Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU

Người xưa nói: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” quả không sai! Vốn có 15 năm liên tục là học trò, từ lớp 1 cho đến hết đại học, tôi đã gặp những gì đúng như người xưa đã dạy. Xin kể lại những mẩu chuyện về sinh viên quân sự trên những chuyến tầu ngược xuôi Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước.

Về thăm nhà thời chiến

Thời sơ tán đánh Mỹ và cả sau này, chúng tôi đóng quân quanh thị xã Vĩnh Yên (ngày đó thuộc tỉnh Vĩnh Phú), xa Hà Nội quãng 60km và cách khu nghỉ mát Tam Đảo có 24km. Mỗi lần được phép tranh thủ về Hà Nội là niềm hạnh phúc lớn. Ngày đó mới mới 19-20, chưa đứa nào có vợ con, về Hà Nội chỉ để ngắm phố phường, đi chơi với bạn bè (có thể cả bạn gái) cho đỡ nhớ, thứ đến mới là thăm cha mẹ và gia đình(!).

Trước năm 1972, nếu không bắt được xe khách Vĩnh Yên – Hà Nội chạy chuyến cuối vào 4 giờ chiều thứ bảy thì đành ra ga đợi chuyến tầu muộn. Tầu thời chiến không bao giờ chạy đúng như lịch. Nên thường vật vờ ở mấy quán nước của em Ninh-Khang hay Hòa–Thuận tới tận đêm tầu mới về. Lên tầu rồi thì ngồi ngủ gà ngủ gật. Giữa mỗi toa treo một chiếc đèn bão lắc lư theo nhịp tầu. Mờ sáng mới về đến ga Hàng Cỏ. Mặc, miễn là đến nhà.

Sau ngày Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại lần 2 ra miền Bắc, C343 sơ tán vào sát chân Tam Đảo. Mỗi lần “được phép lên bờ”, phương tiện về Hà Nội duy nhất là chiếc xe đạp. Mỗi đứa dù sơ tán ở đâu cũng cố mà mang theo chiếc xe (Thống nhất, Vĩnh cửu hay “xịn” hơn là Phượng hoàng); không có thì phải mượn chị em nuôi quân chiếc xe tiếp phẩm. Ngày đó, ai có xe “cuộc xì-po” (Liên Xô), hay Eska (Tiệp), Diamant (Đức) là loại người được kính nể. Xe ngoại mỗi khi đạp pê-đan thì nghe tiếng líp kêu tanh tách. Đã!

Từ sớm phóng xe rời cửa rừng ra thị xã, xuôi quốc lộ 2 về tới Phúc Yên thì rẽ phải ở ngã ba Thanh Tước tới Chèm. Các địa danh như đồi “79 muà xuân” - nơi Bác Hồ đã trồng cây lưu niệm, hay trận địa tên lửa sư 361... trở nên quen thuộc. Đạp đều đều quãng 9-10 giờ sáng thì tới bến phà Chèm. Đến Chèm thì cảm thấy thủ đô chỉ còn trong gang tấc… Đứa nào cũng xốn xang phóng xe ngược gió dọc theo đê về dốc Yên Phụ. Xa và khó như vậy mà nhiều anh không phép vẫn cứ tranh thủ trốn về Hà Nội khi nhớ bạn!

Những chuyến tầu xuôi ngược - hiểm nguy rình rập

Sau trận “Điện Biên phủ trên không” cuối 1972, chiến tranh chấm dứt trên miền Bắc, hội nghị Paris lại tiếp tục. Các lớp thu quân về doanh trại cũ ở thị xã. Việc giải quyết “đi tranh thủ “ vào ngày nghỉ thành lệ. Thứ bảy, như bất cứ ngày nào trong tuần, vẫn phải học 6 tiết buổi sáng và 3 tiết tự tu chiều. Riêng ai đã đăng kí đi tranh thủ là suốt buổi sáng cứ thấp thỏm chờ C trưởng Bỉ đưa danh sách xuống. Chỉ sợ bị trên gạt khỏi danh sách, (mà lí do ai cũng chính đáng!). Anh nào có tên trong danh sách “đi tranh thủ” đã được Ban Chủ nhiệm khoa duyệt thì có thể “vù” ngay sau tiết cuối, kịp bắt chuyến tầu 12 giờ xuôi Hà Nội.

Tầu tuyến Hà Nội – Lao Cai thường là tầu chậm (chạy 20-30km/giờ), ngày nào cũng đông vì tuyến đường quá dài. Riêng chuyến tầu xuôi trưa thứ bảy và chuyến ngược chiều chủ nhật thì “chật như nêm cối”, vì có sinh viên các trường cùng về Hà Nội “thăm u” và nhận tiếp tế. Dọc tuyến đường này, lên đến Việt Trì có Đại học Công nghiệp nhẹ, ở Vĩnh Yên có các trường trung cấp Giao thông, Cơ khí và Đại học quân sự, tại Hương Canh có Xây dựng, còn Phúc Yên thì ôi thôi… nào là Tài Chính, Kiến trúc, Sư phạm Xuân Hoà, rồi Trung cấp Văn thư – bảo mật, In ấn, v.v... Sinh viên chỉ ngoan trong giờ học, còn trên tầu về Hà Nội thì có thể khẳng định là “không”!

Số sinh viên của cả chục trường nhồi hết lên chuyến tầu chợ chạy vào giữa trưa thứ bảy thì tầu nào mà chứa nổi?! Cứ mỗi khi tầu vào ga có sinh viên thì ắt thấy cảnh “phi thân” qua cửa sổ ào ào lên tầu. Nếu trong toa đã chật khách cùng thúng mủng tùng xèng, thì cánh vào sau phải dồn dần ra hành lang đầu toa, rồi chen lấn đứng ở bậc lên xuống, hoặc treo người lơ lửng giữa chỗ nối hai toa, mặc cho nhà tầu có nhắc nhở hay không. Bí quá thì đành tìm chỗ trong toa-let, hai chân dạng ra, tay bịt mũi, tay ôm cặp (và khách nào có “nhu cầu” thì cũng “xì-tốp” luôn. Nhịn!). Nếu chật hơn nữa thì đành dùng phương pháp “người nhện”, tay ôm lấy cửa sổ, hai chân đứng lên thanh thép chữ I chịu lực của toa. Mỗi ô cửa số có thể chứa được bốn, năm chú và mỗi toa có đến mười cái cửa sổ mỗi bên, thì có thể nhẩm tính được bao nhiêu chú có chỗ đứng để đi tầu về nhà. Có những chiều thứ bảy, khi tầu chạy qua các ba-rie, dân chúng thấy hàng trăm lính, sinh viên bám cửa số toa tầu. Khiếp!

Còn mỗi khi tầu chạy qua cầu, vì khoảng cách từ thân tầu tới thành cầu quá hẹp (quãng 30-40cm), nếu tầu chạy nhanh, các chú bám thành tầu hay đứng ở các bậc lên xuống không kịp nép mình vào trong là bị gạt xuống sông một cách “vô tư”. Cầu Hương Canh, Phúc Yên hay Thạch Lỗi là những nơi “đón” nhiều chú sinh viên về với hà bá. Riêng trường Quân sự có Cao Quý Vũ (con chú Cao Văn Khánh) khi lên trả phép, vì tầu chạy đêm, gió mát, Vũ vừa ngả người ra đón gió thì bị thành cầu Hương Canh bất ngờ gạt xuống sông. Khi vớt xác lên vẫn còn thấy một vết thương hằn lên mặt. Thật là tội nghiệp!

Khi đã hết chỗ đứng bên cửa sổ, thì xin mời… lên nóc. Sinh viên thật vô tư trước cái chết cận kề(!?). Có chú trở về trường sau một ngày no say với mẹ, leo nóc tầu, có gió mát trăng thanh, tầu lại xình xịch ru ngủ, đang mơ màng… thì tầu chạy ào qua cầu, theo phản xạ tự nhiên giật mình ngồi dậy. Thế là bị khung giằng cầu gạt xuống sông. Sớm hôm sau, bạn bè lại lặn ngụp tìm xác…

Cái chết của kẻ đi trước không là bài học cảnh tỉnh cho những chú đi sau. Sinh viên xa nhà như những con thiêu thân “pu-pha si-sâng” (không sợ hy sinh!) mỗi khi trao mình cho nhà tầu. Còn nhà tầu thì tỏ ra bất lực trước những cái chết của sinh viên. Sau này, mỗi khi qua cầu, cả đoàn tầu phải đi chậm lại, hú còi ầm ĩ báo động rồi mới từ từ bò qua. Riêng hai đầu cầu Phúc Yên cách 50m phải dựng hẳn một khung sắt treo tòng teng những sợi cao su dài đánh động cho cánh ngồi nóc.

Không có nhận xét nào: