Ngày giỗ bạn
Doanh là bạn học cùng trang lứa Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kháng Mỹ. Tốt nghiệp, bạn vào học khóa 15 Cơ khí Bách khoa rồi nhập ngũ ngày 6/9/1971. Lẽ ra chưa phải đi đợt này vì bố mẹ đang tại ngũ, nhưng lúc “nước sôi lửa bỏng” thì mẹ nào ngăn con. Doanh cùng các bạn sinh viên tăng cường cho Sư đoàn 325 của Tư lệnh Lê Kích và Chính uỷ Nguyễn Công Trang, chi viện ngay cho Quảng Trị. 81 ngày đêm kiên gan bám giữ Thành cổ và đúng ngày cuối cùng, 16/9/1972, Doanh đã anh dũng hy sinh. Vậy bạn đi đã 36 năm, ngày ấy mới vừa 19!
Từng đến dự đám giỗ của nhiều LS nhưng đây là lần đầu thắp hương cho Doanh. Mẹ Doanh, bà Lê Mai, làm sớm 1 ngày để con cháu về đông đủ. Căn hộ trong khu tập thể Viện 108 hôm nay xanh rờn màu áo lính. Ngồi cạnh mẹ là anh em lính Trỗi: Thế Vinh, Tuấn Kiệt, Công Chính, Việt Dũng… góc kia là bạn cùng sư đoàn: Lê Bình (cựu sinh viên Thủy lợi), Lê Xuân Tường (Xây dựng), Nguyễn Đức Minh (Bách khoa), Lê Minh (Tổng hợp)... Mẹ cứ tiếc: “Hôm nay vắng thằng Dũng (giáo viên Bách khoa) và thằng Toàn (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hưng Yên), chứ giỗ Doanh năm nào cũng có”.
Cùng thắp những nén nhang cho Doanh. Trên ban thờ cạnh bằng “Tổ quốc ghi công” là kỷ niệm chương “Bảo vệ thị xã – Thành cổ Quảng Trị 1972” và “35 năm CCB sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Khói nhang cay sè. Chuyện qua lại mới biết tình cờ mà Tường “cận” tìm được gia đình Doanh. Chả cùng làm việc với Hải rồi anh em tâm sự mới biết Hải là em dâu của bạn cùng sư đoàn. Từ đó, Tường báo tin cho đồng đội ở E95 và năm nào giỗ Doanh anh em lính E95, F325 thời Quảng Trị cũng kéo đến chật nhà. Anh em gọi bà Lê Mai là “mẹ của trung đoàn”.
Râm ran chuyện chiến đấu, chuyện “Mùa hè đỏ lửa”… Trận mạc ác liệt, Lê Bình chỉ gặp Doanh 1 lần khi đi lấy gạo. Còn Tường thì nhớ lại: “Bố Doanh là bạn chiến đấu với Trung đoàn trưởng Lý Long Quân nên xin phép cho Doanh vào sau. Đầu tháng 7/1972, E95 vào Thành cổ thì tháng sau Doanh mới có mặt. Những ngày cuối, bom đạn càng ác liệt, anh em hy sinh nhiều. Tối tối đổi quân ở bờ sông Thạch Hãn mà cánh rút ra lần nào cũng ít hơn cánh vào Thành. Chiến đấu ác liệt, rồi E95 chỉ giữ được mỏm sông bờ nam cuối cùng. Đêm 16/9, được lệnh rút thì Doanh hy sinh khi vượt sông Thạch Hãn. Chuyện này Toàn nắm khá kĩ, tôi cho ông máy để liên lạc”.
Hàng chục năm trôi qua sau nhiều lần kì công tìm kiếm nhưng chả còn hy vọng tìm được hài cốt Doanh, mẹ Mai lấy về bọc đất đúng ở bờ nam sông Thạch Hãn nơi con hy sinh, coi đó là hài cốt rồi làm thủ tục đưa vào NTLS phường Đình Công, Thanh Trì, Hà Nội. Hôm đón Doanh về, mẹ lấy cái áo bông Doanh mặc hồi thiếu sinh quân hoá cho bạn. Tuấn Kiệt rân rấn nước mắt vừa đốt vừa kể: “Thời ở trường, 2 thằng đã mặc chung cái áo này…”.
Chuyện của nhân chứng sống
Có số máy của CCB Toàn, tôi nhấn số: “Xin phép nói chuyện với anh Toàn, Sư 325!”. “Vâng, tôi Toàn đây!”, rồi anh bắt đầu…
“Trịnh Thúc Doanh vào sau trong đợt đổi quân và được phân về cùng hầm với tôi và Phú. Doanh hiền lành, trẻ măng; tôi còn nhớ, mặt có ít tàn nhang. Doanh kể gia cảnh có bố đang làm việc tại Viện quân y 108... Ngày ấy ác liệt, đạn pháo, đạn đại liên từ máy bay L19 bắn rát 24/24 không ngóc đầu khỏi hầm. Thậm chí mót tiểu cứ đái ra tay rồi hất ra ngoài. Mưa nhiều, hầm ngập toàn bùn trộn lẫn máu nên hôi hám. Lúc vào Thành cổ, Doanh mang theo hộp sữa đặc (chắc của mẹ gói cho trước khi đi). Đói quá, mấy tên lấy thông nòng AK khui hộp rồi thay nhau tu. Sữa quá đặc nên khát nước, cứ thế vục nước sông mà uống. Vậy là cả bọn đau bụng đi ngoài, có đứa khó chịu đánh rắm ra cả quần(!).
Anh em E95 kiên cường giữ được mỏm cuối cùng phía bờ sông, 3 phía còn lại quân địch dần thít chặt vòng vây. Đêm 16/9 được lệnh rút, anh em từng tốp lao ra phía bờ sông. Lúc đó đã muộn. Trời tối đen. Trong nhóm, Doanh chạy trước, tôi và Phú chạy sau. Tới sát bờ thấy Doanh đã nhảy tòm xuống sông. Thật bất ngờ lúc ấy có quả đạn pháo bắn đúng vào chỗ Doanh vừa xuống. Nghe nổ, theo bản năng chúng tôi lăn mấy vòng, khi thấy yên mới nhảy xuống tìm. Hai đứa chỉ dám gọi khe khẽ “Doanh ơi!” vì địch ngay sát. Quờ quạng bơi quanh bờ mà chả thấy. Ranh giới giữa sự sống và cái chết gần nhau gang tấc, không còn thời gian, 2 thằng phải bơi vội sang sông. Thật may khi qua sông không bị quả đạn pháo nào. Sang đến nơi mới thấy pháo sáng rực trời. Cả ngày hôm sau tôi nằm trong hầm ngập nước ở Nhan Biều ngủ li bì. Có lẽ Doanh trúng đạn rồi bị cuốn trôi theo dòng. Khi ấy đang là mùa nước…”.
Trong tôi chợt văng vẳng câu thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”.
Bức phù điêu “Lửa luỹ thành”
Tường “cận” là tay hay chuyện và nhớ nhiều. Sau khi rút khỏi Thành cổ, đơn vị về đóng ở Cửa Việt. Tháng 3/1973 ngừng bắn, Tường lang thang mấy chục cây số đi tìm bạn. Một lần tới C trinh sát F325, Tường gặp Quách Ngọc Lâm (sinh viên Đại học Mỹ thuật, cùng là lính trinh sát với Lê Minh) đang kì cụi gõ, đục vào mảnh đuya-ra cưa từ tấm ghi làm đường băng sân bay dã chiến. Thấy lạ, Tường hỏi:
- Cậu làm gì vậy?
- Đang làm phù điêu “Lửa luỹ thành”.
Nói rồi Lâm cho Tường xem bức phác thảo gắn trên vách hầm. “Tôi ấn tượng thực sự tới hàng chục năm sau. Phác thảo với 2 màu chủ đạo: đỏ rực và da cam”, Tường nói. Ở trung tâm là hình ảnh 3 chiến sĩ quần áo nhầu nát, máu me bê bết; người thì quấn băng trên đầu, người bị thương đang được bạn cõng trên lưng. Nhưng trong tay họ người đang nắm chắc quả lựu đạn chày, người đang dương B40 lên ngắm. Ba anh em tựa vai nhau, lưng dựa vào bờ tường Thành cổ. Bức tường nham nhở vết đạn nhưng rõ từng viên gạch. Lâm diễn giải: “Quân địch mạnh hơn đang bao vây, hòng tiêu diệt những chiến sĩ trẻ. (Tuy không thể hiện hình ảnh kẻ địch, nhưng nhìn nét mặt đằng đằng sát khí của những người lính sẽ thấy). Mắt các chiến sĩ ngời lên ánh lửa, họ sẵn sàng đánh trả. Quanh bờ tường có những đống lửa. Phía sau, bầu trời cũng bừng lên màu lửa…”.
Tường tâm sự: “Thật lạ thiếu thốn, gian khổ như thế mà Lâm kiếm đâu ra cả mầu nước! Lạ hơn giữa cái sống cái chết gần nhau trong gang tấc không làm mất đi sự sáng tạo nghệ thuật! Rồi Lâm tặng phù điều này cho Hồ Tú Bảo, lính trinh sát, nay là giáo sư, tiến sĩ đang làm việc ở Nhật.
Ngày ấy, F325 được gọi là Sư đoàn Ái Tử, E95 gọi là Thành Quảng, còn E101 là Triệu Phong... Sau này cánh CCB sinh viên F325 về thăm và tặng Bộ chỉ huy quân sự huyện Triệu Phong, đơn vị đóng ngay sân bay Ái Tử, bức phù điêu bằng đồng, kích thước 60cm; nhưng có đưa thêm hình tượng o du lích đang cầm khẩu AK”.
Thầm nghĩ, giá có nhà tài trợ cùng nhà điêu khắc nào thực hiện được ý tưởng đưa bức phù điêu ra 1 vị trí ở Thành cổ thì chắc chắn sẽ là biểu tượng cho CCB sinh viên Hà Nội trong những ngày chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thân yêu! Lúc chia tay, Tường còn nói: “Ngày mai là ngày nhiều bạn hy sinh…”.
2 nhận xét:
1 lần ngồi nhậu với 1 đám cựu binh ở Quảng trị, tôi đọc bài "Đò xuôi Thạch Hãn...". Cả đám liền hát lên và nước mắt vòng quanh. Tất cả đều khẳng định tôi đã từng ở đó, nói thế nào chúng nó cũng ko tin. Thôi thì đành gật đầu vậy. Nhiều khi nói thật còn khó hơn nói bậy !
HMK6
Hôm trước con gái của bác chính ủy sư 320 tham gia quang đánh Quảng Trị 72 vào SG chơi. Khi quay trở ra, tôi có điện chia tay. Đúng thời điểm ấy thì xe của em đang trên cầu Thạch Hãn. Cô bạn nói" em đang lẩm nhẩm đọc lại bài thơ mà em làm một vài năm trước. Khi về Quảng Trị thăm lại nơi bố em và những người lính của cụ đã hy sinh và bỏ lại một phần xương máu. Tôi sẽ gửi bài thơ đó cho các bạn đọc. Em giờ là hiệu phó một trường sư phạm.Đ.D
Đăng nhận xét