Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Nhớ mãi kỷ niệm xưa

Hậu Trường Trỗi, nhiều anh chị em lên Đại học Quân sự rèn luyện. Quãng thời gian 5 năm với bao kỷ niệm. Xin cùng hồi tưởng!

1.“Top ten” của Trường những năm 70 :
Võ Một (K2 – Cơ điện)
Ngô Hai (K3 - Vô tuyến)
Trần Tam (K2 - Khoa phó)
Anh Tứ (Tuyên huấn phụ trách “cờ-đèn-kèn-trống”)
Chị Năm (Nuôi quân)
Em Sáu (K4 – giáo viên Xây dựng)
Cô Bảy (Bệnh xá trưởng)
Ong Bát (Hậu cần)
Bác Chín (Đầu bếp)
Anh Thập (K1 - Điện Kỹ thuật)

2.“Chiefs của Trường “
- Vào những năm 70: Dựa vào “đặc điểm” của thủ trưởng nhà trường (cụ Bảo thì thích phát động phong trào thi đua, cụ Đặng Quang Thịnh thì có “tật” nói thêm vào cuối câu “có phải không cơ?”, cụ Chiểu thì hay nói “này kia kia nọ”, còn cụ Hà Hiệu phó thì không dám quyết gì cả, tòan mang ra bàn tập thể) mà anh em giáo viên (có lẽ là Khoa Cơ bản hay Cơ điện) đã có bài ca dao:
Một ông “đánh trống phất cờ”
Một ông “có phải không cơ” suốt ngày
Một ông “đấy nọ kia này”
Một ông “việc ấy đem đây ta bàn” (!)

- Thế hệ lãnh đạo những năm 80 thì:
Hay điện anh Quỳ
Lì xì anh Cảo
Láo nháo anh Chung
Lung tung anh Vọng
Lóng ngóng anh Thơi
Hay xơi anh Tẩy
Sướng hết sẩy là …
anh Nguyễn Bỉnh Chân
Nghệ sĩ nhân dân là …
anh Duy Bảo

- Có thời gian Ban giám đốc Học viện gồm 3 anh “Quỳ-Chân-Giữa” (“Giữa“ - biệt danh của anh Chung”(!) hay “Quỳ-Bằng-Chân” (“Trung” đồng nghĩa với Bằng!).

3. Kỷ niệm Ngày Phụ nữ quốc tế 8-3:
* Trích bài nói chuyện của Hoà thượng Thích Hoan hô: "Hôm nay là ngày 8-3, ngày Phụ nữ quốc tế (Hoan hô!), tôi xin thay mặt nhà trường chúc mừng chị em ! (Hoan hô!).
Điểm lại năm qua, các đ/c đã tích cực phấn đấu. (Hoan hô!). Về học văn hoá có chị em một năm lên hai lớp (Hoan hô!), nhưng cũng có chị em một năm không lên lớp nào (Hoan hô!).
Phát huy tinh thần con cháu Bà Trưng (Hoan hô!), Bà Triệu (Hoan hô!), các đ/c phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như “con cóc (Hoan hô!) … cõng con nhái (Hoan hô!).”

* Thủ trưởng Trần Đan (K2) - một trong những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô năm xưa - họp phụ nữ khoa chúc mừng ngày 8-3: “Cách mạng, nếu không có đàn ông... dứt khoát không thành công! Và... nếu không có đàn bà... thì... cũng... (ngập ngừng)... khó khăn (!)”.

4. Một vài nhân vật của K3 – K4:
Mông em Nhã
Má em Đông
Bình tông anh Thuận
Lí luận Chí Hoà
Ba hoa Bá Báu
Láu táu Khánh Lân
Thích phân anh Độ (Trưởng khoa - rất chăm tăng gia)
Hay trộ anh Trì (Chính trị viên, hay nhắc nhở anh em)
Hay đi anh Phụng (Khoa phó - hay “lặn Hà Nội”)
Béo bụng Sơn Tùng (Bộ môn Cơ sở 2)
Nổi khùng anh Quế (Bộ môn Cơ sở 2)
Phóng uế cũng anh
Lành chỏi lành chanh
Là anh Trần Thông Quế ...
(Ở khu vực đóng quân của K3 còn có “Đại lộ Trần Thông Quế” dẫn từ bộ môn Cơ sở 2 tới WC, nơi anh thường “duyệt binh” nhiều lần mỗi ngày vì căn bệnh đường ruột mãn tính của mình).
Nổi khùng anh Quế
Phóng uế cũng anh
Vẽ tranh Kiến Quốc
Hút thuốc Xuân Căn
Hay ăn anh Dũng
Làm nũng em Toàn
Lo toan anh Hợp
Đau khớp anh Cầu
Ấm đầu Bình dị

5. “Ca dao về anh Đỗ Khôi” do tập thể lớp Vô tuyến 153 sáng tác :
Một yêu anh có “Xế-lô” (anh chơi Violoncéllo)
Hai yêu anh có đồng hồ “Líp-man”
Ba yêu anh có 2 bàn (anh thửa riêng 2 bàn để ngồi học bài)
Bốn yêu anh có một đàn “Jit - Con” (cách đọc chữ “J” và “Constant”)
Năm yêu .....
Chín yêu anh thích phân tươi (anh rất chăm tăng gia)
Mười yêu anh có điệu cười nhăn răng(!)

Đề nghị anh em sưu tầm tiếp “bốn yêu” còn thiếu!

6. Một vài nhân vật khó quên :
* Ông Khai (Xưởng in) rất ghét ông Thơm (Tài vụ).
* Ông Trụ (Công nghệ) thì suốt ngày chạy, còn ông Chạy (Cơ khí) thì quanh năm trụ.
* Anh Chu Quang Đào tức Chao Quang Đù, Lưu Văn Bồng tức Lông Văn Biù.
* Đại đội trưởng học viên Đinh Quý Tạo tức Tao Quy định.
* Ba anh em họ “Bùi” (nếu chêm thêm chữ “ô” vào gữa thì nghe có vẻ hay hơn!): Bùi Côn, Bùi Tròn, Bùi Vuông(!)
* Tập thể C123 có các đ/c :”Sửa – Soạn – Bắc – Cầu – Tiêu”.

7. Những cơ sở cách mạng tại thị xã Vĩnh yên :
* Chị Bệt - cụt một chân, suốt ngày ngồi bán hàng nên anh em đã đặt cho chị cái tên thân yêu này. (Có lẽ không ai trong chúng ta biết tên thật của chị). Đây là quán nước nhiều anh em học viên thường ra “ăn chịu“, thậm chí còn “chôm chôm” vì không có tiền thanh toán.
* Bà Mèo - một bà cụ sống độc thân cùng chú mèo đen. Bà sẵn sàng mời các cháu học viên vào “ăn trả chậm”(!). Nay cụ đã mất.
* Chị Thiện - cơ sở cách mạng lâu dài, đặc biệt của đ/c C.V. Sống rất tình cảm, chị đã “nuôi dấu” nhiều cán bộ và vật tư của nhà trường. Đã có thời gian chị phải đi “chăn dê”(!) ở “trại” Thạch Thất cùng một số học viên của Trường. Khi về, chị kể lại: ”Chúng nó làm khổ chị.. phải xa chồng xa con. Nhưng hàng tháng, ở trại chị cũng được phát lạng đường và hai bao thuốc lá như chúng nó“.
* Anh Lữ - mệnh danh “Đại tá Lữ trưởng dù về hưu”. Gia đình anh là nơi qua lại của giáo viên, học viên K2, K3 và Phòng Cán bộ.
Đặc biệt, khi học viên khóa 4 tốt nghiệp, vì “tình quân dân”, Đại tá đã bán chiếc tủ đứng làm bằng gỗ cẩm lai của mình (mode thời đó) để lấy tiền chiêu đãi anh em. Sau đó, khi được nhận tháng lương đầu tiên, anh em góp lại nhưng không mua nổi chiếc tủ như vậy cho Đại tá (!).
Một lần, hai đ/c sĩ quan không quân và viết sử quân đội lên thăm ông. Quen sống ở chiến trường, đêm nghe tiếng thạch sùng kêu, nghĩ rằng có “mật lệnh hành động”, đ/c sĩ quan viết sử đã bật dậy ... và ...
* Quán “Em Ba Loe” ở bến xe Dốc Láp, quán “Chị em Ninh Khang”, quán “Chị em Thuận Hoà” ở cửa ga Vĩnh Yên... là tụ điểm của giáo viên, học viên sau những giờ học tập căng thẳng. Anh em hay ra nhâm nhi dăm chén trà Thaí cùng kẹo lạc và “đin rít” thuốc lào.
* Gia đình chị Mạc Thị Bưởi và anh Thành (Viện Quân y 109) (nhà nằm trên đường từ thị xã Vĩnh yên đi Việt trì) là cơ sở của học viên các khóa 3, 4, 5 và giáo viên K2, K3.

8.Những câu có cánh: Anh em cán bộ, giáo viên sống rât hài hước , luôn tìm ra những câu chữ vui:
* “Chân lý là chân bà Lý, chứ không phải chân ông Hậu” (Lý – Hậu, K3)
* ”Quân với dân như cá vơí nước. Cá không có nước thì cá chết, nước không có cá thì nước càng trong“(!), hay “.. . nước không có cá thì nuớc buồn “.
* “Dưới sức ép của bom = Dưới sức bóp của em “ (!)
* Làm hầm trú ẩn đã có câu: “Nhà che nắng che mưa, hầm che xương che thịt “.
* Quyết tâm phấn đấu để mang trong mình ba kim loại: “Trên đầu có bạc , trong túi có vàng , trong quần có sắt"(!). Hay "Tóc ánh kim , chim ánh thép"(!).
* Nhớ những ngày bao cấp gian khổ, cuộc sống của gia đình cán bộ được ví: "Ăn uống qua loa - Mặc toàn áo da - Đi xe cố vấn”. Còn cuộc sống của lính thì "Ăn như tu - Ở như tù - Nói thì như lãnh tụ”(!).
* “Kiên quyết theo ... đến còng"(!).
* SIDA = “Some interesting days abroad“ (“Dăm ba ngày vui vẻ ỡ nước ngoài”).
* “Tình xưa nghĩa cũ“ tức “Tình cu nghĩa sữa”, hay “Tình thầy trò” tức “Tình thò chầy”.
* Vì thấy quá mệt mỏi trong cuộc sống , nên anh em đã định nghĩa “đời” là “ĐỜY” (Đê .. ơ .. đơ.. y.. cờ rét .. đơi .. huyền .. đờy) (!)
* “Ngoan cố” = “Ngoan ngoãn - cố gắng” (!)
* Lính tráng chúc nhau: "Hạnh phúc đến đầu bạc răng long, hạnh phúc cho đến khi…sáng ra vừa đánh răng vừa thổi sáo”, (già rụng hết răng, sáng ra phải tháo răng giả ra đánh, còn mồm thì chu như thổi sáo, giống như anh Hoàng Phiều – K2).

9. Sắp xếp nhân sự trong nhà trường :
Một hôm, đ/c Trưởng bộ môn Thông tin Trần Bá Hợp nhận được quyết định của thủ trưởng nhà trường: “... điều động về khoa Cơ khí với lý do: khoa Cơ khí còn thiếu đ/c Hợp cho đủ “bộ sậu": “Cường - Dương - Giao - Hợp - Giang - Mai".
(Đ/c Vũ Tự Cường, đ/c Dương - Vũ khí; đ/c ĐMG - Khí tài quang học; đ/c Ngọc Giang (tự Giang mù) - Thủy lực và nữ đ/c Mai kèn - Tuyên huấn).

10. Đ/c Q. có tính hay quên, một lần gặp cán bộ dưới quyền đã hỏi thăm:
- Thế nào ông cụ cậu khỏe chứ ? Tớ là bạn bố cậu mà.
- Dạ , bố em mất cách đây 5 năm rồi.
- Tớ biết, tớ biết ... tớ hỏi bố vợ cậu cơ ?
- Dạ, em chưa xây dựng gia đình .
- !!!

11. Những “Vì sao đất nước ?” (Patchemu Stranư) :
Các chú về tuyển sinh cho năm học mới tại trường đã “ca hát”:
“Các cháu cứ mạnh dạn lên trường học tập, mỗi cháu được phát một màn tuyn, được uống nước đường mỗi ngày, ăn cơm đặc táo, quần áo quanh năm, mười cháu có một phích nước nóng, hai mươi cháu có một TV, hàng tuần có xe ca đưa về Hà nội thăm bố mẹ, sau một năm các cháu sẽ đi du học ... và sau ...
... Năm năm ăn học thành tài
Trở về đất nước cho vài hướng phương

12. Cho bộ đội xem phim :
- Báo cáo, Tuyên huấn đang định chiếu “Alibaba và 40 tên cướp”.
- Chết, sao lại cho bộ đội xem những phim cướp với bóc.
- Vậy, chúng tôi mượn phim khác “Alibaba và 40 chiến sĩ”.
- Tốt !

13. Nói nhịu: Thủ trưởng động viên: "Các đ/c trong năm qua đã... tức kịch.. à... cực tích... à cức tịch ... không... tức kịch ...vâng , tích cực ... phấn đấu rèn luyện để trở thành những sĩ quan, kỹ sư giỏi. Bố các đ/c, mẹ các đ/c... cả lò nhà các đ/c... đều mong các đ/c tiến bộ”.

14. Các gương mặt điển hình của Trường năm nào :
Bi-đông anh Thuận (nhân viên K3 đi đâu cũng mang theo bi-đông nước)
Má phấn chị Vân (công tác ở Thư viện, lúc nào cũng “make up” )
Chân anh Sắc (ở K3, chân vảy nến, có khả năng sờ điện không giật)
Nách chị Sơn (nách “hơi bị thiu”, chị công tác tại Phòng Hậu cần)
Đờn anh Lịch (nhân viên radar, thích măng-đô-lin nhưng chơi rất dở)
Bút tích anh Khoan (Trợ lý khoa, hay cho ra văn bản các loại)
Xe Balan anh Hiếm ... (Người duy nhất đi xe ngoại ngày đó)

15. Điểm qua Khoa công trình quân sự :
Đùi ông Chân
Quần ông Hợi
Lợi cô Cúc
Húc ông Thuận

16. “Mô hình phát triển khoa học của trường là mô hình quả mít” (!)
Đầu những năm 70, “hạt bí” về phương huớng phát triển mũi nhọn trong nghiên cứu khoa học, vì tự thấy ngành nào cũng cần, ngành nào cũng phải đi đầu, cũng phải tiên phong … Thôi thì, cứ “mô hình hoá” sự phát triển của các ngành khoa học trong trường ta theo mô hình quả mít cho dễ hiểu – (Trích lời một thủ trưởng ngày ấy).

17. Mẫu báo cáo tốt nghiệp của học viên khoa Cơ khí :
Kính thưa anh Hoàng, anh Bảo
Kính thưa anh Cảo, anh Đan
Kính thưa anh San, anh Tạo
Kính thưa Ban giám khảo
Kính thưa các thầy ...

Mời các bạn cùng đóng góp thêm những kỷ niệm ngày ấy!

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Toàn bộ tên các giáo viên bộ môn Thiết bị điện K2 năm 1974-1976 đã ghép thành câu thơ lục bát sau:
Kỳ, Lân, Nhân, Nghĩa, Chuyển, Mình
Thu đen, Tuấn trắng, Liễn, Quỳnh, Kiểm, Giao.
Thực ra anh Thu thì trắng mà anh Tuấn thì đen, nhưng để cho vần phải như vậy.
GM.