Theo chế độ học viên quân sự, hai năm chúng tôi về nước một lần nghỉ hè và kết hợp học chính trị để “uốn nắn” lại lập trường tư tưởng. Sau một tháng hè thăm gia đình tôi đáp máy bay ra Hà nội. Lên đoàn 871 xem lịch, chúng tôi học vào buổi sáng, một tuần ba buổi, chiều nghỉ ôn tâp đọc tài liệu tự do, kết thúc ba tuần học có viết bài thu hoạch. Sau đó tùy theo vé máy bay các đoàn tổ chức cho học viên của mình quay trở lại nước bạn để bước vào năm học mới.
Chiều nay lang thang tìm thằng bạn cũ mà không gặp. Đạp xe đi qua, đi lại trước khu nhà ngày xưa gia đình tôi ở mà không giám ghé thăm, mang tiếng đi tây về chả có quà cáp gì nên cũng ngại vả lại sau từng ấy năm chắc gì còn ai nhớ tới mình nữa. Sau một hồi vòng vo, tôi đạp xe xuống Cao Bá Quát định thăm bà cô nhưng thấy nhà khóa cửa, thế là tôi quyết định vào quân chủng thăm người thủ trưởng cũ. Xe vừa tới ngã ba trước bảo tàng mỹ thuật tư nhiên đạp thấy nặng, dừng lại nhìn xuống, bánh xe bị non hơi. Thấy góc ngã ba, bên cạnh cột điện có cái hòm chữa xe của một người đàn ông mặc bộ đồ bộ đội, trên đầu cái mũ cối đã cũ che hết khuôn mặt đang ngồi cặm cụi vá xe. Chú làm ơn bơm hộ cái xe, tôi nói thay cho câu chào. Người đàn ông không ngẩng lên vẫn tiếp tục công việc miệng nói: Anh chờ một chút tôi xong ngay đây. Trong lúc đứng chờ tôi lơ đãng nhìn về hướng Văn Miếu, nơi này đây ngày xưa biết bao nhiêu lần chúng tôi lọ mọ đêm khuya, những trưa hè trốn học lang thang đổ dế, bắt chim. “Bơm cả hai bánh nhé”, người đàn ông chữa xe cất tiếng hỏi tôi. Vâng ạ! tôi trả lời và thò tay về túi quần sau rút cái ví chuẩn bị tiền trả. “Anh cho xin một nghìn”, không có tiền lẻ chỉ có tờ 5 nghìn tôi nói: Chú khỏi trả lại. Người đàn ông ngạc nhiên nhướng đôi mắt qua cặp kính nhìn tôi. Lúc này tôi mới để ý kỹ người đứng trước mặt mình. Quá sững sờ tôi chỉ kịp thốt lên: Chú Hùng! Người chữa xe chớp chớp đôi mắt, hình như nhìn không được rõ, ông vội tháo kính ra lau lau vào vạt áo rồi đeo trở lại ngẩng hẳn mặt lên đôi mắt già nheo nheo, mất một lúc: Duy hả cháu? Vâng cháu Duy đây. Tôi thấy những nếp nhăn trên gương mặt chú giãn ra. Sao chú lại ở đây? Tôi ngạc nhiên và ái ngại hỏi. Chú không trả lời, hai bàn tay chùi chùi vào đầu gối quần rồi đứng dậy chìa về phía tôi. Đôi bàn tay thô ráp nắm chặt lấy bàn tay tôi- Rồi chú chậm rãi: “Chú ngồi đây đã hai năm, từ ngày chú nghỉ hưu. Tôi nhìn ra xung quanh thấy ở bên kia đường có một cái quán nước. Tôi nói: Chú nghỉ tay qua bên kia đường uống nước giải lao cái đã. Thế là hai chú cháu chúng tôi băng qua đường.
Cũng như trăm ngàn các quán bán chè chén kiêm giải khát ở thủ đô, trên cái bàn thấp lè tè đủ cả: kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo bột, kẹo dồi, bánh rán, quấn thừng, lạc rang, chè đậu đen, chanh đường, chuối … vài ba chai bia Trúc Bạch tất nhiên dưới gầm bàn bao giờ cũng lăn lóc một vò “nước mắt quê hương” to tướng. Đúng là một siêu thị thu nhỏ. Tôi nói với chú: Chú cháu ta làm chai bia cho mát? Ừ! cho chú xin một chai, sau khi rót đầy hai cốc: Chúc chú sức khỏe, chú cháu ta phải uống cạn, tôi giao hẹn. Cách! Sau tiếng cụng đang khát và trời lại nóng tôi và chú cạn hết cốc bia. Ngồi trầm ngâm một lúc rồi chú chậm rãi: Khu gia đình mình ngày xưa giờ thay đổi nhiều, người cũ đi gần hết, người mới đến đông chả còn biết ai. Lũ trẻ con bọn cháu ngày xưa đứa đi bộ đội, có đứa hy sinh, một số vào đại học, một số rẽ ngang đi làm công nhân rồi lấy chồng, lấy vợ tứ tán cả. Từ ngày về hưu ở nhà buồn chú làm cái hòm chữa xe ra đây nhì nhằng cho vui và cũng muốn kiếm thêm lít dầu, mớ rau giúp cô. Con Thu từ ngày cháu đi bộ đội, rồi sau giải phóng gia đình cháu chuyển hẳn vào nam, chả có tin tức gì nó buồn và ít nói hẳn. Đi làm về lại lao vào giúp bố mẹ cơm nước chăm sóc, lo lắng cho mấy đứa em, nói đoạn chú chép miệng: Nghĩ mà thương, con gái cả, nhà lại đông em Thu vất vả từ bé. Năm sáu năm sau nó mới lấy chồng được hai đứa con trai, ở nhà chồng mãi tận Lò Đúc, trong giọng nói của chú có điều gì đó như có ý trách móc tôi. Rồi chú hỏi tình hình gia đình sức khỏe bố mẹ và công việc của tôi. Tôi kể hết cho chú nghe. Chú nói: thế là mừng, bố mẹ cháu khỏe và cháu thành đạt như ngày hôm nay là tốt, mừng cho cháu. Thế đã vợ con gì chưa? Tôi lý nhí: “cháu lang thang nhiều đơn vị, chả chỗ nào cố định nên cũng chưa có điều kiện”. Ừ! Cháu nghĩ cũng phải lấy vợ rồi cứ biền biệt như bố mẹ cháu, như cô chú đây thì khổ lắm. Hai chú cháu uống tới chai thứ ba, chuyện vui, chuyện buồn, quá khứ, hiện tại cứ đan xen vào nhau không dứt.
- Bà vào nhà chuẩn bị cơm nước đi để tôi trông hàng cho.
Tôi thấy một người đàn ông trong nhà đi ra vừa đi vừa nói với người phụ nữ bán hàng, trên tay phe phẩy cái quạt nan. Đó là một người đàn ông quãng gần sáu chục, người đậm thấp, đầu chắc ít tóc vì tôi thấy cái khăn màu cháo lòng chít quanh đầu còn hở phía trên chẳng thấy tóc tai gì, mặt phương phi, đôi mắt nhỏ hụp xuống, môi mỏng, chiếc áo ba lỗ cũng rung rúc như cái khăn quấn trên đầu. Vừa ngồi xuống ghế người đàn ông giọng đã oang oang: - Chào bác Hùng, từ sáng tới giờ bác bỏ túi được bao nhiêu rồi? - Dạo này nhiều “thợ” quá nên việc cũng ít từ sáng tới giờ mới vá được có cái xe, chú Hùng trả lời xã giao. Rồi chú nói nhỏ giải thích với tôi: Tay chủ quán này là giáo viên bỏ dạy về chạy chợ buôn bán, chú thỉnh thoảng cũng qua bên này uống chén chè , điếu thuốc xã giao qua lại chứ cũng chẳng thân quen gì, tay này ăn nói lung tung và chửi bới chế độ thì khỏi nói, tuy nhiên ngoài nhược điểm trên hắn là người hiểu biết và có kiến thức rộng. Chú Hùng mời tay chủ quán - Làm với chú cháu tôi cốc bia! - Cảm ơn bác, hai bác cháu cứ tự nhiên cho.
Chú Hùng giới thiệu tôi. Ông ta vừa nhìn tôi vừa nói: Nhìn là em biết, da trắng, trông người lại có da có thịt, cái áo bay màu vàng rơm cùng chiếc quần dạ xanh sậm, lại thoang thoảng mùi “gây gây” biết ngay là dân đi tây về. Rồi ông ta huyên thuyên đủ chuyện, nào là sử ta cần viết lại, nào là nhân tài bị thui chột, nào là tham nhũng, đời sống kinh tế khó khăn, nào là lãnh đạo vừa ngu vừa dốt … ví như hôm nay điện cúp từ sáng đền giờ, các ông ấy thích thì cúp, cúp vô tội vạ mà chả biết cúp đến bao giờ, không còn coi người dân là giống gì nữa.
Rồi ông ta quay sang phía tôi: Hồi phổ thông cậu có học ở Hà nội không? Nếu hoc cấp ba
Không chờ tới khi ông ta giới thiệu tôi cũng đã nhận ra người thầy dạy sử của mình ngày xưa, lại một sự tình cờ lạ lùng nữa như sắp đặt vậy. Thật lạ cũng cái miệng này ngày xưa người đàn ông này dạy tôi về cội nguồn dân tộc, truyền thống cha ông, thế nào là lòng yêu quê hương yêu tổ quốc … và bây giờ đây cũng chính cái miệng này lại tuôn ra những điều ngược lại.
Trên cùng một con phố bên này là vị sỹ quan già về hưu – ông “bố vợ” hụt của tôi, cặm cụi vá xe chắt bóp từng đồng xu vừa là kiếm sống vừa là đóng góp một chút công sức có ích cho xã hội còn bên kia đường người thầy dạy sử năm nào mà tôi hằng khâm phục, ngưỡng mộ giờ là anh chạy chợ ma mãnh với đủ thứ ngôn từ chợ búa. Trớ trêu thay?
2 nhận xét:
Tuy là đại tá nhưng ông luôn là người lao động chân chính.
Trong cái thời bao cấp gian khổ ấy đã từng có những câu "ca rao" cứa cổ, đau lòng:
Đầu đuờng đại tá bơm xe
Cuối đường đại úy bán chè đỗ đen
Giữa đuờng thượng úy bán kem
Đầu làng thuợng sĩ thổi kèn đám ma
Đầu chợ trung úy bán hoa(!)
Trong chợ thíêu úy bán gà, bán rau
Hỏi rằng thuợng sĩ đi đâu?
Ba lô lộn ngược xuôi tàu Băc-Nam
...
Chuyện Đời. Thật hay và thấm thía lắm anh D.Đ ạ.
Đăng nhận xét