Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

Ông bạn tôi

Dẫn: Tôi có 2 ông bạn. Ông nào cũng thân. Một ông thì chịu ơn ông kia, còn một ông thì luôn vô tư giúp bạn. Một ông rất muốn viết về bạn mình (“Tôi biết đã đến lúc nên nêu gương tốt cho bạn bè hiểu nhưng tự mình viết ra thì không thật tế nhị”!), còn một ông thì không muốn ai ca ngợi những việc mình đã làm.

Thôi thì vì việc chung, xin chấp bút hộ bạn nhưng không nêu đích danh, còn ai muốn hiểu thế nào cũng được! (Đại tá Lữ)

“Nhớ ngày xưa thân ái…”

Xin đựoc dùng một đọan ca khúc tôi hay hát ngày xưa để vào đề. Tôi và P ngoài tình bạn Trỗi còn là anh em kết nghĩa vì cùng là đồng hương Thừa Thiên - Huế. Theo tôi, P là đứa bạn chín chắn, thuỷ chung, ít nói, không phô trương và nhiều điều sâu thẳm luôn giấu kín trong lòng. Đầu những năm 1970, cùng ở Đại học Quân sự trên Vĩnh Yên, P là học viên Khoa Cơ điện nên thường qua thăm. Thấy tôi nghiện thuốc thì mỗi lần sang lại dúi tiền vào tay, mặc dù lúc đó P chỉ có phụ cấp 5 đồng. Ông già P, ngày ấy là Vụ trưởng Vụ Thể thao quốc phòng, biết bạn con là đồng hương nên cụ rất quý.

Cuộc đời binh nghiệp trôi nổi, 2 đứa bặt tin nhau… Cho tới giữa năm 1994, P ra Hà Nội hỏi thăm thì biết tôi đang sống ở Huế. Thế là P bay vào Huế tìm bạn. Thấy tôi suốt ngày lang thang các xó xỉnh, trưa về lại ôm chai rượu rồi thơ thẩn vớ vẩn, cuộc sống bế tắc. P lo lắng: “Cứ mãi như thế thì chết. Ông vào Sài Gòn đi, có việc làm, có tiền để sống!”. Tôi bàn với vợ rồi khăn gói vào thành phố. P giao cho chân chạy vật tư.

Từ chính cái văn phòng của P mà tôi gặp lại bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp. Đối với tôi đó là bước ngoặt của cuộc đời. Bạn bè có nhau, tôi có công việc rồi thì xa được rượu. Vào đến thành phố tự nhiên con mắt mình được mở to ra, không còn như “e'ch ngồi đáy giếng”. Vào thành phố tôi thấy mình trẻ ra, khỏe ra.

Bạn với chúng tôi và với đời

Sau khi ra trường, P về quân chủng Hải quân, công tác đến chục năm, từng tham gia mặt trận biên giới Tây Nam. Bị thương rồi chuyển ngành vì từng là lính hải nên ra làm thủy thủ tàu viễn dương. Tham gia những chuyến hàng “công-tư kết hợp” cho đến khi đánh “hàng chợ” không còn ăn, P cởi áo lên bờ và hoạch định một hướng đi nghiêm túc.

Từ một chàng trai mặc áo lính không hiểu biết tí gì về kinh doanh, P chịu khó học thêm trong sách vở cũng như thực tế ngoài đời. Bắt đầu là một số vốn nho nhỏ, sau một thời gian nhờ sự quan hệ, giao tiếp, cộng thêm ít nhiều may mắn mà P có một số vốn đáng kể. Sự thực đã đưa anh đến những thành công nhất định. Có lần hỏi: Bí quyết của sự thành công?, rất nhanh P nói: “Chữ tín! Đơn giản vậy thôi!”. Là doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực may mặc, nhưng với P không bao giờ thoả mãn. Khát vọng, hoài bão của một thời trai trẻ luôn bùng dậy. Anh luôn cân nhắc, đắn đo và thận trọng với những hoạch định, những ý tưởng. Với đối tác – anh luôn thân thiện, cùng bắt tay vào công việc. Chúng tôi hay đùa: P là nhà doanh nghiệp luôn tiếc thời gian.

Ngoài công việc P là một người bạn đúng nghĩa, sẵn sàng nhường nhịn, sống trung thực, luôn gần gũi và giúp đỡ mọi người. Không chỉ tôi mà P còn giúp nhiều anh em. Hễ biết ai khó khăn, nghe Ban liên lạc vận động là ủng hộ liền. Con bạn bè cần chỗ thực tập thì P gật đầu: “Cứ cho về đây, tuy thực tập nhưng có cơm nuôi. Nếu làm có hiệu quả thì có lương. Sau này thích làm ở đây thì OK liền. Nhưng nhớ là phải làm việc nghiêm túc!”. Với thày cô cũng vậy. Thày Trần Sinh ở tận Cần Thơ có cô con gái thất nghiệp, P nhận về làm thủ kho, phụ trách cấp phát nguyên phụ liệu. Vậy là em nó tự lo được cuộc sống, đỡ vất vả cho thày. Chuyện như thế đếm mười đầu ngón tay vẫn còn thiếu!

Khó khăn của công nhân luôn chồng chất và muốn họ gắn bó với mình thì trước hết phải đồng cảm, biết sẻ chia những điều bình thường nhất. Vậy là ông giám đốc luôn động viên, chia sẻ và ước vọng cải thiện mức sống cho anh em.

Không chỉ mình P là bạn tốt

Sẽ khiếm khuyết nếu không nói về chuyện có dư vị tình yêu của chàng sĩ quan hải quân trẻ. Trong những ngày chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, P bị thương và được chuyển ra Hà Nội. Cũng như bao người lính P được điều trị và chăm sóc chu đáo. Rồi người sĩ quan trẻ ấy lọt vào mắt của cô bác sĩ trẻ mới ra trường. Cô thường đến chăm sóc anh. Những cử chỉ thiện cảm rất đỗi vô tư làm cho trái tim anh rung động. Khi vết thương dần lên da non cũng là lúc tiếng gọi tình yêu thì thầm nơi sâu thẳm. Những ngày vắng cô, lòng anh trống trải; khi cô xuất hiện với vẻ mặt tràn đầy sức sống, lòng anh rung động mãnh liệt. Họ không nói với nhau nhưng chỉ cần qua ánh mắt thì mọi ngôn ngữ trên đời bỗng nhạt nhẽo đến vô vị. Những khoảnh khắc ánh mắt trao nhau – đó là nụ cười, là sự sẻ chia, là sự đùm bọc cho ngọn lửa lòng ấm dần lên. Rồi họ trao nhau những nụ hôn rung động đầu đời. Họ thực sự là nửa còn lại của nhau. Tình yêu đẹp tác thành hạnh phúc đôi lứa…

Chả khác gì chồng, bà xã P cũng rất nhiệt tình với bạn bè, nhất là con cái lính Trỗi. Là bác sĩ nhi, chị say mê với việc khám, chữa bệnh cho các cháu. Giỏi là tòan dùng thuốc nội hay lá lẩu mà lại chữa khỏi bệnh.

Đi đâu họ cũng có đôi nên chúng tôi bình bầu đây là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất!

Tâm tư

Chúng ta đã qua bên này dốc của cuộc đời. Ai cũng có những ưu tư, trăn trở, muốn chạy đua với thời gian. Rồi cuộc sống bận rộn đã lấy đi nhiều kỷ niệm của thuở xa xưa, thậm chí có ai đó thờ ơ quay lưng lại với quá khứ. Nhưng riêng P vẫn là người bạn mẫu mực thuỷ chung, luôn là một nốt nhạc nhen lên sự sôi nổi của một thời, vô tư hàn gắn những kỷ niệm mà vô tình lúc nào đó chúng ta đã lỡ quên…

Không có nhận xét nào: