Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

KỶ NIỆM VỀ XƯỞNG PHIM QUÂN ĐỘI

Đạo diễn điện ảnh, đại tá Dương Minh Đẩu từng 20 năm làm giám đốc Xưởng phim Thời sự tài liệu quân đội (từ ngày mới thành lập) nhớ lại: Năm 1958, chuẩn bị kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội, các mảng báo chí, triển lãm, ca muá nhạc… đều đã lên kế hoạch dàn dựng, riêng phim thì chưa có. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh quyết định: Nhân dịp này cho ra được một bộ phim tài liệu truyền thống của quân đội. Phó chủ nhiệm Lê Quang Đạo đã giao nhiệm vụ cho 2 đ/c Ngô Luân và Trần Việt đi gặp các nhà làm phim của Bộ Văn hoá bàn bạc. Cuối cùng đạo diễn Hoàng Thái nhận lời, còn Trần Việt là chủ nhiệm phim. Mệnh lệnh đơn giản: “Bộ đội lo mọi thứ, thiếu thì đi thuê và phim phải trình chiếu vào 22-12-1959!”.
Được Xưởng phim Thời sự - Tài liệu TW giúp đỡ, tới tháng 11-1959, bản dựng đầu tiên được thông qua. Vì có cảnh Bác Hồ đọc lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, nhưng năm 1946 ta không ghi được, đoàn làm phim đề nghị xin phép cho ghi âm lại lời Bác. Ba ngày sau, Bác đồng ý và đoàn đã tổ chức ghi âm được giọng nói của Bác tại Phủ Chủ tịch. Một tư liệu lịch sử vô giá! Và bộ phim “Dưới cờ Quyết thắng” đã ra đời đúng dự kiến, kịp phục vụ bộ đội và nhân dân vào dịp 22-12-1959.
Tin tưởng vào cán bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định cho thành lập Đoàn Điện ảnh quân đội. Tháng 8-1960, hơn ba chục anh em từ đơn vị trong toàn quân được gọi về. Đa số đều là cán bộ tuyên huấn hay văn công, hầu như chưa có khái niệm về điện ảnh, khoảng chục anh từng làm công tác chiếu bóng(!) ở đơn vị. Ông Phan Quang Định đang công tác ở Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc nhưng mê chụp ảnh mà xin về Đoàn. Chỉ duy nhất Trương Thành Hỷ đã học qua về quay phim với thầy Khương Mễ từ hồi ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Các nhà văn Hoàng Văn Bổn, Phù Thăng, nhà thơ Lưu Trùng Dương được phân lo phần kịch bản. Sáu tháng đầu, anh em mời thầy Khương Mễ, Trịnh Thanh… về dạy cách quay phim, chụp ảnh. Bộ Văn hoá mở lớp học có chuyên gia Liên Xô giảng, anh em xin sang học. Sang năm 1961, ba bộ phim đầu tiên “Trên hải phận Tổ quốc”, “Khi tôi huấn luyện tiểu đội” và phóng sự “Mộc Châu vui đón bạn” được Xưởng phim Thời sự – Tài liệu TW thực hiện, cả đoàn sang “điếu đóm”, vừa làm vừa học.
Sau 2 năm 1962 và 1963 chuẩn bị, từ tháng 5 đến tháng 11-1964, tại Bắc Kinh, 140 diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Quân đội cùng Đoàn làm phim (20 người) được Xưởng phim Bát Nhất giúp đỡ đã quay xong bộ phim mầu kịch múa đầu tiên “Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh” (thời lượng 70 phút). Đây là bước trưởng thành vượt bậc của Điện ảnh quân đội.
Năm 1965, Xưởng phim Quân đội cho ra đời “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, năm 1970 phim đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ nhất. Những năm chống Mỹ, những thước phim thời sự tài liệu quay được ở miền Nam theo giao liên vượt bom đạn ra Bắc, sau đó được Xưởng phim Quân đội sản xuất tại nơi sơ tán chỉ cách Hà Nội 30km để trở thành những bộ phim mang danh Xưởng phim Giải phóng như: “Chiến thắng Dương Liễu – Đèo Nhông”, “Vài hình ảnh Xuân 1968”, “Chiến thắng Côcava”, “Trận địa mặt đường”, “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào”, “Anh pháo binh giải phóng” v.v...
Đầu 1979, trong những ngày sang giúp bạn giải phóng đất nước Chùa Tháp, Xưởng phim quân đội cho ra đời bộ phim “Campuchia 3+4” vạch trần tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Tại Liên hoan phim quốc tế Lai-xích 1979, phim được trao giải thưởng cao nhất – Bồ câu Vàng.
Từ “buổi đầu tay trắng” với “hơn 30 chiến sĩ”, sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, Xưởng phim Quân đội có một quy trình sản xuất phim hiện đại; đội ngũ nghệ sĩ - chiến sĩ làm phim luôn có mặt trên khắp các chiến trường, góp phần cung cấp cho quân dân cả nước những thước phim tư liệu quý giá. Đến cuối thập niên 90, Điện ảnh Quân đội đã giành được 3 giải Bồ câu Vàng, 1 giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế ở Lai-xích và 24 giải Bông sen Vàng, 37 giải Bông sen Bạc tại các kì Liên hoan phim Việt Nam, 2 giải thưởng mang tên nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Joris Iven. Nhiều nhà điện ảnh quân đội được phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT, NSND.
Anh em ta tự hào vì có những phụ huynh lính Trỗi là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Xưởng phim Quân đội ngày ấy: Giám đốc Dương Minh Đẩu (bố Dương Minh Đức k3), Phó giám đốc Đoàn Phú Thực (bố Đoàn Phú Hòa k4, Đoàn Phú Hùng k8 nay vẫn theo nghề phụ huynh), nhà quay phim Phan Quang Định (ba Phan Hòai Thuận k4, Phan Hòai Lưu k5).
Bài viết này như nén tâm nhang tưởng nhớ tới cụ Phan Quang Định và cụ Đoàn Phú Thực! Cũng dịp này xin kính chúc NSƯT Dương Minh Đẩu dù đã qua tuổi “bát thập” nhưng sẽ chiến thắng bệnh tật để sống cùng con cháu và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đất nước!

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Cụ Đẩu đang nằm điều trị tại BV Thống Nhất sau chuyến về thăm lại chiến khu xưa - Cực nam Trung bộ. Anh em rảnh thì sắp xếp đến thăm cụ.