Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

THẦY DẠY TÔI VIẾT BÁO

Cách đây bốn chục năm, khi là học sinh Trường Trỗi, tôi không có vinh dự được học tiết nào của thầy. Và, bốn chục năm sau tôi lại được thầy dạy cho rất nhiều điều. Kể ra cuộc đời cũng là cái duyên cái số cho thầy trò gặp nhau.

… Năm 1992, tôi vào sống ở Tp.HCM. Vốn là lính, thích đọc báo nên mỗi lần tạt qua Cơ quan đại diện Báo Quân đội Nhân dân (đóng trên đường Lý Tự Trọng), tôi có thói quen ngồi cả buổi giở kẹp báo lưu, đọc say sưa. Trưởng Cơ quan đại diện lúc bấy giờ là Đại tá Phạm Đình Trọng. Rảnh rỗi thầy trò lai rai ở quán bia bụi, hỏi ra mới hay sau ngày rời trường năm 1970, thầy xung phong sang Lào chiến đấu. Vốn là giáo viên văn, thầy làm cộng tác viên, sau đó trở về miền Nam được phân về Báo.

Qua những lần tiếp xúc với thầy, tôi nhận được những hiểu biết sơ đẳng về nghề báo. Nhiều người thường nghĩ “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”, nhưng thực ra để có một bài viết đi vào lòng người phải xuất phát từ chính cái tâm của mình. Bài viết sẽ trở nên không có hồn khi mất đi tính chân thực… Biết tôi thích viết lách, thầy động viên: “Em viết được, hãy mạnh dạn lên! Viết rồi anh sửa”.

Năm 2001 sau kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Trỗi, có nhiều ý kiến đề nghị phải xuất bản cho được một cuốn sách ghi lại những kỷ niệm về mái trường thân yêu. Cả bọn ngơ ngác vì đã bao giờ làm sách. Trong lúc đang ngơ ngơ như bò đội nón thì thầy có mặt: “Hãy làm đi, khó đâu vượt đó!”. Thế là anh em Trỗi phía Nam nào Chí Thọ, Chí Quang, nào Nam Điện… đã phát động, thu gom bài vở, biên tập rồi chuyển cho thầy sửa lần cuối. Mỗi lần cầm tập bản thảo thầy đã sửa, tôi như sáng ra nhiều điều, từ cách hành văn, câu cú cho đến kết cấu một bài viết, thậm chí cả việc đặt tên cho bài… Khi sách lên khuôn thì bản thân như vừa tốt nghiệp một lớp bổ túc về viết văn.

Rồi Sinh ra trong khói lửa đến tay bạn đọc. Quyển đầu tay dày gần 400 trang, tuy còn có lỗi nhưng thầy trò khắp từ Nam chí Bắc đều khen ngợi, hài lòng. Vậy là thầy trò tôi đã làm được một việc có ích. Cũng từ sau đó tôi thử viết những bài báo đầu tiên. Mỗi lần đưa bài thầy sửa trước khi gửi, tôi nghiệm ra một điều: Báo chí không được lê thê, chỉ được phép đủ ý, đủ chữ và dễ hiểu. Dần dà tôi cũng được coi là cộng tác viên và có những bài viết được đăng trên Quân đội Nhân dân cuối tuần. Cũng từ đó trên bàn viết của tôi không bao giờ thiếu cuốn Tự điển Tiếng Việt. (Âu cũng là học!).

Năm 2005 kỷ niệm 40 năm Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi phát động toàn trường viết bài cho Sinh ra trong khói lửa (tập II). Với tinh thần Trường Trỗi đến đầu tháng 9 năm ấy, cuốn sách đã ra mắt bạn đọc. Sách dày trên 1.000 trang với hàng trăm bài thơ, bài văn và nhiều tư liệu sinh động. Nhận được sách, nhiều bạn đọc đã nhắn về: “Tôi đọc suốt đêm, ông ạ. Sách thời nay không thiếu nhưng sách hấp dẫn bạn đọc như Sinh ra trong khói lửa không phải là nhiều! Có lẽ nhờ lối viết chân thành, mộc mạc mà các bạn đã làm được những điều mà người khác không làm được!”.

Tháng 10 năm ấy, tôi được thay mặt nhà trường mang cuốn sách đến tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi vinh dự báo cáo với ông:

- Thưa bác, Sinh ra trong khói lửa được thầy trò chúng cháu “tự biên, tự diễn” từ A đến Z. Chúng cháu làm từ khâu tổ chức, biên tập đến dàn trang, thiết kế bìa và cả khâu in ấn. Trong tập II, chúng cháu sưu tầm được những lá thư cuối cùng của 29 liệt sĩ từ chiến trường gửi về… Còn ngoài bìa sách trên phần nền là những gương mặt trẻ trung, thơ dại của các thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi nổi bật lên hình ảnh liệt sĩ Lê Minh Tân - con trai Đại tá Lê Bưởi, lính của bác ở Bộ Tổng tham mưu… (Tôi chỉ vào người chiến sĩ đang đưa tay lên vành mũ, chào rất chuẩn theo điều lệnh). Thưa bác, Lê Minh Tân vào chiến trường B3 nhưng kiên quyết không viết thư về nhà vì đã tự hứa trong lòng: “Vào Đảng mới viết thư về nhà!”. Tròn một năm sau, ngày 26/3/1974, anh được kết nạp vào Đảng và viết lá thư đầu tiên về nhà. Nhưng không ai nghĩ đó lại là lá thư cuối cùng. Đúng sáu ngày sau, người đảng viên trẻ Lê Minh Tân đã anh dũng hy sinh.

Nghe đến đây tôi thấy ông lặng người đi, đôi mắt khẽ nhắm lại. Chờ cho sự xúc động dịu đi, Đại tướng chậm rãi nói với chúng tôi:

- Để lại sách cho đời là một việc làm rất ý nghĩa. Cuốn sách đã ghi lại những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ của Trường Nguyễn Văn Trỗi, nơi góp phần đào tạo ra gần một nghìn cán bộ, sĩ quan cho quân đội. Và bốn chục năm sau, các cháu vẫn nhớ đến những thầy, những bạn đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là đáng quý!

Lời ngợi khen ấy thực sự là một phần thưởng cao quý của Đại tướng dành cho thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Phạm Đình Trọng.

Sài Gòn, tháng 11-2006

(Khi chuẩn bị xuất bản tác phẩm “Nghề báo-Nợ đời-Tình người”, ấn phẩm của Đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân, thầy có mời tôi viết một bài. Khi viết xong bài này gửi thầy thì bị lắc đầu: “Không được, em ạ! Nói về anh nhiều quá!”. Tôi lặng lẽ cất đi, nay mới post cho anh em cùng đọc).

Không có nhận xét nào: