Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

Chuyện của người đồng nghiệp

Đào Duy

Cho tới bây giờ tôi cũng không biết số phận của người đàn bà ấy ra sao? Còn hay mất và nếu còn thì chị lưu lạc nơi đâu. Người đàn bà ấy tên Quyết tôi vẫn thường gọi chị Quyết.

Ba mươi năm xa quê đời lính đưa tôi xiêu bạt: Từ Nghệ An nắng gió cháy da tới mảnh đất Trung Lào muỗi vắt, phỉ Vàng Pao rình rập. Ba bốn năm phơi mình rèn luyện trong lò sỹ quan trên mảnh đất Sơn Tây sỏi đá. Ra trường quân hàm trung úy, mấy tháng ăn đợi nằm chờ ở nhà khách bộ tư lệnh hải quân. Buồn, tôi theo thằng bạn rủ rê đi Thái Nguyên buôn chè kiếm tiền tiêu vặt.

Cầm quyết định về vùng 5 hải quân. Ra tới Phú Quốc tôi nói với tay trợ lý cán bộ: “ Nơi nào xa nhất , khó khăn nhất thì cho tôi đi!”

Chả phải lý tưởng hay trách nhiệm gì đó cao siêu, tính tôi nó vậy. Từ bé tôi đã thích phiêu lưu, ưa mạo hiểm, khám phá và cấm biết sợ cái gì.

Trong danh sách mấy sỹ quan mới ra trường BTL hải quân bổ sung cho “vùng”, tôi là người có mặt sớm nhất: đúng ngày, đúng tháng trong tờ giấy điều động.

Trưởng phòng tổ chức cán bộ ấn tượng trước khuôn mặt rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn và ý thức kỷ luật cộng với tấm bằng tốt nghiệp sỹ quan loại giỏi ông ưu tiên giữ tôi lại công tác tại BTL vùng.

Tôi thuyết phục tay trợ lý cán bộ tác động với ông trưởng phòng chấp thuận yêu cầu của tôi.

Thời điểm ấy bộ tư lệnh vùng cũng đang đau đầu cần tìm một sỹ quan trẻ có năng lực trám vào vị trí phó trạm Rada trên đảo Kokong ( Đảo này của Campuchia nằm sát biên giới Thai Lan năm 89 ta đã trả lại cho họ) đây là vị trí tiền tiêu quan trọng trong cuộc chiến biên giới tây nam chống Ponpot, nên đề nghị của tôi được bộ tư lệnh vùng chấp nhận.

Cầm tờ quyết định còn thơm mùi mực dấu: “Trung úy Trần Văn K giữ chức trạm phó trạm ra đa hải quân trên đảo Kokong”. Tôi lên đường ngay theo chuyến tàu chở hàng tết của đơn vị ra đảo.

Năm năm sau khi ra trường tất cả háo hức, nhiệt huyết tuổi trẻ hầu như tôi gửi lại hòn đảo Kokong xa xôi. Năm năm nhiều vùng đất, vùng biển đảo phía tây nam tôi đã tới. Suốt quãng đời sau này bao nhiêu hạng người tôi đã gặp và tôi cũng chẳng nhớ bao nhiêu đàn bà con gái đã bước qua cuộc đời mình … nhưng thật lạ, chả hiểu sao mỗi khi buồn cô quạnh bên ly rượu ngoái cổ lại quá khứ, chiêm nghiệm đời mình về mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà thì hình ảnh người đàn bà ấy - chị Quyết, ba mươi năm rồi vẫn ám ảnh đeo bám tôi cho tới mãi hôm nay.

Ra quân, lĩnh một cục lương thượng úy chấp nhận làm lại từ đầu. Chạy vạy may mắn tôi xin được chân nhân viên kỹ thuật của một sân bay phía Nam. Lương tháng chả nhiều, chả ít tùng tiệm đủ sống. Công việc nhàn và phù hợp. Tặc lưỡi, thôi tuổi tác cho tới nay đã ngoại tứ tuần như thế cũng là được, chả mong gì hơn, an phận.

Câu chuyện tôi đang kể với các bạn là của người đồng nghiệp cùng cơ quan. K tâm sự với tôi “Nói sợ anh chả tin nhưng sự thật là như vậy”.

Cái sự thật mà tôi sắp kể tiếp với các bạn đây là mối quan hệ giữa K và người đàn bà tên Quyết, tôi muốn chia xẻ cùng các bạn để chúng ta hiểu thêm một góc khuất, một nỗi khổ đau khác, lặng lẽ, âm thầm không gì có thể đo đếm được của thân phận người đàn bà trong chiến tranh.

Quê tôi là đất phật, có Chùa Hương nổi tiếng. Tôi có người anh trai năm 1971 đi lính. Cùng đi đợt ấy trong làng gần nhà có anh Hướng trạc tuổi anh tôi, nếu còn sống năm nay anh khoảng 60 tuổi. Anh hy sinh khi cuộc chiến cận kề ngày cuối cùng trên mảnh đất Tây Nguyên. Vợ anh là chị Quyết.

Chị Quyết là người thiên hạ về làm dâu làng tôi. Tướng chị to cao phốp pháp da trắng nõn nà, ngực chị nở nang, chả biết nở cỡ nào nhưng tôi thấy chiếc áo nào của chị cũng rách, mà chỉ rách độc ở hai cái đầu chỏm trên ngực áo. Cặp mông chị to, chắc nổi phồng lên sau làn vải mỏng. Mỗi khi chị gánh lúa bọn trai làng choai choai mắt lấm la, lấm lét nhìn, rồi vội vã quay đi vươn cổ nuốt đi thứ nước nong nóng, sền sệt trong miệng tiết ra khi nhìn cặp mông chị nhún nhảy trên đường làng.

Nhà Chị ở gần nhà tôi, gần như ngày nào chị cũng sang chơi, chị thường giúp mẹ tôi những việc trong nhà như xay lúa, sàng sảy, giã gạo … có hôm trời mưa, lắm khi dở giời gió mùa đông bắc chợt về chị ngủ lại với mẹ tôi.

Mẹ tôi thương chị coi chị như con gái trong nhà. Cũng là phận gái nên bà hiểu và thông cảm cho cảnh nàng dâu mẹ chồng, chồng chị biền biệt, con cái chưa có nhìn chị nghĩ tủi phận xót xa như chính đời mình đã từng trải qua.

Có hôm chị sang chơi, thấy mặt chị hây hây, người nóng hầm hập như phải cảm. Chị mượn mẹ tôi cái quạt mo, phành phạch quạt lấy, quạt để. Mẹ tôi nhìn chị rồi thở dài “ Ôi dào! Cảm cúm gì ” bà nghĩ trong bụng, rồi chạy vội ra sau nhà vơ nắm rau Răm rửa qua quýt, cho vào cối giã, thêm tí muối, lọc lấy bát nước đem vào nhà bắt chị uống. Cụ nói: Uống đi con, uống đi cho đỡ “bốc hỏa”.

Bà nhìn chị nhăn mặt cố nuốt từng ngụm rồi ngao ngán lắc đầu “con gái hừng hực thế kia, vò võ xa chồng … rõ khổ ông trời, ông phật có thấu cho không.” Bất giác bà nhớ tới thời xuân sắc của mình vụt lóe lên như ánh sao băng nhưng nó đã qua từ lâu, từ lâu lắm rồi.

Chồng đi biền biệt, bốn, năm năm chả thư từ tin tức, nỗi chờ mong như niềm tin đặt nơi vô vọng. Việc đồng áng quần quật nhà chồng, từng ấy thứ cả tinh thần lẫn vật chất đổ xuống trái tim, xuống thân xác chị. Nhưng lạ thay nhu cầu bản năng vẫn cứ tràn ứ và lan tỏa, phô bày ra trên cơ thể, trên làn da, mớ tóc, trong cặp mắt long lanh, trong làn môi mọng đỏ, những thèm muốn khát khao dù có kiềm chế thế nào nó vẫn rực cháy trong cơ thể đang độ xuân thì của chị.

Những tháng năm làm dâu của chị không suôn sẻ. Mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng đẩy hai mẹ con chị xa nhau, tới độ hai mẹ con không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Chị bỏ nhà sang xin phép mẹ tôi ở nhờ. Thương chị, mẹ tôi thu xếp cho chị cái chõng tre kê dưới bếp.

Nhà tôi có dãy nhà trên năm gian và khu nhà bếp. Hai dãy nhà cách nhau qua một cái sân gạch lớn .

Chị quý tôi, cậu con trai khỏe mạnh, khôi ngô đang tuổi lớn. Vào những buổi tối, buổi trưa nông nhàn chị hay đọc cho tôi nghe những chuyện tình cảm, phần nhiều là chuyện chép tay lưu truyền dấm dúi trong đám thanh niên lúc bấy giờ như: Lan và Điệp, Vụ án thành Pari …

Tôi còn nhớ một đêm đói quá giữa khuya tôi lần mò xuống bếp tìm khoai ăn. Quê tôi có giống khoai nước, củ như khoai sọ, sau khi luộc chín chắt hết nước rồi vùi nồi vào đống tro, sáng hôm sau lấy ăn thì không gì tuyệt hơn. Bóc củ khoai chín nóng hổi vỏ đã se khô lại, thịt khoai màu vàng nghệ vừa dẻo, vừa bùi, vừa thơm cái anh khoai chiên trong món lẩu dê Sài Gòn mà tôi đã từng thưởng thức chả ăn thua gì, chỉ đáng hàng con cháu.

Đêm trăng suông, hắt thứ ánh sáng đùng đục, yếu ớt qua bậu cửa đủ để tôi tìm thấy nồi khoai vùi còn nóng trong đống tro. Bỗng tôi nghe phành phạch, nhè nhẹ của tiếng quạt mo từ cái chõng tre phát ra. Nhìn về hướng đó trai tim bé bỏng của tôi như nghẹn lại. Trong chiếc màn màu cháo lòng tôi nhận ra hình dáng chị không một mảnh vải trên thân.

Dường như đắn đo dằng xé ghê gớm lắm trong sự đấu tranh giữa lý trí và bản năng tiếng chị dại đi ngắt quãng:

- Làm … gì … khuya … thế em?

Tôi ngồi bất động, thở hổn hển không nói lên lời. Bóng đêm dấu đi khuôn mặt đỏ, nóng bỏng như củ khoai tôi cầm trên tay rồi luống cuống tôi để tuột rơi, tôi cũng chẳng muốn tìm và cơn đói cũng theo củ khoai “rơi” đâu mất, lúc này chả ai còn đủ tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện khác.

- Lại đây chị bảo, giọng chị chị khe khẽ.

Tôi run rẩy tiến dần về phía cái chõng tre nơi chị đang nằm, rồi len lén ngồi nơi mép chõng. Bỗng chị ngôi bật dậy, chị ôm lấy tôi dúi đầu tôi vào cặp ngực nóng hổi chắc nịch của mình. Tôi run lên từng chập như người sốt rét rừng rồi như người bị chứng nhồi máu cơ tim, tôi lả đi mộng mị chả còn biết gì nữa.

Từ đêm ấy trở đi tôi như trở thành một người khác, ngẩn ngơ như kẻ bị thần linh rút hết trí khôn, vật vã, phờ phạc … Linh cảm người mẹ mách bảo, mẹ tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó không ổn xảy ra đối với tôi và rồi một đêm bà theo rõi và phát hiện ra mối quan hệ cuả chúng tôi. Bà ngồi vật xuống bậu cửa khóc. Một lúc lâu tiếng khóc của bà tắt hẳn thay vào đó là tiếng guốc thập thõm gõ trên nền sân gạch như báo hiệu có người thứ ba biết chuyện của chúng tôi.

Sáng hôm sau mẹ tôi dậy sớm xuống bếp tìm chị thì chỉ còn lại chiếc quạt mo nằm trơ trọi trên chiếc chõng tre.

Từ đó cho tới bây giờ dân làng cũng như gia đình tôi không biết chị đi đâu, về đâu biệt vô tăm tích.

Mấy chục năm xa quê, vài năm một lần, thậm chí có khi cả chục năm tôi mới có dịp về quê, thăm lại chốn xưa. Vật đổi sao rời, quá khứ đau buồn của một thời đã trở thành dĩ vãng. Mẹ tôi đã mất từ lâu ,người làng chẳng còn ai nhớ, ai biết tới chị. Chỉ duy nhất có một người còn nhớ, người đó giờ cũng tha hương biền biệt nơi “đất khách” như chính cuộc đời chị vậy.

T/p Hồ Chí Minh – 10/2008

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

đổi mầu nền từ đỏ sang màu khác cho dễ đọc có được không?

Nặc danh nói...

Mắt mũi kèm nhèm, màu đỏ khó đọc quá.