Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (tiếp)

Trốn vé tầu

Mua vé tầu cũng là một đề tài lớn của sinh viên. Bọn con trai suốt 5 năm học, nếu đã đi tầu thì đều không có “khái niệm” mua vé ngay từ ngày mới lên trường do ma cũ đã dạy lại; còn bọn con gái - những chuyến đầu thì “có” (vì sợ), sau mươi chuyến thì “lúc có, lúc không”, đến khi sắp tốt nghiệp thì “không luôn”. Lý do: sinh viên nghèo, hơn nữa nghịch ngợm là bản tính, nên tật này thật khó mà sửa và rất dễ lây(!). Khi tầu về Hà Nội, đa số bọn con trai đều nhảy tầu trước khi vào ga, bọn con gái thì đành theo tầu xuống ga và nằn nì xin xỏ với lí do “no money”.

Khi đi tầu ngược thì đành mua vé, vì có vé mới được vào sân ga (không hiểu vì sao ngày đó nhà tầu lại không bán vé tiễn, hay vì phát hiện ra mánh mua vé tiễn để đi lậu của sinh viên?), nhưng vé cũng chỉ mua tới ga Yên Viên hay Đông Anh thôi. Tiết kiệm là “quốc sách”! Và tầu đã chật thì nhân viên soát vé cũng không thể chen chân lên được để mà kiểm. Riêng số cao thủ thì có thể nhảy lên tầu ở chắn tầu Nguyễn Khuyến, Cửa Nam.

Với anh em bộ đội còn có bài sửa “đát” vé cũ. Tranh thủ nhộm nhoạm khi trả vé mà nhân viên soát vé không để ý là biến! Nhưng dùng vé giả mãi nhà tầu cũng phát hiện. Có lần tác giả bài viết đã chuẩn bị sẵn vé giả trước khi ra tầu, đề phòng bị phát hiện, anh ta lột mũ mềm và quân hàm cho vào túi, thản nhiên ra cổng giơ vé lên cho nhân viên kiểm vé. Liếc qua thấy vé đã nhầu nát và sửa lại ngày tháng, nhân viên soát vé hô lên: “Vé giả!”. Nhanh như sóc, anh ta ngồi thụp xuống không cho bà ta tóm tóc rồi khom người vụt ra ngoài. Hú viá! Chạy một mạch ra cửa ga về nhà mà cứ sợ bị đuổi theo sau.

Chuyện trốn vé mỗi chuyến đi về được thú vị kể cho nhau nghe sau mỗi ngày chủ nhật. Chẳng may cũng lọt đến tai các đồng chí cán bộ đi học. Vì thành tích học tập, rèn luyện, có anh bạn sắp được chi bộ xét kết nạp vào Đảng từ năm thứ 3, nhưng khi thông qua chi bộ, có đồng chí già đã phát biểu: “Cho dù học giỏi, nhưng anh ta chưa đủ tiêu chuẩn, vì: khi đang đi học đã lấy của Nhà nước một chiếc vé tầu, sau này ra công tác nếu quản lý tài sản lớn…”. Thế là anh ta phải thử thách thêm hai năm nữa(!).

Những trò nghịch ngợm

Khách “trí thức” nhiều như thế cũng là dịp để lính tranh thủ làm quen. Nào là các em Xây dựng, Kiến trúc, nào là các tiểu thư Sư phạm, Tài chính… Mà em nào gặp rồi cũng khen các anh quân sự hóm hỉnh, biết nhiều chuyện tiếu lâm. Nhiều mối tình đường sắt đã nảy nở, và cũng không ít cặp nên vợ nên chồng.

Tầu về đêm, trong toa chẳng đèn đóm, tối om. Ai cũng mệt nhòai vì tầu chạy quá chậm. Ngủ gà ngủ gật, có nhiều em ngả luôn đầu vào vai anh bộ đội kề bên mà ngủ. Tuy vậy ở chỗ vắng đầu toa vẫn có những cặp không ngủ, họ thì thầm trò chuyện. Rồi tay trong tay lúc nào không hay. Có anh đã “dũng cảm” thể hiện tình yêu của mình. Cũng có những lúc tầu quá chật, vai liền vai, người liền người mà áp dụng cả bài “gắn huân chương củi chỏ” hay “chuyền bóng không sân” với bạn tầu.

Tầu đã đông thì bao giờ cũng chật và hôi hám. Mùi hôi của những chuyến tầu không kịp dọn vệ sinh, mùi mồ hôi lâu ngày không tắm gội của mấy bà buôn chuyến, mùi mồ hôi của những ai phải chen lấn xô đẩy tìm chỗ trên tầu. Các bà buôn chuyến hay đi tầu với lính còn học tập được nhiều thuật ngữ quân sự. Có chuyến chật quá, anh em cứ thế chen lấn lên tầu, mấy bà không chịu được kêu oai oái: “Tại sao các chú cứ “tấn công đít” vào mặt tôi?”, có bà đang thiu thiu ngủ chợt kêu ầm lên: “Tại sao ướt hết đít quần tôi thế này?”. (Hoá ra vì tầu chật, hết cả chỗ “li lái”, mấy chú lính phải nhè nhẹ “dí cái ấy vào tường” để giải quyết, nước chảy xuống sàn mà mấy bà đang ngồi bệt bị…).

Nhảy tầu - thượng sách!

Sinh viên dân sự có trò gì thì sinh viên quân sự có trò ấy. Năm thứ 5, tôi và Chí Hoà được phong vượt cấp từ binh nhì lên thượng sĩ. Lần đó, anh em cùng về rất đông và rủ nhau tập nhảy tầu. Bọn lính Hà Nội trước đây cũng đã từng thấy bọn “phủi” nhảy tầu điện, nhưng tầu điện chạy nhanh không như tầu hoả. Nghe nói Võ Minh từng là công an, biết võ, nên tụi tôi nhờ anh lên lớp mấy động tác nhảy cơ bản: quay mình ngược lại hướng tầu chạy, thả tay ra, khi chân tiếp đất thì chạy là là vài bước, v.v... Trưa hôm đó, cả bọn về tới ga Đầu Cầu thì nhường chỗ đầu toa cho Võ Minh. Một tay ôm hũ mắm tôm (do nhà bạn gái - con ông Dật, Tỉnh đội trưởng Vĩnh Phú - tặng), một tay bám lan can và anh thả người nhảy xuống đất. Chả hiểu có áp dụng đúng lý thuyết hay không mà thấy ông ta ngã cái uịch, rồi nghe tiếng “bốp” đập xuống sân ga. Chắc toi rồi vì đầu đập như thế xuống đất thì thể nào cũng chấn thương sọ não. Tầu cứ thế đổ dốc về ga, nhưng đến Trần Phú bỗng nhiên phanh lại. Thế là hạ cánh an toàn. Về nhà mãi hôm sau mới dám gọi điện cho Minh thì mới biết cái tiếng “bộp” ấy là do hũ mắm tôm đập xuống đất. Hú hồn! Nhưng chứng nào vẫn tật ấy, sau lần đó anh em tôi vẫn nhảy tầu đều. Ga Đầu Cầu và các chắn tầu Trần Phú, Điện Biên, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam là bãi đáp. Cả tuần không thấy mặt nhau, nhưng cứ chiều thứ bảy thì thầy, trò lại chạm trán trên tầu. Rồi nhảy cũng thành thợ, chẳng phải phức tạp như Võ Minh, cứ ngả về phía sau, thả tay ra cho người xuống tự do, khi 2 chân chạm đất thì chạy theo một đọan rồi dừng. Xong!

Nhớ mãi một chiều thứ bảy, cận lễ 2-9-1977, tầu xuôi Hà Nội đông khiếp khủng. Cánh chúng tôi cũng cố len được vào trong toa. Phải tới tận Gia Lâm mới bớt chật, một số sinh viên đã xuống ga. Qua cầu Long Biên, tới ga Đầu Cầu các chú bắt đầu nhảy. Tầu không hề giảm tốc (hình như họ cố tình “hại” anh em). Nhiều chú vừa chạm đất là ngã, ngã hàng loạt như người ta ngả chuối. Khủng khiếp! Khi tầu qua Trần Phú, Điện Biên, rất ít chú dám liều mạng. Tôi thầm nghĩ, có lẽ phải theo tầu vào ga rồi tính sau vậy! Toa tôi ngồi hôm đó là toa “made in Việt Nam”, cửa lên xuống ở giữa. Anh em đã lần ra đứng ở bậc lên xuống nhưng không dám nhảy vì thấy tầu chạy nhanh khác thường. Cạnh tôi là một chú sinh viên Xây dựng. Khi toa lướt qua Nguyễn Thái Học, chú dũng cảm bay xuống. (Là người Hà Nội, chắc không ai quên, dọc Nguyễn Thái Học trước đây có đường tầu điện cắt ngang đường tầu hoả). Nhưng tại chỗ giao nhau phần nhựa đường đã bị bóc, đường ray xe điện lòi hẳn ra. Vừa chạm chân xuống đất, theo quán tính chú bị kéo theo đến 5-7m, rồi chân chú vấp ngay vào đường ray xe điện. Lập tức đổ vật người xuống đất, toàn thân lao vào gầm tầu. Có tiếng hét: “Chết rồi!”. Tôi rùng mình, chắc bánh tầu đã cán lên người chú? Tầu tiếp tục lao đi mà không hề giảm tốc. Bậc lên xuống tôi đang đứng lướt qua đầu chú. May mắn làm sao, chú không hề bị va chạm. Quay lại thấy chú lồm cồm bò ra, rồi từ từ đứng lên như một cái xác không hồn, ngơ ngác lững thững đi về phía chắn tầu. Thấy một cảnh sát trật tự đi lại, chú “tự giác” giơ ngay hai tay cho anh ta. Về sau nghĩ lại, số hắn chưa chết vì hôm đó đã chọn đúng “toa Việt Nam”. Nếu toa Trung Quốc thì “xong” rồi (vì cửa toa bố trí ngay cạnh cụm bánh!)… Và thật may mắn, đúng lúc căng thẳng nhất thì cả đoàn tầu dừng lại, tôi nhẹ nhàng bước xuống tầu miệng huýt sáo vang…

Sau này, khi lên giáo viên, nếu không có vé xe tuyến do nhà trường bán, tôi lại ra tầu và “chịu trận” cùng học viên. Tôi vẫn nói với các em: “Thầy sẽ vẫn nhảy tầu cho tới khi đeo quân hàm trung tá”. Chỉ sau khi được ông anh rể về Nam để lại cho chiếc Honda 50, thì mới chấm dứt những ngày bươn bải trên tuyến đường sắt. Anh em tôi tổ chức cùng đi về Hà Nội bằng xe máy, vi vu hơn, tận dụng được nhiều thời gian hơn. Khi lên trường thì rủ nhau đi từ 4-5 giờ sáng thứ hai, lên vẫn kịp chào cờ. Bọn tôi đi thường xuyên đến mức có thể nhớ đến từng ổ gà ở trên đường.

Đời lính xa nhà thật vất vả!... Sau này, khi sang Đức, có thời gian tôi lại gắn liền với nhà tầu. Đó là chuyện đi dọn vệ sinh tầu hoả ngày thứ bảy, chủ nhật khi ở Dresden mà anh em đã từng được đọc.

TpHCM, 8-2001

Không có nhận xét nào: