vào đấy cho tới hết buổi.

Khi ra về tôi và Đạt lại chuyện trò bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Đạt còn nói với tôi “tao còn mấy cái đầu van nữa, cái đó chưa tốt, mai tao cho mày xem chiếc khác còn oách hơn nhiều”.

Sau giờ học cô giáo chắc cũng vội về đón con nên cũng chả thiết gì tới việc giải quyết vụ việc lặt vặt con trẻ. Bọn bạn trong lớp cũng cuống cuồng vì bố mẹ đang chờ trước cổng trường. Sự việc của tôi trôi về quá khứ chả còn ai nhắc tới nữa.

Yêu biết bao tuổi thơ, tuổi của tình cảm bộc phát dễ quên và cũng dễ bỏ qua, chả bao giờ để bụng, chả thù dai hay ghen ghét tị hiềm ai, vô tư khoáng đạt những tình cảm đó thật đẹp và hồn nhiên biết bao. Khi lớn lên tôi chỉ thấy tiếc. Sao người lớn chúng ta không còn giữ được sự hồn nhiên, vô tư như thế!!!

Ngay chiều hôm đó về đến nhà tôi vội chui vào gậm giường lôi chiếc bao diêm có cái đâu van ra để lắp vào súng. Chiếc đầu van được bọc trong tờ giấy xé từ cuốn sổ tay phủ kín chữ còn nguyên màu mực tím. Khi tôi vuốt thẳng tờ giấy ra thì thật ngạc nhiên, các bác có biết gì không? Đó là lời của bài hát “những ánh sao đêm” mà đài phát thanh mới phổ biến trong phần học hát chiều chủ nhật.

Mấy bà chị trong khu tôi như vớ được vàng. Không hiểu sao chiều chủ nhật trong phần phổ biến ca khúc mới lại chả “bà” nào chịu tham gia. Mấy ngày sau nghe lại bài ca thấy hay quá nên tiếc hùi hụi.

Vớ được lời bài ca tôi đưa mấy “mẹ” chổng mông lên hí húi chép vào sổ tay rồi nghêu ngao như nhà có đám.

Sổ tay của các “mẹ” ấy ghi linh ta, linh tinh. Có lần tôi đọc trộm mà chả hiểu gì. Từ nhật ký tới lưu bút và bài hát thậm chí cả “lịch” nữa: “ Hôm nay thứ bảy: bạn gặp niềm vui. Thứ hai: cẩn thận! bạn trai trong lớp đang để ý bạn … Thứ năm: buồn vô cớ …” Toàn là những câu vớ vẩn.

Khi tôi hỏi thì các “mẹ” ấy giải thích “chuyện của người lớn, của đàn bà con gái, trẻ con không được biết”.

Mà cũng lạ hồi đó “mẹ” nào trong khu tôi cũng có một cuốn sổ tay như thế, nó như phong trào vậy giờ nghĩ lại mới biết các “mẹ” ngày xưa lãng mạn thật.

Còn với Đạt sáng hôm sau gặp nhau ở lớp hắn than vãn với tôi.

Hôm qua đi học về tao bị bà chị quật cho một trận vì tội “ẩu” dám xé sổ tay của bà ấy mà lại nhằm đúng cái tờ bài hát “những ánh sao đêm” bà ấy mới chép chưa kịp thuộc. Tao ra sức cãi, nhưng cái lý cứ đuối dần. Vì có lần tao bị bà ấy bắt quả tang xé giấy khen của bà ấy làm giấy đi cầu. Sáng hôm sau bà ấy phát hiện vứt trong sọt đựng giấy ở “toalet”. Tao bị “bà ấy” mách bà già tao, rồi bà già tao lại đi mách với ông già tao – hắn dài dòng. Thế là ông già giã cho một trận “thừa sống thiếu chết” nên tao đành phải thừa nhận

Tôi quay đi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt “đau khổ” của thằng bạn, lòng đầy ân hận. Trên đời này lắm cái oái oăm, nhiều khi niềm vui của thằng này lại là nỗi khổ của thằng khác. Tôi cứ day dứt.

Sau này nghe nói khi lớn lên Đạt đi bộ đội và “hy sinh tại chiến trường phía nam” theo như thông báo hết sức “vô trách nhiệm” của cơ quan chính sách.

Hòa bình, gia đình Đạt nhiều năm ngược xuôi Nam Bắc, lặn lội “thầy bà” mà chả tìm thấy xác.

Mỗi khi nghe ca khúc “Những ánh sao đêm” tôi lại nhớ tới Đạt, nhớ tới sự “ly kỳ” của lời một bài ca đối với riêng tôi. Tôi lẩm bẩm lời bài hát trên giường và miên man nỗi nhớ… nhớ thằng bạn tuổi ấu thơ giờ không biết “lăn lóc” nơi đâu?

T/p Hồ Chí Minh ngày thương binh liệt sỹ-27/7/08


Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

Chuỵên của những người lính Thành cổ

Ngày giỗ bạn
Doanh là bạn học cùng trang lứa Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kháng Mỹ. Tốt nghiệp, bạn vào học khóa 15 Cơ khí Bách khoa rồi nhập ngũ ngày 6/9/1971. Lẽ ra chưa phải đi đợt này vì bố mẹ đang tại ngũ, nhưng lúc “nước sôi lửa bỏng” thì mẹ nào ngăn con. Doanh cùng các bạn sinh viên tăng cường cho Sư đoàn 325 của Tư lệnh Lê Kích và Chính uỷ Nguyễn Công Trang, chi viện ngay cho Quảng Trị. 81 ngày đêm kiên gan bám giữ Thành cổ và đúng ngày cuối cùng, 16/9/1972, Doanh đã anh dũng hy sinh. Vậy bạn đi đã 36 năm, ngày ấy mới vừa 19!
Từng đến dự đám giỗ của nhiều LS nhưng đây là lần đầu thắp hương cho Doanh. Mẹ Doanh, bà Lê Mai, làm sớm 1 ngày để con cháu về đông đủ. Căn hộ trong khu tập thể Viện 108 hôm nay xanh rờn màu áo lính. Ngồi cạnh mẹ là anh em lính Trỗi: Thế Vinh, Tuấn Kiệt, Công Chính, Việt Dũng… góc kia là bạn cùng sư đoàn: Lê Bình (cựu sinh viên Thủy lợi), Lê Xuân Tường (Xây dựng), Nguyễn Đức Minh (Bách khoa), Lê Minh (Tổng hợp)... Mẹ cứ tiếc: “Hôm nay vắng thằng Dũng (giáo viên Bách khoa) và thằng Toàn (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hưng Yên), chứ giỗ Doanh năm nào cũng có”.
Cùng thắp những nén nhang cho Doanh. Trên ban thờ cạnh bằng “Tổ quốc ghi công” là kỷ niệm chương “Bảo vệ thị xã – Thành cổ Quảng Trị 1972” và “35 năm CCB sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Khói nhang cay sè. Chuyện qua lại mới biết tình cờ mà Tường “cận” tìm được gia đình Doanh. Chả cùng làm việc với Hải rồi anh em tâm sự mới biết Hải là em dâu của bạn cùng sư đoàn. Từ đó, Tường báo tin cho đồng đội ở E95 và năm nào giỗ Doanh anh em lính E95, F325 thời Quảng Trị cũng kéo đến chật nhà. Anh em gọi bà Lê Mai là “mẹ của trung đoàn”.
Râm ran chuyện chiến đấu, chuyện “Mùa hè đỏ lửa”… Trận mạc ác liệt, Lê Bình chỉ gặp Doanh 1 lần khi đi lấy gạo. Còn Tường thì nhớ lại: “Bố Doanh là bạn chiến đấu với Trung đoàn trưởng Lý Long Quân nên xin phép cho Doanh vào sau. Đầu tháng 7/1972, E95 vào Thành cổ thì tháng sau Doanh mới có mặt. Những ngày cuối, bom đạn càng ác liệt, anh em hy sinh nhiều. Tối tối đổi quân ở bờ sông Thạch Hãn mà cánh rút ra lần nào cũng ít hơn cánh vào Thành. Chiến đấu ác liệt, rồi E95 chỉ giữ được mỏm sông bờ nam cuối cùng. Đêm 16/9, được lệnh rút thì Doanh hy sinh khi vượt sông Thạch Hãn. Chuyện này Toàn nắm khá kĩ, tôi cho ông máy để liên lạc”.
Hàng chục năm trôi qua sau nhiều lần kì công tìm kiếm nhưng chả còn hy vọng tìm được hài cốt Doanh, mẹ Mai lấy về bọc đất đúng ở bờ nam sông Thạch Hãn nơi con hy sinh, coi đó là hài cốt rồi làm thủ tục đưa vào NTLS phường Đình Công, Thanh Trì, Hà Nội. Hôm đón Doanh về, mẹ lấy cái áo bông Doanh mặc hồi thiếu sinh quân hoá cho bạn. Tuấn Kiệt rân rấn nước mắt vừa đốt vừa kể: “Thời ở trường, 2 thằng đã mặc chung cái áo này…”.

Chuyện của nhân chứng sống
Có số máy của CCB Toàn, tôi nhấn số: “Xin phép nói chuyện với anh Toàn, Sư 325!”. “Vâng, tôi Toàn đây!”, rồi anh bắt đầu…
“Trịnh Thúc Doanh vào sau trong đợt đổi quân và được phân về cùng hầm với tôi và Phú. Doanh hiền lành, trẻ măng; tôi còn nhớ, mặt có ít tàn nhang. Doanh kể gia cảnh có bố đang làm việc tại Viện quân y 108... Ngày ấy ác liệt, đạn pháo, đạn đại liên từ máy bay L19 bắn rát 24/24 không ngóc đầu khỏi hầm. Thậm chí mót tiểu cứ đái ra tay rồi hất ra ngoài. Mưa nhiều, hầm ngập toàn bùn trộn lẫn máu nên hôi hám. Lúc vào Thành cổ, Doanh mang theo hộp sữa đặc (chắc của mẹ gói cho trước khi đi). Đói quá, mấy tên lấy thông nòng AK khui hộp rồi thay nhau tu. Sữa quá đặc nên khát nước, cứ thế vục nước sông mà uống. Vậy là cả bọn đau bụng đi ngoài, có đứa khó chịu đánh rắm ra cả quần(!).
Anh em E95 kiên cường giữ được mỏm cuối cùng phía bờ sông, 3 phía còn lại quân địch dần thít chặt vòng vây. Đêm 16/9 được lệnh rút, anh em từng tốp lao ra phía bờ sông. Lúc đó đã muộn. Trời tối đen. Trong nhóm, Doanh chạy trước, tôi và Phú chạy sau. Tới sát bờ thấy Doanh đã nhảy tòm xuống sông. Thật bất ngờ lúc ấy có quả đạn pháo bắn đúng vào chỗ Doanh vừa xuống. Nghe nổ, theo bản năng chúng tôi lăn mấy vòng, khi thấy yên mới nhảy xuống tìm. Hai đứa chỉ dám gọi khe khẽ “Doanh ơi!” vì địch ngay sát. Quờ quạng bơi quanh bờ mà chả thấy. Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, không còn thời gian, 2 thằng phải bơi vội sang sông. Thật may khi qua sông không bị quả đạn pháo nào. Sang đến nơi mới thấy pháo sáng rực trời. Cả ngày hôm sau tôi nằm trong hầm ngập nước ở Nhan Biều ngủ li bì. Có lẽ Doanh trúng đạn rồi bị cuốn trôi theo dòng. Khi ấy đang là mùa nước…”.
Trong tôi chợt văng vẳng câu thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”.

Bức phù điêu “Lửa luỹ thành”
Tường “cận” là tay hay chuyện và nhớ nhiều. Sau khi rút khỏi Thành cổ, đơn vị về đóng ở Cửa Việt. Tháng 3/1973 ngừng bắn, Tường lang thang mấy chục cây số đi tìm bạn. Một lần tới C trinh sát F325, Tường gặp Quách Ngọc Lâm (sinh viên Đại học Mỹ thuật, cùng là lính trinh sát với Lê Minh) đang kì cụi gõ, đục vào mảnh đuya-ra cưa từ tấm ghi làm đường băng sân bay dã chiến. Thấy lạ, Tường hỏi:
- Cậu làm gì vậy?
- Đang làm phù điêu “Lửa luỹ thành”.
Nói rồi Lâm cho Tường xem bức phác thảo gắn trên vách hầm. “Tôi ấn tượng thực sự tới hàng chục năm sau. Phác thảo với 2 màu chủ đạo: đỏ rực và da cam”, Tường nói. Ở trung tâm là hình ảnh 3 chiến sĩ quần áo nhầu nát, máu me bê bết; người thì quấn băng trên đầu, người bị thương đang được bạn cõng trên lưng. Nhưng trong tay họ người đang nắm chắc quả lựu đạn chày, người đang dương B40 lên ngắm. Ba anh em tựa vai nhau, lưng dựa vào bờ tường Thành cổ. Bức tường nham nhở vết đạn nhưng rõ từng viên gạch. Lâm diễn giải: “Quân địch mạnh hơn đang bao vây, hòng tiêu diệt những chiến sĩ trẻ. (Tuy không thể hiện hình ảnh kẻ địch, nhưng nhìn nét mặt đằng đằng sát khí của những người lính sẽ thấy). Mắt các chiến sĩ ngời lên ánh lửa, họ sẵn sàng đánh trả. Quanh bờ tường có những đống lửa. Phía sau, bầu trời cũng bừng lên màu lửa…”.
Tường tâm sự: “Thật lạ thiếu thốn, gian khổ như thế mà Lâm kiếm đâu ra cả mầu nước! Lạ hơn giữa cái sống cái chết gần nhau trong gang tấc không làm mất đi sự sáng tạo nghệ thuật! Rồi Lâm tặng phù điều này cho Hồ Tú Bảo, lính trinh sát, nay là giáo sư, tiến sĩ đang làm việc ở Nhật.
Ngày ấy, F325 được gọi là Sư đoàn Ái Tử, E95 gọi là Thành Quảng, còn E101 là Triệu Phong... Sau này cánh CCB sinh viên F325 về thăm và tặng Bộ chỉ huy quân sự huyện Triệu Phong, đơn vị đóng ngay sân bay Ái Tử, bức phù điêu bằng đồng, kích thước 60cm; nhưng có đưa thêm hình tượng o du lích đang cầm khẩu AK”.
Thầm nghĩ, giá có nhà tài trợ cùng nhà điêu khắc nào thực hiện được ý tưởng đưa bức phù điêu ra 1 vị trí ở Thành cổ thì chắc chắn sẽ là biểu tượng cho CCB sinh viên Hà Nội trong những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thân yêu! Lúc chia tay, Tường còn nói: “Ngày mai là ngày nhiều bạn hy sinh…”.

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

NGUYỄN SƠN TƯỚNG VĂN NGHỆ

Ngày 1/10 năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy. Với vị tướng này mỗi người có một tình cảm ở một góc độ khác nhau. Riêng tôi được gần gũi với Tướng Trần Độ nên ghi nhận nhiều chuyện thú vị về Nguyễn Sơn - vị tướng thuở khai quốc công thần.
(Kiến Quốc ghi)

Lần đầu gặp Nguyễn Sơn
Khoảng đầu năm 1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi ông Trần Độ lên giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu về “Công tác chính trị trong quân đội”. Từ bé đến giờ có bao giờ được nghe nói về “Công tác chính trị”, nay nhận nhiệm vụ này, ông hết sức ngỡ ngàng. Ông Giáp đưa cho 2 cuốn sách chữ Hán: “Công tác chính trị trong đại đội” và “Công tác chính trị viên đại đội” của Bát Lộ quân Trung Quốc (mỗi cuốn 20-30 trang) để nghiên cứu. Ông Độ cho người dịch, in và cấp ngay cho các đơn vị.
Thời gian này, Nguyễn Sơn mới từ Trung Quốc về. Một lần, ông Sơn đến thăm thì được ông Độ mang sách ra khoe: “Tôi vừa cho in xong 2 cuốn sách viết về Công tác chính trị trong quân đội Trung Quốc. Anh xem giùm!”. Cầm 2 cuốn sách lên tay, ông Sơn cười: “Đây là tài liệu dùng cho cấp chiến thuật. Cũng rất cần cho bộ đội, nhất là khi chưa có tài liệu huấn luyện. Ngày ở bên ấy, tớ từng chỉ huy cấp chiến lược, cỡ tập đoàn quân. Lúc mình cưỡi ngựa thì mấy tay viết cuốn sách này, có khi, chỉ là lính chạy bộ…”. Trước một vị đàn anh từng trải và đầy tài năng trong đầu người cán bộ trẻ từ đấy nảy nở tình cảm quý mến, trân trọng.

Nguyễn Sơn ở Khu Bốn
Quãng năm 1947, theo phân công của Cục Chính trị, Trần Độ đưa một số văn nghệ sĩ đi thực tế. Đợt này có các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, các họa sĩ Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên… Biết tiếng Tư lệnh Khu Bốn là người hiểu biết văn hóa, văn nghệ, nên các văn nghệ sĩ đề nghị cho gặp mặt đàm đạo. Ông Độ mang giấy giới thiệu đến liên hệ và được ông Sơn đồng ý. Ông Sơn rất vui khi gặp lại nhà văn Nguyễn Công Hoan, vốn là bạn học từ ngày còn ở trường Sư phạm Hà Nội. Thấy ông Độ ngồi nán lại, ông Sơn ngạc nhiên:
- Cậu còn ngồi lại đây làm gì?
- Tôi muốn được nghe các anh nói chuyện. – Trần Độ trả lời.
- Cậu thì biết quái gì về văn hóa, văn nghệ mà đòi ở lại nghe?
- Thấy các anh nói chuyện hay quá, cho tôi nghe để còn học tập.
Được sự đồng ý, ông Độ ở lại và lập tức bị cuốn vào những câu chuyện đầy hấp dẫn của các bậc trưởng lão tài ba, từ văn thơ đến hội họa, từ tác phẩm này đến nhân vật kia, từ Gô-gôn, Sếch-xpia, đến Lê-ô-na Da Vin-xi, cả Truyện Kiều, rồi sang cả lĩnh vực chèo, tuồng…
Cũng dịp này, Khu Bốn tổ chức “Đại hội tập” (sau này gọi là hội thao) mà Nguyễn Sơn là người đầu tiên đưa loại hình huấn luyện này áp dụng trong quân đội. Ông Sơn tỏ ra rất tỉ mỉ, nắm vững cách tổ chức và chủ động điều hành, xử lý các tình huống (kể cả phòng chống máy bay địch…).
Các buổi tối thường tổ chức văn nghệ. Các đơn vị tập các tiết mục rồi đăng kí biểu diễn. Vì không chuyên nghiệp nên mỗi lúc chuyển lang lớp phải mất thời gian bố trí lại phông màn. Thấy sân khấu trống, ông Sơn liền lên nói chuyện. Xuất khẩu thành thơ, ông thao thao về cuộc kháng chiến trường kì, về văn hóa văn nghệ… Thỉnh thoảng quay lại giở phông lên xem, thấy chưa chuẩn bị xong, ông quay xuống: “Vẫn chưa xong, xin ban tổ chức cho nói tiếp!”. Kết thúc đêm văn nghệ, trên đường về cùng chị chủ nhà, ông Độ hỏi:
- Chị xem văn nghệ có thấy hay không?
- Hay quá, bác ạ!
- Thế tiết mục nào hay nhất?
- Tiết mục ông Sơn nói chuyện.

Lần gặp cuối cùng
… Năm 1950, Thiếu tướng Nguyễn Sơn trở về Trung Quốc nhận nhiệm vụ mới. Cũng dịp này ông Trần Độ nhận lệnh đưa một trung đoàn của đại đoàn 312 sang Quảng Tây huấn luyện và nhận vũ khí. Khi đến cửa khẩu Cao Bằng, lại gặp ông Sơn. Mừng quá! Từ biên giới, đoàn được đón tiếp rất nồng hậu. (Sau mới biết Tư lệnh quân khu là bằng hữu với ông Sơn). Ông Sơn gọi ông Độ lên ngồi cùng xe Jeep về tận Nam Ninh. Dọc đường ông Độ lo lắng: “Tôi không biết tiếng Hoa, anh kiếm giúp cho một phiên dịch!”. Vừa nghe, Nguyễn Sơn nói ngay: “Khỏi phải kiếm đâu xa, để tớ phiên dịch cho”.
Tại Bộ tư lệnh quân khu, trước khi vào họp, ông Sơn hỏi cần những gì. Ông Độ trình bày những vấn đề chính cần bạn giúp đỡ. Vào cuộc họp, thấy Tướng Sơn nói một thôi một hồi. Lúc sau, ông Sơn quay lại bảo có mấy việc thế này, ghi lại rồi cứ thế mà triển khai.
Khi chia tay ông Sơn đi Bắc Kinh, ông Trần Độ hỏi:
- Anh sẽ làm gì khi về Trung Quốc?
- Có nhiều việc, nhưng nhất định tớ sẽ xây dựng một đoàn kinh kịch và đi biểu diễn khắp thế giới. Ngày ở bên đó, mình đã cùng anh em tổ chức những đêm biểu diễn ở Căn cứ Diên An. Kinh kịch của họ hay lắm!
- Vâng, anh nhớ về Việt Nam biểu diễn!
Ông Sơn tư lự… Không ngờ đây là lần cuối được gần vị tướng mà Trần Độ hết sức hâm mộ. Năm 1956, Tướng Sơn bị ốm. Tháng 10 năm ấy, ông về nước và ít ngày sau thì ra đi.

Ảnh tư liệu gia đình:
Ban chỉ huy Khu Bốn năm 1948. (Từ trái qua: Chính uỷ Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Nguyễn Sơn và Khu phó kiêm Tham mưu trưởng Đào Chính Nam).

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

NGHỀ NGHIỆP Ở XỨ TA

Cuộc sống thay đổi có những nghề truyền thống trong dân gian được lưu truyền sáng tạo và người đời gìn giữ mãi. Như nghề mộc, nghề gốm, nghề sơn mài, nghề thợ may, nghề làm bún, nghề làm giò chả, thậm chí cả nghề cô đầu, nghề tẩm quất…Có những nghề mai một dần theo năm tháng như nghề vẽ truyền thần, nghề làm guốc mộc, nghề làm mắm rươi, mắm cáy ( vì rươi, cáy ngày dần tuyệt chủng)… có những nghề phát sinh theo từng thời kỳ và cũng chết khi giai đoạn lịch sử đó chấm hết như nghề nhuộm răng đen đầu thế kỷ, nghề chạy xe tay, nghề bơm bút bi, nghề hàn dép nhựa, nghề khắc bút máy, nghề làm và sửa chữa dép cao su …
Thời bao cấp đói kém ở miền bắc phát sinh ra cái nghề bơm bút bi, nghề hàn dép nhựa. Ngày ấy ra đường thấy tay nào túi ngực nhòe nhoẹt xanh đỏ là biết ngay tay ấy không giáo sư, trí thức thì chí ít cũng gánh sinh viên, học sinh. Bút bi có thể bơm dùng nhiều lần cho tới khi hở “bạc” mới thôi, bút đã hở “bạc” rồi thì chỉ có vứt, vì nếu không túi thầy, túi cô … có tài thánh cũng không thể giặt sạch được loại mực tự chế của cái anh bút bi này. Đầu những năm 1960 tôi có ông anh đem từ Đức về cái bút bi nhìn thấy “khiếp”, mấy chú trong khu tập thể có hiểu biết còn gọi nó là bút “nguyên tử”.
Nghề hàn dép nhựa, đôi dép “khéo đi” có thể xài được vài năm, đứt quai hả?hàn! lại tốt Mòn đế hả?hàn! kéo lê thêm được dăm bảy tháng. Mà đồ nghề tác nghiệp của mấy bác thợ này có quái gì đâu ngoài lưỡi dao cùn, cái bếp dầu và dăm ba miếng nhựa phế thải.Có những đôi dép nguyên thủy màu trắng như dép tiền phong ( của này hiếm dân sổ A, sổ B mới có tiêu chuẩn, ngoài ra phải lùng ngoài chợ đen ) khi thanh lý bán ve chai thì hình hài của nó chỗ nâu, chỗ vàng vì được hàn bằng nhiều nguyên liệu khác nhau trông vui mắt. Bà ve chai dứt khoát đánh giá đôi dép cũ tôi bán là hàng nhựa tái sinh nên đòi giảm giá còn tôi thì ngược lại vì đôi dép của tôi nguyên thủy là nhựa tiền phong cơ mà. Nhưng rồi lý lẽ thuộc về kẻ nắm “khìn” trong túi nên tôi đành hập hực cầm đôi ba hào tiền lẻ bà ve chai hào phóng dúi cho. Dép làm bằng nhựa tái sinh mùa đông cứng như guốc gỗ đi thì kêu lộp cà lộp cộp còn quai thì cứng quèo cứa vào chân như lưỡi dao cùn của lão thợ cạo ngoài phố đau điếng nhưng vẫn thấy oai vì dù sao cũng thuộc đẳng cấp khác, có dép nhựa đi.
Nghề sửa và bán dép cao su, tôi dám chắc không 100% thì cũng 99% trong túi quần sau của cánh lính ta bao giờ cũng có một cái rút dép làm bằng sắt lấy từ đai kiện hàng. Vì thời anh em ta đa số chỉ thuần chủng đôi dép cao su bạn đường. Tôi nhớ có một lần học ở ĐHKTQS trốn về HN nhân chiều thứ bảy, lính binh nhì, binh nhất thì làm quái gì có tiền nên bọn tôi phải “lụi” vé nhảy tầu. Thường tôi hay “tiếp đất” ở ga đầu cầu cho chắc ăn vì đoạn này mới qua cầu Long Biên nên tàu chạy chậm. Lần ấy không hiểu sao qua cầu rồi mà tốc độ tàu chạy lại cao hơn thường lệ. Kệ! tôi quyết định nhảy. Hai mắt dáo giác quan sát phía trước. Tôi buông người chạy đà theo hướng tàu chạy, nhưng tốc độ tàu và đà chạy của tôi không đồng bộ thế là chân nọ đá chân kia tôi ngã quay đơ, lăn long lóc như cái bao tải hàng trên sân ga vắng ( tàu không đỗ ga này ) trong ánh sáng vàng vàng èo uột của một vài ngọn đèn trên sân ga Long Biên trong một chiều đông chạng vạng. Nằm cong queo dưới đất định thần nghe ngóng “cơ quan đoàn thể” xem có chỗ nào bị “sứt mẻ” gì không, bỗng tôi thấy tiếng bước chân thình thịch chạy về phía tôi. Bỏ mẹ rồi! nhảy tàu trốn vé chứng cứ pháp lý lù lù ra đấy có mà cãi “giời”, bị phạt là may không khéo còn bị làm mồi cho lũ muỗi đói ở “bót” Hàng Đậu đêm nay cũng nên, tôi nghĩ trong đầu và nằm im giả như bị thương nặng lắm hy vọng nỗi thương cảm lay động trái tim tay nhân viên kiểm vé nào đó đang chạy lại phía tôi kia. Khi tới sát bên tôi hắn cúi xuống nhìn rồi như chưa thật tin vào mắt mình hắn còn đá đá vào mông tôi mấy cái đau điếng như kiểm tra xem nó là cái giống gì rồi hắn vội vã quay đi miệng làu bàu chửi: “ Mẹ nó chứ!, không khéo bao hàng trốn thuế của mình thuế vụ nó thu bố nó rồi cũng nên, thằng cha bộ đội chết tiệt làm mình tưởng bao đồ của bạn hàng vứt xuống mất hết cả thời gian”.
Nhẹ cả người nhưng vừa bực, vừa tức, vừa cám cảnh cho cái tình người thời “đói kém”. Cũng may người ngợm chẳng hề hấn gì chỉ toạc tý đầu gối quần tôi lồm cồm vừa phủi quần áo vừa đứng dậy.
Quái! Lại văng mẹ nó đi đâu mất toi chiếc dép cao su tầu vừa được phát quân trang đợt vừa rồi? Đôi dép mà tôi nâng niu gìn giữ còn hơn giữ “mả tổ”. Ở mũi hai chiếc dép tôi đã cẩn thận dùng dao khoét một miếng để đánh dấu cho khỏi lộn với dép của những thằng khác trong phòng. Tiếc ngẩn ngơ, tôi lần mò tìm hết đoạn đường ke xem có rơi đâu không, gần hai chục phút công toi. Thế là tôi thất thểu chân dép, chân không đi bộ xuống phía đầu cầu. Đang đi tự dưng tôi thấy cồm cộm nơi bắp vế, dừng lại kéo ống quần lên xem sao, thật kinh ngạc, các bác có biết gì không? tôi thấy chiếc dép cao su mà tôi tưởng đã mất chả hiểu sao lại tuột lên tới tận bắp vế nó ôm chặt lấy bắp chân tôi như con Koala (gấu túi) ở xứ Úc châu ôm chặt lấy thân cây bạch đàn. Mừng như vớ được vàng, chả hiểu lý cú ra làm sao? Mãi sau này tôi mới biết nguyên do. Số là tôi bị chứng phong thấp, hay đổ mồ hôi chân nên giầy dép tôi đi lúc nào cũng ướt nhẹp nhất là vào mùa hanh khô cộng với tính lười cố hữu, mùa đông có khi cả tuần tôi mới rửa chân một lần mồ hôi cộng với bụi ghét ở chân tạo ra một dung dịch nhờn nhờn, dinh dính và cực trơn, tôi thề! nó còn trơn hơn cả loại dầu nhớt mà hãng BP hay quảng cáo trên tivi. Khi ngã bị vướng thế quái nào mà chiếc dép lại trượt lên tới tận “trển” chả trách tôi không phát hiện ra. Nói các bác đừng cười đi dép còn đỡ chứ tôi mà đi giầy ngủ trưa tháo chân ra trong phòng chật nhét tới tám thằng thì cứ gọi là cóc chết phải lạy bằng cụ, bọn bạn tôi nó chửi tôi như hát hay vì cái tội chân thối tra tấn lỗ mũi chúng nó.
Dông dài một tí với các bác về một kỷ niệm của tôi với đôi dép cao su vì nó liên quan tới nghề dép.
Khi còn bé trên đường đi học về tôi có thể lang thang nhiều giờ liền bên các giá vẽ truyền thần trên con phố bên cạnh nhà hát “nhớn” ( Hải Phòng ) ( Chắc bác Phúc Chiến còn lạ quái gì mấy cửa hiệu này) để ngắm tài của các bác thợ. Tranh truyền thần chủ yếu khách hàng muốn giữ lại những hình ảnh của các bậc sinh thành trưởng lão đã quá cố để trên bàn thờ khi giỗ chạp cho con cháu biết hình hài khi nhớ về ông bà tổ tiên mình. hoặc một vài bức hình đẹp quá vãng của một thời trai trẻ muốn phóng to để nơi phòng khách. Ngày ấy không có phương tiện gì, tất thẩy phải nhờ đến truyền thần. Truyền thần có cái hay rất bền theo năm tháng và tha hồ “sáng tạo”, ở xứ ta độ ẩm lớn ảnh xử lý bằng hóa chất sau thời gian sẽ bị mốc ẩm băng hoại nhưng truyền thần thì không. Thời Pháp thỉnh thoảng có những bức ảnh lụa trên dưới bảy mươi năm mà nước ảnh vẫn sáng, lạ thật! không lẽ công nghệ ngày xưa tốt hơn?
Bố vợ tôi ngày còn họcThăng Long trọ hoc trên căn ghác xép cùng với họa sỹ Tô Ngọc Vân, ông già vợ học được nghề vẽ của danh họa này. Vào những năm cuối thập kỷ sáu mươi đầu bảy mươi cụ mở tiệm chuyên vẽ truyền thần, nhờ có năng khiếu, lại có chút ít cơ bản về nghề cộng với những thúc bách của đời sống tiệm của ông trở nên nổi tiếng.
Có một chuyện thế này, có tay công an trung úy trưởng phường ( Thời ấy là trưởng khu quân hàm trung úy công an là hiếm lắm ) tình cờ đi qua cửa hiệu của bố vợ tôi thấy hay hay hắn đứng lại xem và hình như buột phát từ đâu đó trong sâu thẳm trái tim, hắn bỗng nhớ tới người cha quá cố của mình khi mà ngày giỗ của cụ gần kề thế là đường đột một ý nghĩ lóe lên hắn đề nghị bố vợ tôi vẽ cho hắn một bức chân dung người cha của mình, ông già vợ tôi vui vẻ nhận lời với một đề nghị:
- Ông cho xin một tấm hình của cụ nhà để làm mẫu.
Một thoáng băn khoăn tay công an đáp:
- Nói thật với cụ đến tôi đây cái ảnh lý lịch trong hồ sơ, cơ quan cũng phải thuê thợ về chụp cho rồi trích quỹ thanh toán huống hồ ông bố tôi mất đã lâu khi sinh thời lại nghèo kiết xác bốn đời rau cám thì làm gì có tiền mà dám chụp ảnh, giả sử có tiền đi chăng nữa thì cũng chả ai nhiêu khê lội bộ mấy chục cây số từ quê ra tình để chụp lấy cái hình rồi về có khác nào chuyện tấm cám ngày xưa hơn nữa chuyện này mà vỡ lở ra dân trong làng họ biết, họ chửi cho cái thói học đòi thì cứ gọi là mọt kiếp.
Rồi hắn tiếp:
- Cụ cứ vẽ cho tôi một ông già khoảng sáu bảy mươi là được.
- Thế anh có nét gì giống cụ nhà không? Bố vợ tôi hỏi.
- Không quan trọng cụ ạ, vì trong làng, trong họ nhà tôi bây giờ cũng chả còn có ai tường tận hình hài bố tôi, người thì nói là ông cụ cao to có tí râu ở cằm, người thì “đặc tả” cụ nhà ít tóc lắm, mặt mũi lại nhẵn nhụi, kẻ thì lại bảo cụ tôi có mái tóc quăn quăn, giông giống cánh tây đen đi càn vào làng năm loạn … Chả biết đâu mà lần thôi cụ cứ vẽ như yêu cầu của tôi.
Sự việc đẩy ông già vợ tôi vào thế kẹt. Một quan chức to trong ngành cảnh sát, chối từ thì có mà đem vạ vào thân mà vẽ không đúng ý, phật lòng hắn thì cũng toi. Rồi ông già tôi lẩm bẩm “chó giống cha, gà giống mẹ” còn người thì … phải có nét gì đó của cả mẹ, cả cha chứ rồi ông già tôi quyết định rất nhanh cụ tế nhị quan sát hắn thật kỹ như cố nhớ những nét đặc trưng lạnh lùng mang tính nghề nghiệp trên khuôn mặt khắc khổ của tay công an rồi cụ nói:
- Thôi được tôi sẽ cố xem sao, anh có thể về hai ngày nữa mời anh tới. Tay công an giơ bàn tay cứng như sắt chụp lấy bàn tay cả đời chỉ quen với cây bút, cây cọ của ông cụ nhà tôi với lời cảm ơn.
Hai ngày sau đúng hẹn mới tám giờ sáng đã thấy tay công an thập thò cửa tiệm, chưa có khách bố vợ tôi pha ấm trà ngon và với tay lấy bó thuốc cuộn ra mời.
- Cảm ơn cụ, tôi có thuốc đây rồi.
Nói đoạn hắn rút trong túi ra bao Tam Đảo mới bóc chìa về phía chủ nhà. Hút hết điếu thuốc và chiêu xong tuần trà ông già tôi mới chậm rãi đi vào trong nhà khi ra trên tay cụ là một tấm hình khổ 20X25 được bọc giấy bóng cẩn thận. Tay công an giơ cả hai tay ra đón như giật lấy tấm hình từ ông già tôi và vội vàng mở tấm giấy bóng. Hắn nghiêng đầu quan sát, đưa ra xa, rồi lại kéo vào gần ngắm nghía tấm ảnh một lúc lâu rồi bỗng hắn vỗ đùi đen đét và la toáng lên.
- Đẹp! đẹp quá.
- Giống! giống thật.
- Mẹ tiên sư nó chứ, đứa nào giám mở mồm ra bảo đây không phải là bố ông, ông mà tức lên chỉ nhoằng một chữ ký thằng đó cứ gọi là đi tù mọt xác.
Cơn hưng phấn đang độ cao trào bỗng dưng như quả bóng xì hơi hắn chùng xuống im lặng đến thẫn thờ. Nhìn thái độ của tay công an ông già tôi băn khoăn, chờ một tí ông già tôi mới ngập ngừng hỏi.
- Có điều gì không ổn cần sửa lại ông cứ cho một “nhời”.
- Không chê vào đâu được cụ ạ, cảm ơn cụ, tuyệt lắm! nhưng có điều tôi thấy không ổn là ở chỗ bộ comple , cái cavat đỏ, chiếc mũ phớt nỉ đen, chiếc ghế xalon tàu chạm trổ rồng phượng lại còn thêm bên cạch lọ hoa huệ tây nữa chứ ( Có lẽ bức họa “ thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân ám ảnh bố tôi chăng?) nó Âu Mỹ quá, thế này là ra anh tư sản mất rồi, trật lập trường quan điểm giai cấp thời buổi này là gay lắm không khéo là bỏ bố, mất chức về vườn như chơi. Nói dại chẳng may có thằng nào trong ban tổ chức cán bộ công an tỉnh nó mà nhìn thấy tấm hình này của cụ tôi âm thầm cho trinh sát về tận làng thẩm tra lại lý lịch thì bỏ mẹ, rồi nó vu toáng lên là tôi khai man thành phần thì có phải là chết không, cái chức của tôi bao nhiêu thằng đang nhăm nhe dòm ngó chúng nó “ma mưu, quỷ kế” lắm, sểnh một tí là toi liền. Cụ làm ơn “bỏ” hộ ông già tôi cái mũ phớt, “cởi” bớt bộ comple cùng cái cavat đỏ … cụ cứ cho ông già tôi mặc áo thâm, quần chùng khăn xếp ngồi chõng tre bên cạnh có cái điếu bát thuốc lào là chuẩn, cho nó đúng với gốc tích bần cố nông cố hữu của họ hàng nhà tôi.
Ngày hôm sau quay lại, lần này thì hắn thực sự cảm phục về tài nghệ và chữ tín trong nghề nghiệp của bố vợ tôi, hai tay hắn kính cẩn đón nhận tấm hình sau khi xem lại thật kỹ. Bố vợ tôi thấy hắn người bỗng nhiên cứng đơ ra, miệng ngáp ngáp liên tục như người ốm bị thiếu oxi. Có phải không? Không phải! vì nước da hắn trông vẫn đỏ đắn lắm Hay là hắn cố nuốt những cảm xúc đang dâng trào vào tận đâu đó trong cõi sâu tâm hồn, hắn kiên quyết chế ngự tình cảm không để nó ào ạt tuôn trào mãnh liệt như hôm trước nữa chăng? Ý nghĩ đó cứ vẩn vơ trong đầu bố vợ tôi.
- Đội ơn cụ! Xin được cảm ơn cụ, cho tôi xin được gửi tiền công
Bố vợ tôi không nói im lặng đến máy giây cuối cùng cụ mới chậm rãi:
- Nhìn cảm xúc của anh khi thấy anh ngắm tấm hình người “cha” với vẻ mãn nguyện và đầy lòng kính trọng thực sự tôi thấy mình là người hạnh phúc chả kém gì anh, chỉ ngần ấy thôi là đủ, đó chính là tiền công mà anh đã trả cho tôi rồi, tâm và nghề giới chúng tôi là vậy, thân tặng anh tấm hình và nhân đây cho tôi xin được nhờ anh thắp nén nhang nhân ngày giỗ sắp tới của cụ, chào anh, thôi anh về đi kẻo nhỡ việc nhà nước.
- Ấy chết! Cụ định hối lộ nhà chức trách à? Không được! tôi có thể ngay bây giờ ký lệnh bắt giam cụ vì hành vi trên, cụ phải nhận tiền! nếu không …!!!
Nói đoạn tay công an rút ví để lại trên bàn bố vợ tôi bốn tờ “cần cẩu” màu xanh - số tiền đó bắng 1/3 tháng lương trung úy của hắn rồi hai tay ôm chặt lấy tấm hình tất tả hướng về phía trụ sở công an khu như chỉ sợ bố tôi đổi ý đòi lại.

Có nhiều chuyện, tôi được nghe từ ông, bà, bố, mẹ … có những chuyện của chính tôi liên can tới những nghề ở xứ ta mà tôi đã kể ở trên vì đã quá dài xin khất các bác vào một dịp khác. Kính chào.

“Tếu táo” những ngày “khô hạn” giữa mùa mưa SG - 2008

Đào Duy

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

CẢM NHẬN

Cuộc sống hôm nay cởi mở hơn nhưng cũng phúc tạp đa chiều hơn. Anh em chúng ta có hơn nghìn người thì cũng có nghìn lối nghĩ về nó, thế nào là chuẩn mực cho cuộc sống hôm nay chắc khó có câu trả lời…

Có một người bạn hỏi tôi : “ Thằng A lên tướng, mày có tự hào không ?”. Tôi đã trả lời là không, nhưng tôi mừng cho nó, thì người bạn kia cho tôi là cố chấp hẹp hòi…Thật buồn khi tôi không thể chiều theo ý nghĩ khác và càng không thể tranh luận để giải thoát cho mình cái "mũ" vừa được ban tặng. Nhân chuyện này tôi xin kể về một trong những người bạn Trỗi của tôi mà tôi thấy…

***

Hắn trên tôi một khóa, ngày ở trường Trỗi tôi biết, vì Hắn ngổ ngáo có tiếng. Cuối 1975 từ chiến trường ra ôn thi đại học, tôi lại gặp Hắn. Cùng là lính Trỗi nên tôi và Hắn thân nhau rất tự nhiên. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng của lính Trỗi nhưng cũng có nhiều khác biệt. Hắn vẫn như xưa, vẫn nghịch ngợm nổi tiếng trong đám học viên con em cán bộ. Tôi thì ngược lại, cái danh hiệu Đảng viên làm tôi thuần hơn, ít trèo tường bỏ học hơn .

Gần một năm trời ôn thi tại Lạng Sơn, chúng tôi sống như trong trại giam, chủ nhật một tiểu đội chỉ được 2 "vé" ra chơi thị xã. Mỗi lần như thế, hắn thương cái thằng Đảng viên trong tôi nên đều nhường vé cho tôi, còn hắn thì đi theo “lối nhỏ”. Chuyện ra phố khó khăn vậy mà chẳng ngày nào hắn và lũ em K9 vắng mặt ở cái thị xã nhỏ này. Chẳng mấy ai không biết lũ chúng tôi, từ các cô mậu dịch viên xinh đẹp trong cửa hàng giải khát đến bà bán chè chén vỉa hè..v.v. quan hệ của chúng tôi rộng lắm, ai cũng ngưỡng mộ đám lính quân hàm “sơ mít” con ông “cốp” nhất là các em gái Lạng Sơn.

Một lần tôi và hắn trèo tường ra thị xã chơi buổi tối, khi chuẩn bị về hắn rủ tôi đến nhà một người quen.

Muộn rồi về thôi! Tôi giục hắn

Hôm nay tao có hẹn, muộn một chút! việc "chó" gì! Hắn động viên tôi. Mà Hắn vẫn thường xuyên đi về muộn như thế có mấy ai biết nên tôi cũng yên tâm.

Chúng tôi đi vào một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên phố Kỳ Lừa. Từ khe cửa tôi thấy một cô bé tóc đuôi sam, má đỏ hồng đang học bài, khi chúng tôi vào cô bé mừng ra mặt, như đã chờ đợi từ lâu.

Xinh thật! Hắn quen từ bao giờ vậy? Hóa ra bấy lâu nay tôi cứ tưởng mình biết rõ về Hắn. Tôi biết Hắn quen nhiều cô gái trong thị xã này, có nhiều cô mê hắn như điếu đổ mỗi khi Hắn đàn hát, giọng Hắn khàn khàn rất quyến rũ . Riêng cô bé xinh đẹp này thì tôi không biết. Phải nói thật lúc bấy giờ nỗi lo bị kỷ luật tan biến hết. Tôi ngồi ngắm cô bé, cô bé nghe Hắn nói chuyện và sau đó Hắn giảng một bài toán vật lý lớp 9 cho cô bé. . .

Trên đường về tôi bảo : "mày giảng không hiệu quả đâu, tao thấy nó có nghe đâu mà mày cứ thao thao ...”

Tao biết, chính vì thế tao mới rủ mày đi. Hắn trả lời tôi như vậy đấy! Tôi hơi bực và lại bị bất ngờ vì chẳng bao giờ nghĩ Hắn lại đàng hoàng thế .

Nó thích, mày thích thì việc gì mà sợ, ngữ mày mà còn sợ mang tiếng “đểu” à. Hắn im lặng không cãi làm tôi ân hận. Suốt dọc đường về chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào, thậm chí lúc vượt tường thành cổ (Trường VHQĐ nằm trong thành cổ) chúng tôi làm những đông tác công kênh nhau cũng chẳng thằng nào mở mồm... Đêm ấy khi hai đứa chui vô màn thì thầy Đ bắt gặp nhưng hôm sau chẳng thấy thầy gọi lên, Hú vía!. (Đúng là thầy Trỗi có khác, lại cứu trò)

Mấy hôm sau tôi làm lành hỏi nhỏ “Không đi dạy nữa à?”. Hắn gật đầu xác nhận. Chẳng biết trong đầu hắn nghĩ gì? Còn tôi thì thấy trong con người ngỗ ngược ấy là tâm hồn trong trắng, thánh thiện và tử tế.

***

Lên Đại học KTQS tôi và hắn vẫn cùng một đại đội, các trò cũ lại tiếp tục và phát triển còn hơn cả ngày chúng tôi ở Lạng Sơn. Tuổi trẻ nhiều khi không biết điểm dừng cho đến khi nhìn lại …Cả nhóm chúng tôi bị kỷ luật nặng, hầu hết bị đưa đi rèn luyện một năm tại các đơn vị Hải quân. Riêng hắn do nhận hết tội về mình nên bị nặng nhất nhưng không ai nghĩ đến mức độ phải ở tù. Hôm xe quân pháp về, nhìn hắn bị còng tay tôi buồn lòng và bất lực…

Thời gian trôi đi, những chú lính nghịch ngợm sau một năm ra đảo trở về tiếp tục học tập (tất nhiên là bị tăng K), rồi cũng ra trường và về các đơn vị. Cho đến hôm nay có chú đã là Trung tướng lãnh đạo một tổng cục quan trong trong QĐ, có chú ra ngoài làm bí thư một quận lớn ở HN, có chú là đại biểu khối doanh nghiệp trong QH…Hầu hết họ đều trưởng thành và tiến bộ nhanh chóng. Còn hắn, học hành dở dang không bằng cấp với một tiền án không biết hắn phải xoay sở ra sao để sống. Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài anh em, họ nói em có gặp anh K6 ở chỗ này, chỗ kia. “Anh ấy trông tiều tụy lắm..” mấy chú xót xa nói. Không xót xa làm sao được, mấy chú em thành đạt giàu có muốn giúp ông anh mà đành chịu. Họ biết K6 là người khái tính. Còn tôi cũng buồn vì ngần ấy năm trời mà chưa tìm gặp hắn một lần trong lòng cứ nghĩ chắc nó giận mình lắm..

Rồi tôi lại gặp Hắn sau hơn 20 năm từ cái ngày hắn bị bắt. Chúng tôi ngồi chuyện trò nơi quán bia hơi vỉa hè. Người gầy hơn xưa nhưng tính tình vẫn vậy có điều là trầm hơn do tuổi tác cùng những năm tháng lang bạt kỳ hồ. Hắn ít khi nói về mình nhưng tôi biết hơn 20 năm ấy hắn đi rất nhiều nơi, từ những bản làng heo hút vùng sơn cước đến các chốn độ thị, rồi Lào, Căm Pu Chia làm đủ mọi nghề, quan hệ với đủ mọi loại người. Để kiếm sống hắn phải bươn chải với không biết bao nhiêu công việc, có thể đôi lúc có những việc không thiện. Hắn bảo với tôi : "Cho mãi đến bây giờ tao không thể quên được ánh mắt của mày nhìn tao khi bị tụi quân pháp nó còng tay”. Tôi thực sự cảm động vì hình như hắn nhận thấy sự chia sẻ của tôi với Hắn trong lúc ê chề nhất của cuộc đời..

Biết Hắn vừa lấy vợ, vợ Hắn là cô gái một tỉnh biên giới phía Bắc, trong một gia đình nền nếp. Cô ấy là công chức kha khá của tỉnh. Tôi mừng cho Hắn vì từ nay đã có bến đậu, nhưng cũng lo cho hắn về gia cảnh…Tôi biết với Hắn ở cái thị xã biên cương này, với bề dày lăn lộn của cuộc sống giang hồ Hắn không thiếu cách kiếm tiền nhưng liệu có hợp với cô vợ công chức kia không?

Chúng tôi vừa uống bia vừa nói đủ chuyện khi sang đề tài vi tính thấy Hắn cũng chăm chú, tôi đề nghị tặng Hắn hai quyển sách, Hắn ưng ngay. Tôi bỏ bàn bia chạy ngay về nhà, mang đến đưa Hắn. Đó là hai cuốn viết về Foxpro …

Sau buổi đó tôi và Hắn thường điện thoại cho nhau, biết Hắn ngày càng say vi tính tôi cũng mừng nhưng tôi không thể ngờ bắt đầu từ hai cuốn sách đó Hắn lại chuyển hướng cuộc đời.

Khi tôi lên thăm Hắn thì thực sự "choáng", mới chỉ một năm mà trên giá sách đầy kín sách vi tính. Quả là Hắn thông minh mới có thể vật lộn với mớ kiến thức phức tạp đó, mà toàn tiếng Anh mới khiếp. Nếu nói là hắn siêu thì chưa đúng vì thế giới vi tình quá rộng lớn, nhưng nhiều người từng học đại học chuyên nghành này cũng chưa thể lấy đó làm phương tiện kiếm cơm được. Vậy mà Hắn thì ngược lại, từ việc nhỏ như các dịch vụ thông thường đến những hợp đồng lớn Hắn đã kiếm được không ít tiền. Một cuộc sống ổn định và hạnh phúc đã đến với Hắn.

Tao có công nhóm lại lửa cho mày đấy nhé! . Tôi đùa “kể công” tưởng chi là để vui vậy mà Hắn cám ơn tôi, làm tôi một lần nữa ngỡ ngàng. Tôi làm gì được cho Hắn đâu ,chẳng qua cũng chỉ là chuyện chơi chơi tình cờ vậy. Ngồi bên tôi còn vài người bạn (nhỏ tuổi hơn tôi và Hắn) trong những năm khó khăn trước kia đã chia sẻ với Hắn nhiều lắm, đáng lẽ những lời cảm ơn ấy phải dành cho họ.

Tôi xúc động không phải vì Hắn cảm ơn tôi mà vì mình có một thằng bạn tuyệt quá. Tôi tự hào về hắn, cuộc sồng dù thay đổi nhưng trong hắn tôi biết có những điều không bao giờ thay đổi.

Khắc Việt K7

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

Cú chuyển tiền ngọan mục

Trong cuộc đời, có lẽ, ai cũng có ít nhất một lần liều mạng, dám đương đầu với pháp luật, (nhất là khi mà pháp luật lỏng lẻo có nhiều kẽ hở). Tôi đã có lần rơi vào tình huống như thế. Vì tiền ư? – Không phải, vì có được là bao! Vì tình cảm ư? – Có thể, nhưng có lẽ vì sĩ diện thì nhiều!

Từ năm 1992, nhà nuớc chấp thuận cho cá nhân và tổ chức đi nước ngòai về được mang tiền mặt ngoại tệ vào VN. Trước đó mang tiền vào rất phức tạp nên nhiều phi vụ “làm ăn” cũng được “thiết kế”; nay thì càng nhiều càng ít, miễn là phải khai báo.

Sau 2 năm “chiến đấu” ở mặt trận Đông Âu, đặc biệt Liên-xô và Ba-lan, tôi có ý định về nước. Tạm biệt “trận tuyến” không đơn giản, phải chia tay hết đồng đội ở Ba lan rồi ở Nga. Đông lắm mà chia tay đâu chỉ bắt tay suông, còn phải nâng lên hạ xuống.

Trước khi rời Vac-sa-va, cánh Lê Đình Đạo, Dũng Zenek, Thắng “con” làm tiệc chia tay ở khu biệt thự gần Học viện quân sự WAT. Cả bọn ngồi dưới hầm ăn nhậu, hò hát, say bí tỉ. Tới khuya tiệc mới tàn, ra xe về tôi vừa nhắm mắt ngủ gà ngủ gật vừa cầm vô-lăng lái chiếc Volkswagen-Passat (đít Comby) phóng ra xa lộ. Ông anh Trần Đình Ngân (từ Đức sang chơi và tiễn đưa) ngồi bên cạnh, luôn mồm chỉ huy “đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái… từ từ thôi”. Cứ thế xe về tới bãi xe ở Bolkovska mà không hề tai nạn. (May là đường đêm vắng xe và không gặp cảnh sát xa lộ!). Dừng xe vào đúng vị trí, (bên Tây xe toàn vứt ở vỉa hè), vừa mở cửa xe ra là “John Lénon”, bao nhiêu của thiên lại trả địa hết(!). Người mềm như sợi bún được ông anh dìu lên nhà... Hôm rời Vac-sa-va, anh Ngân, Nguyễn Văn Vượng (em ông Hiệu) cùng bạn bè ra tiễn tận sân ga.

Trên chuyến tầu về Mat, khi qua cửa khẩu Brest, mấy chú biên phòng lên kiểm tra. Khi cầm passport của tôi xem qua rồi ngoắc tay chỉ ra đầu toa. Có việc rồi, tôi nghĩ bụng. “Pass này sao không có visa?”. “Tao vẫn đi qua lại biên giới bằng pass này, không cần visa”. “Xưa rồi, nay hộ chiếu phổ thông AB không còn tác dụng miễn thị thực. Mày phải quay về Ba-lan!”. Biết ngay mấy chú có ý định làm tiền. Tôi cười khẩy: “Này, 20 nhé!”. Lắc đầu. “30!”. “Njet!”. “Thôi, 50 OK?”. “OK!!!”. Các chú thản nhiên cầm tờ 50 đô rồi bỏ sang toa khác.

Đã hẹn nên được đón ở ga Belarusia Vakzal. Về tới Mat là có ngay kế họach đi chơi Len và Kiev. Được cộng đồng người Việt quý nên đi đến đâu, anh em cũng nghênh tiếp, hết Trí “béo” đến Tiến Long, Thạch “béo”... Lúc thì tiểu yến tiệc khi thì đại tiệc, hết vào thăm chợ bán buôn quần áo ở Saliut lại đến ăn lòng lợn tiết canh ở quán cơm Chí Hòa tại Dom 5 mới… Lang thang mãi tới cuối tháng 8 thì quyết định book vé về Hà Nội.

Có ông anh đã nhiều năm làm việc với Viện Hàn lâm nên quan hệ khá rộng với các quan chức. Hơn nữa chuyên đưa đón đòan ra đòan vào nên ông anh cũng quen cánh an ninh và hải quan sân bay Serementjego. Biết lần này ông anh cùng về nên các “sóai” (tên gọi các đại gia) đặt ngay vấn đề “nhờ chuyển tiền” về nước. (Dĩ nhiên là chuyển ngân lậu). Theo các chú cửa khó nhất là cửa ra, nếu có cán bộ Viện Hàn lâm tiễn ra sân bay thì coi như an tòan tuyệt đối. Thật ra những năm ở Ba lan đâu có biết gì những chuyện này, nhưng thấy ông anh bảo ở Mát chúng nó vẫn làm như thế mỗi khi có khách VIP về nên tôi yên tâm và liều nhận làm kẻ “mang bom”.

Ngay buổi chiều, cả trăm ngàn đô được bàn giao. Mười xấp tiền, nhận chẳng kí tá gì cả. Bà chị kì cụi đạp máy may ngay cho 1 băng đạn. (Cứ hình dung giống như băng đạn AK nhưng nhỏ, gọn hơn, có 10 túi). Mỗi túi găm được chục nghìn. May xong, tôi nhét tiền vào rồi ướm thử. Lúc đó “có bụng” nên dù đã khóac bên ngòai áo vest mà đứng trước gương cứ thấy tiền cộm lên như có chửa. Không ổn! Thử buộc băng đạn sát lên nách, thấy khả dĩ hơn. Nhưng vẫn phải mặc thêm áo len ngắn tay dưới áo vest để hình băng đạn đỡ nổi cộm. Vậy là xong phần “ngụy trang”, còn lại là phải đóng kịch thật chuẩn, vẻ mặt phải bơ như củ khoai, không được lo lắng.

Tiền “di vu” chỉ là mấy “vé” nhưng vì bọn đàn em sống rất tình nghĩa nên cũng liều giúp. Nói vậy mấy hôm liền sống thấp thỏm lo âu, từng có ý định trả lại để vừa an tòan vừa không bị stress. Lỡ “bị sao” thì chắc chắn phải “bóc lịch”, mà chả hiểu nằm tù ở Nga ra sao? Trước đó trong cộng đồng người Việt ở Đông Âu có vụ viện sĩ Chu Văn Dóng (Chử Văn Đông) găm trong người (hay đâu đấy!) cả triệu đô qua Brest (theo đường sắt liên vận) bị hải quan Nga phát hiện. Hắn bị tống giam 6 tháng ở nhà tù gần biên giới. Bên ngòai đệ tử phải lo lót mãi mới xong. Nghe nói trong tù còn bị bọn đại bàng bắt phục dịch, cả vụ thỏa mãn sinh lý. Nghe mà ghê! Nhưng từ chối cũng kì kì vì đã nhỡ nhận lời(!). Thôi thì một liều ba bảy cũng liều!

Sáng hôm ấy dậy thật sớm. Đóng bộ đủ vào rồi đi đi lại lại trong phòng. Phải cố tập cho dáng đi thanh thản với vẻ mặt tỉnh bơ, không để lộ ra là “ôm bom”. Đúng 8g, chiếc Volga đời mới của Viện Hàn lâm đến đón, chờ dưới sân. Lukônil, cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế, lên uống ca-phê rồi giúp chuyển va-ly ra xe. Xe vòng ra đường vành đai ngòai trực chỉ hướng sân bay Serementjego.

Đến nơi thấy nhà ga đã bắt đầu tấp nập, nhất là dân Cộng. Đưa đón đã là nghề, quen hết nên Lukônil dẫn chúng tôi băng băng qua các cửa. Cửa cuối cùng là cửa VIP. Đang đầu thu, trời mát nhưng vì thẳng lưng đẩy xe chở đồ và canh cánh lo đống tiền nhồi trong người mà mồ hôi ướt đầm lưng áo sơ-mi, thấm ra cả áo len. Ông anh thỉnh thỏang khẽ động viên: “Kệ nó, cố thật tỉnh bơ!”. Nói vậy nhưng tôi luôn đảo mắt xem thái độ của bọn Tây ra sao.

Tuy đi cửa VIP nhưng không có hộ chiếu đỏ nên vẫn phải mở hành lí ra kiểm tra. Hỏang nhất khi chú Tây ra hiệu đặt va-ly lên bàn kiểm tra (ngày ấy Serementjego chưa có máy soi), tôi phải cố gồng thẳng mình lên vì còng lưng xuống là sẽ cộm lên hình đường viền của băng đạn. Lukônil thì mải tán phét với mấy chú hải quan. Thật may vì bọn Tây đã tin ai thì lỏng lẻo vô cùng, thậm chí chẳng thèm soi mói. Nhìn va-ly không có gì lậu, cậu hải quan khóat tay cho đưa va-ly vào băng chuyền.

Từ bàn hải quan, tay xách cặp diplomate, tôi cố gắng đi thật thẳng người. Ông anh đi sau tán phét với Lukônil. Tại cửa an ninh cuối cùng, sau khi kiểm tra pass, chú sĩ quan cửa khẩu cầm máy rà kim lọai lướt quanh người. Toát mồ hôi, chỉ sợ máy phát ra tiếng kêu là toi. Vậy mà không thấy phản ứng gì. Anh ta gật đầu rồi đưa tay phải lên vành mũ chào. Thế là thoát. Vội bắt tay Lukônil. Khi đã bước vào cửa ống dẫn ra máy bay, tôi cố lấy cột sống làm trục rồi khẽ xoay người, vẫy tay chào Lukônil. (Lúc ấy vẫn sợ lộ!).

Vào tầu, tìm đúng chỗ ngồi, tôi vào ngay toilette tháo băng đạn ra. Một cảm giác lâng lâng, người như được nhấc bổng lên. Sướng quá! Khi cầm đống tiền nhét hết vào cặp, 2 anh em nhìn nhau cười hể hả.

Trưa hôm sau về tới Nội Bài. Chú em Đông được báo trước đã ra hướng dẫn làm tờ khai. Khi thấy tôi bày ra bàn cả trăm ngàn đô, chú trưởng kíp trợn mắt kính phục. Vậy là kết thúc chuyến chuyển ngân lậu quá ư là liều mạng.

Thầm nghĩ đây là lần đầu nhưng chắc cũng là lần cuối. Nhờ giời nên không lộ, nếu không chắc cũng phải “bóc lịch” vài niên ở Nga vì tội chuyển ngân lậu…

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2008

SỰ MAY MẮN CỦA SỐ PHẬN

Đào Duy

Người đàn ông mà tôi sắp kể với các bạn đây có một số phận “kỳ lạ”, cho tới bây giờ chỉ còn ít ngày nữa nhận sổ hưu, sáu mươi năm của đời người vèo qua anh cũng không hiểu nổi vì sao cuộc đời anh lại may mắn như thế khi lứa tuổi anh cùng quê sau trước đều bỏ xác lại chiến trường.
Anh sinh 1948, là con trai độc nhất trong gia đình có bốn chị em. Ông anh chỉ sinh được bố anh sau hai bà bác. Cụ đẻ ra ông anh cũng vậy … Tóm lại sáu đời nhà anh mỗi đời duy nhất sinh được một người con trai cho tới thế hệ anh, anh là hy vọng duy nhất của dòng họ nhận trách nhiệm trông nom thờ phụng tổ tiên và nối dõi tông đường.
Năm 1965 học hết lớp 10, thời đó ở làng học hết phổ thông là gớm ghê lắm, cả tổng cả huyện số học sinh như anh đếm trên đầu ngón tay. Anh học giỏi và nghiễm nhiên con đường học vấn rộng mở trước mắt. Lý lịnh nhà anh chả “trong” như nước giếng làng nhưng cũng chả đến nỗi “đục”như nước sông mùa lũ, họ nhà anh không ai làm cho ta và cũng chả có ai dính dáng giúp “tây” chỉ thuần khiết là anh nông dân “chân đất mắt toét” lương thiện nhưng có truyền thống coi trọng sự học hành và có tư chất.
Chiến tranh báo hiệu những tháng ngày cam go ác liệt khi Mỹ ào ạt đổ quân vào cửa biển Đà Nẵng. Giữa năm 1965 trai tráng trong làng lục tục nhập ngũ. Anh được hoãn đợt đầu tiên trong xã vì nhà con “độc”. Thế là anh vào đại học. Cắt nhân khẩu khỏi địa phương và từ đó anh là người “nhà nước” không còn dính líu gì tới danh sách nghĩa vụ quân sự của xã của huyện. Anh học sư phạm, nghề giáo - nghề cao quý, là niềm kính trọng, là mơ ước của xã hội của của giòng họ và của chính anh.
Anh học hết năm thứ nhất, hết hè vào năm thứ hai được nửa học kỳ thì chiến tranh không còn là sự phỏng đoán âu lo của người dân Việt nữa nó đã ở đâu đó rất gần. Mỹ ném bom ác liệt ra toàn miền bắc chiến tranh lan rộng cả nước với quy mô lớn hơn, ác liệt hơn, lính mỹ hiện diện nhiều hơn trên chiến trường.
Lúc này bộ phận tuyển quân của bộ quốc phòng đã bắt đầu để ý tới đám sinh viên các trường đại học. Đợt đầu tiên tuyển quân ở trường anh người ta chỉ giới hạn tuyển chọn sinh viên đang học năm thứ nhất trong khi đó anh lại đang học năm thứ hai. Năm thứ ba đại học của anh bắt đầu được mấy tháng trường lại có đợt tuyển quân mới và lần này quy mô tuyển quân rộng hơn, phạm vi tuyển quân từ năm thứ nhất đến năm thứ hai, thế là mọi sự chuẩn bị trở thành người lính của anh đành lỗi hẹn. Khi anh học năm thứ tư, kỳ tuyển quân bổ sung bắt đầu ngay từ đầu năm, lần này số sinh viên tham dự tuyển quân được chọn lựa từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, anh lại trượt vì đang học năm cuối. Thế là đời lính cứ bám đuổi theo anh suốt thời sinh viên mà chẳng bén duyên.
Ra trường năm 1969 anh được bộ phân công về ty giáo dục Hà Tĩnh nhận công tác. Sau cả tháng trời đi bộ, nhờ xe, tránh bom, tránh đạn anh cũng có mặt tại ty giáo dục Hà Tĩnh đúng thời gian ghi trong tờ giấy điều động. Ty giáo dục phân công anh về trường cấp ba Cẩm Xuyên đứng lớp.
Là sinh viên mới ra trường với bao háo hức anh lao vào công việc hăng say, nhiệt tình như chàng võ sỹ quyền anh sau khi nghe tiếng chuông nhập trận. Mảnh đất nghèo khó đầy bom đạn nhưng lòng hiếu học và sự tôn kính thầy cô ở cái giải đất miền trung nắng gió này đã cho anh thêm tình yêu nghề, níu giữ anh qua những năm tháng khó khăn.
Thế rồi tình yêu đôi lứa đến với anh trong ác liệt của đạn bom. Cô gái có mái tóc dài và giọng nói như chim - học sinh cũ của anh, cảm rồi yêu người thầy dạy văn trẻ trung sôi nổi. Nhưng tình cảm đầu đời của hai người không kéo dài, cô gái đã chết trong một trận bom mỹ đánh đoàn xe chở hàng vào chiến trường nằm ở làng cô chờ tối để tiếp tục hành quân. Một quả bom lạc … và thế là anh vĩnh viễn anh mất người con gái ấy.
Năm bảy mốt trong danh sách tuyển quân của huyện Cẩm Xuyên, phòng giáo dục huyện có năm người trong đó có tên anh. Qua bốn năm vòng khám cầm tờ giấy sức khỏe với chỉ số cân nặng 59 kg, chiều cao 1m 70, “tim, gan, phèo, phổi” tốt anh tự tin bước vào phòng kết luận cuối cùng. Trong phòng chỉ có anh và người bác sỹ đã lớn tuổi. Không nhìn tờ giấy anh đưa với giọng khu bốn nằng nặng vị bác sỹ hỏi anh:
- Anh quê đâu?
- Tôi người miền ngoài.
- Anh làm nghề gì?
- Tôi là giáo viên cấp ba?
- Giáo viên cấp ba à! Người bác sỹ già ngạc nhiên nhướng mục kỉnh lên nhìn anh.
Sau một hồi im lặng kéo dài đôi mắt vị bác sỹ hướng qua ô cửa nhìn về một nơi nào đó như xa lắm rồi chập rãi quay lại:
- Anh vào dạy trong này lâu chưa?
- Ngay sau khi tôi ra trường.
….
Người bác sỹ già nhìn chàng thanh niên tri thức trẻ ngồi trước mặt mà lòng đầy ái ngại. đặt bút xuống bàn lúc này ông mới đọc tờ trích ngang và phiếu kiểm tra sức khỏe của anh, rồi ông ngẩng lên.
- Ác liệt đấy! phía trước không đơn giản như chúng ta ngồi đây đâu, đã sẵn sàng chưa? Vừa nói ông vừa nhìn như đoán định từng ý nghĩ trong đầu anh
- Tôi đã chờ đợi ngày này từ nhiều năm nay.
Cảm kích thái độ của anh trước thời cuộc, cảm kích tấm lòng của người giáo viên trẻ đã từ bỏ quê hương yên bình vào tận quê ông xa xôi nơi chiến tranh ác liệt, nơi nghèo đói khắc nghiệt để đem con chữ cho lũ trẻ nơi quê ông và nhiều điều khác nữa trong lòng ông, ông đồng cảm với anh chăng? hay ông thương anh “miếng mồi béo bở” của chiến tranh đang rình rập chờ anh nơi cánh rừng nào đó xa kia … những dự cảm về con người về thời cuộc cứ trộn rộn trong lòng mà ông không sao lý giải nổi, ông thấy mến anh với cả tấm lòng kính trọng
Ngắm nhìn anh lần cuối, hình như có điều gì đó dằn vặt trước một quyết định rất khó khăn ông bỗng nhớ tới lời thề Hippocrates thuở nào khi giơ tay thề trước khi nhận tấm bằng bác sỹ. Rồi rất nhanh khác với vẻ chậm rãi cố hữu chỉ sợ thời gian làm cho ông thay đổi mất quyết định vừa bột phát xuất hiện trong trái tim ông, người thanh niên này phải sống, chiến tranh như là của ai đó chứ không phải dành cho anh người mà ông phải đại diện cho thế hệ học sinh trên mảnh đất Hà Tĩnh quê hương ông hàm ơn anh.
- Tôi cảm thấy anh không được khỏe, có thể anh gặp một vài trục trặc nào đó mà họ chưa phát hiện ra chăng? Tôi sẽ khám lại cho anh. Giọng người bác sỹ quả quyết
Sau khi khám lại “thật kỹ” vị bác sỹ già cặm cụi ghi chép vào phần kết luận của tờ phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự rồi đưa cho anh đôi mắt ông quay đi hướng khác.
- Xong rồi anh có thể về, chúc anh may mắn. Vị bác sỹ đứng dậy tiễn anh ra cửa.
Thế là lại hỏng ăn, anh bị gạt ra khỏi danh sách trúng tuyển nghĩa vụ một lần nữa. Ai dám tuyển anh khi trong phần kết luận của bác sỹ người có tiếng nói quyết định trong hội đông tuyển quân “ Tim có vấn đề chưa rõ nguyên căn”.
Năm 1972 anh tình nguyên nhập ngũ sau từng ấy năm lần này anh được toại nguyện. Sau huấn luyện anh theo đơn vị vào tây nguyên. Đánh nhau bao nhiêu trận suýt chết, khi tấn công đánh chiếm Buônmathuột đầu năm 1975 lưỡi hái tử thần một lần nữa “chê” anh, chiếc mũ cối bay đi giập nát còn cái đầu đầy chữ và thơ phú của anh thì vẫn còn nguyên chỉ mất mảng tóc quăn bồng bềnh trước trán.
Từ đó cho tới khi kết thúc chiến tranh anh chẳng hề hấn gì, không một vết xước, chiến tranh không sờ tới anh. Giải phóng Sài Gòn sau quân quản anh làm đơn giải ngũ xin trở về quê với nghề dạy học. Tổ chức giải quyết theo nguyện vọng của anh. Anh về quê với nghề – Gõ đầu trẻ và một phần cũng là vì lời hứa và trách nhiệm của anh với cả dòng họ, thờ phụng trông nom bàn thờ tổ tiên.
Chuyện của anh chỉ có vậy thôi, nhưng với thế hệ của anh, anh thực sự là người may mắn, tất cả những ai đã từng kinh qua thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh cũng đều bảo thế. Câu chuyện này tôi tình cờ được nghe anh kể trong một bữa rượu với vài người bạn lính trong đợt đưa vợ con ra Bắc hè vừa rồi.
T/p Hồ Chí Minh hè năm 2008.