Thứ Tư, 30 tháng 4, 2008

CHUYỆN MỘT NGƯỜI MẸ ĐI TÌM CON

Xin kính tặng cô giáo Như Mai và các bà mẹ Việt Nam thân yêu nhân 30/4/2008!

Cô giáo Như Mai[1] có cậu con trai Trần Minh Đức, hy sinh ở mặt trận Tây Nam Huế. Trên giấy báo tử ghi ngày 15-4-1972. Hai chục năm sau, vào dịp sau Tết, quãng 22 tháng giêng, bà đi Chùa Hương cầu Trời khấn Phật. Trở về nhà, một đêm trong mơ bà thấy có một chú bộ đội lẳng lặng vào phòng khách, ngồi co cả hai chân lên ghế. Trong tay chú nắm một cây búa tày hai đầu. Chưa kịp hỏi thì chú đứng dậy, nói: “Con gửi bạn Ninh giữ cái búa, nhà ở Lò Sũ…”. Khi thấy anh vội đi, bà hỏi: “Thế bạn con ở nhà số mấy?” nhưng chỉ nghe văng vẳng nói với lại “đâu như 25 hay 52”.

Ngay hôm sau, bà tìm về Lò Sũ. Đến đầu ngõ, bà được lũ trẻ dẫn đến nhà chú Ninh, một anh bạn trắng trẻo, đẹp trai. Nghe giới thiệu là mẹ của liệt sĩ Đức, Ninh mách bà tìm gặp một đồng đội khác gần gụi hơn, đó là Tiến “trắng”. Gặp Tiến, anh khuyên bà nên đăng báo QĐND, báo Hà Nội Mới tìm đồng đội của Đức. Thật là hay, chỉ mấy ngày sau, khi đang ngồi bán nước chè ở đầu ngõ, bà thấy có anh thương binh, cánh tay phải không còn, vào hỏi thăm:

- Cháu là Lộc, nhà tận Đông Anh. Đọc báo thấy gia đình tìm đồng đội của Đức nên hôm nay cháu qua thăm. Cô là…

Qua vài câu xã giao, Lộc lấy ngay giấy, bút vẽ lại sơ đồ nơi chôn cất Đức. Đây là cao điểm 372, phía dưới chân là Khe Tử (vì chiến đấu ác liệt, lính ta hy sinh nhiều mà anh em đặt cho cái tên ghê rợn này!), bên tả ngạn Khe Tử là Suối Hoa. Lộc không quên giới thiệu cho bà một đồng đội khác - Cát Tường. Cát Tường nghe tin tìm đến và sẵn sàng đi cùng bà vào Huế. Trước khi đi, Tường xin phép thắp ba nén nhang trên bàn thờ. Thấy tàn nhang cuốn, Tường lẩm bẩm: “Đức đồng ý rồi. Vậy là lần này cô cháu ta sẽ tìm được nó.”

Bấy giờ là năm 1993. Bà Mai cùng em trai Đức và Cát Tường mua vé tầu hoả vào Huế. Nhờ có giấy giới thiệu mà Bộ chỉ huy quân sự thành phố cử một thiếu tá và một chiếc com-mang-ca đưa bà đi. Rời Huế được vài cây là đường bắt đầu xấu, xe lắc kinh khủng, nhằm hướng tây lên A Lưới. Vùng này chủ yếu là bà con dân tộc. Vào Uỷ ban xã gặp Chủ tịch Nguyễn Văn Cao, được anh cử ngay một tiểu đội du kích đưa bà đi tìm. Sớm hôm sau, cả đoàn lên đường. Dựa vào chỉ dẫn, anh em chia làm hai, ba tốp đào bới. Mất mấy ngày trời, đào cả một khu rộng mà vẫn chưa tìm thấy. Đã 20 năm trôi qua, cùng với sự tàn phá của con người làm cảnh vật thay đổi, mốc chuẩn không còn. Sớm nào chiều nào bà cũng thắp hương cầu khấn. Vậy mà vẫn không tìm ra. Trên sơ đồ của Lộc có ghi địa danh Suối Hoa, nhưng trên bản đồ địa lý của tỉnh Thừa Thiên – Huế thì không thấy. Hỏi địa danh này, bà con dân tộc ai cũng lắc đầu(!). Nghĩ mãi, Cát Tường mới nhớ lại: ở khu vực này, cứ đến mùa mưa là hoa rừng nở rộ, sáng cả một vùng; vì vậy anh em bộ đội đã đặt cho nó cái tên thi vị “Suối Hoa”! Không chịu đầu hàng, Cát Tường yêu cầu anh em du kích quay trở lại vị trí xuất phát rồi dẫn đi đúng theo con đường năm xưa bộ đội vẫn tải gạo, tải đạn. Toạ độ được xác định lại, anh em lại đào bới… Cho đến một lần, họ đào đúng nơi một liệt sĩ yên nghỉ. Mở hết lần tăng bạt liệm liệt sĩ, ở nơi túi áo trên ngực anh có một chiếc búa tày hai đầu. Bà Mai run bắn người nhưng còn ngờ ngợ! Khi giở chiếc khóa thắt lưng thì thấy phía sau có khắc hai chữ “Trần Đức”. Con trai bà đây rồi! Bà lặng người đi, nước mắt trào ra…

Bà kể lại: “Trong dòng họ, Đức là cháu đích tôn, trong gia đình cháu là đứa con hiếu thảo. Những năm 60, nhà tôi đông con, sáng sáng Đức cắp sách đến trường, chiều về lại xách ấm nước vối ra ga, nhảy tàu đi bán, phụ tiền nuôi các em. Đức rất khéo tay, không được học nghề nhưng có thể làm được nhiều việc của thợ nguội. Chả thế mà luôn giữ bên mình cái búa tày đầu. Cũng chính nhờ sự khéo léo, thông minh này mà tôi tìm được con. Tôi còn nhớ khi chia tay lên đường, Đức ôm lấy bố nó hôn lên má. Nhìn sang thấy mẹ đang cầm khăn tay lau nước mắt, cháu vội quàng tay lấy tôi, động viên: “Mẹ đừng buồn! Con đi rồi con lại về.”

Hôm đó, chuyến tầu quân sự chở lính sư đoàn ông Chu Phương Đới từ Đông Anh qua ga Hàng Cỏ để đi tiếp vào Nam. Tầu chạy qua các chắn tầu thấy anh em đập tay rầm rầm vào cửa sổ để tạm biệt. Sớm hôm sau, khi các bà đi chợ thấy đầy thư của lính vứt dọc đường tầu. Thương lắm! Cũng có cháu vì nhớ nhà, không làm chủ được mình đã nhảy xuống tầu, trốn về nhà. Minh Đức khi đó là A trưởng đã gương mẫu ở lại và động viên anh em giữ nghiêm kỷ luật.

Ngày cháu hy sinh mới hơn 21 tuổi. Trong những kỷ vật Đức để lại có nhiều bài thơ. Cháu có khiếu thơ văn từ nhỏ. Nếu còn sống chắc Đức cũng sẽ viết nhiều về lính. Tôi muốn tặng những bài thơ này cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Giá mà…”.

Có một chi tiết cảm động được sự đồng ý của mẹ nay mới tiết lộ: Biết những ngày đi tìm con sẽ đầy vất vả, ở rừng thì làm gì có nước để tắm giặt, mẹ đã chuẩn bị bảy cái quần lót và tự tay khâu vào đó những cái túi con. Số tiền mang theo được chia đều và nhét vào túi. Mỗi ngày mẹ vứt đi một chiếc… Khi vứt gần hết số quần lót mang theo, bà tìm thấy con trai. Ôi, bà mẹ Việt Nam thông minh, vĩ đại làm sao!

Hà Nội, tháng 8-2005



[1] Bà Như Mai - 75 Vân Hồ 3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ĐT: 9740751

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cảm động vô cùng, một trong muôn vàn nỗi đau và tấm lòng mẫu tử trên giải đất gầy guộc hình chữ S này.