Thứ Tư, 9 tháng 4, 2008

Nửa còn lại - Chuyện bạn tôi 20 năm trước

(Truyện ngắn)

1. Trường Ngọai ngữ mở lớp tại chức ở ngay sát Nhà thờ Lớn. Lớp có hơn hai chục người. Chương trình đã sang tuần thứ tư. Chiều hôm đó, cô giáo trẻ mới đi Puskin về giới thiệu với lớp một học viên mới. Ở bàn cuối, một anh bạn trông sáng sủa, khoác trên mình bộ quần áo lính, đứng lên: “Tôi là Quang, bộ đội, vào học hơi muộn. Mong cô giáo và các bạn giúp đỡ!”. Rồi anh ngồi xuống và giở cuốn tài liệu ra trước mặt. Giờ học bắt đầu… Rồi buổi thứ hai, thứ ba… Nghỉ giải lao, cả lớp thường xuống sân thư giãn, tán dóc. Lần nào cũng vậy, anh chỉ đứng ở một góc lặng lẽ hút thuốc.

Là môn ngoại ngữ nên ở trên lớp thầy cô luôn bắt học viên phải chủ động nghe, nói, viết. Ngay hôm sau, thầy gọi anh lên đọc bài khóa “Đánh chiếm Cung điện Xmônnưi”. Cả lớp không ngờ anh lại đọc lưu loát, diễn cảm đến như vậy! (Như đã học qua mấy “cua”!). Một lần nghe loáng thoáng Thanh kể đang công tác ở trường Nghệ thuật thành phố, hỏi ra thì lại cùng làm với một người quen. Từ đó quan hệ trở nên gần hơn. Cứ tưởng anh bộ đội này hiền lành, ít nói, hóa ra lém đáo để. Mỗi khi nghe Quang kể truyện tiếu lâm lính thì chị em cười tít mắt. Cuộc sống lính kham khổ thế mà sao họ sống thật vô tư, yêu đời!

“Hồi 71, đang là sinh viên Bách khoa thì có lệnh Tổng động viên. Tôi xung phong nhập ngũ và được phân về đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội. Tên lửa là binh chủng hiện đại nhất nhì lúc bấy giờ. Khí tài mới SAM-2, SAM-3 của Liên Xô sang ta luôn có các chuyên gia kỹ thuạt đi kèm. Ngày ở trường được học ít tiếng Nga nên vào lính là dùng ngay. Chuyên gia đi đâu, tôi theo sát, cứ nói ào đi, họ hiểu và còn sửa lại cho đúng. Không gì bằng vừa làm vừa học… Chiến tranh ngày càng ác liệt. Cuối 72, đài điều khiển mấy lần sém trúng tên lửa Mỹ. Một lần, vừa phát hiện sờ-rai, sĩ quan điều khiển vội lật cánh sóng và tắt máy. Tên lửa nổ cách đài chục mét. Nghe tiếng nổ, đại uý Nhikôlai lấy cả tấm thân to đùng che cho tôi. Khói lửa mù mịt. Một kỷ niệm khó quên! Chiến tranh qua đi, nhiều bạn không trở về. Những ai còn sống là những người hạnh phúc nhất.

… À, mà các bạn bảo trình độ như tôi thì cần gì phải học? Thật ra tất cả mới chỉ là học qua thực tế, có điều kiện nên qua trường. Hết chiến tranh, tôi được về học tiếp, rồi lại trở về đơn vị cũ. Đến nay vẫn khoác áo lính…”.

Trong lớp ai cũng quý anh. Đêm ngoại khóa, Quang xung phong lên kể bằng tiếng Nga truyện ngắn “Lẵng quả thông” của Pautốpxki. Đã học quá nửa thời gian, trình độ nghe nói cũng tàm tạm nên hiểu được những gì Quang diễn đạt. Vừa dừng lời, thầy Niên lên tặng hoa và miệng không ngớt khen “Atlitrơnơ!”(1). Cuối khóa học, Thanh rủ mấy bạn, trong đó có Quang về nhà học nhóm. Hôm thi viết, ngồi cạnh Quang nên bài vở được “sửa” lại cẩn thận. Cả hai môn viết và hội thoại, Thanh đạt điểm giỏi.

Có chứng chỉ nhưng muốn tiếp tục học để đi Puskin, Thanh nhờ Quang đưa xuống trường gặp thầy. Sáng đó, thầy Niên đi dạy về muộn, cô đưa cho xem tập tranh trưng bày trong Bảo tàng Êrmitagiơ(2) để giết thì giờ. Không ngờ, Quang lại hiểu biết cả về hội họa. Anh giải thích tường tận về bức tranh “Mùa thu vàng” của Lêvintan, hay “Đợt sóng cửu trùng” của Aivadốpxky - họa sĩ chuyên vẽ biển, rồi cả “Cánh đồng tuyết” của Répin… Thanh từ ngỡ ngàng này sang ngạc nhiên khác.

Trên đường về, Thanh giật áo anh: “Còn sớm, anh thích đi nghe đàn piano?“. Quang gật đầu. Thanh dẫn anh lại chơi nhà một cô bạn, gần chợ Hàng Da. Cây hoàng lan trước cổng, hoa nở đầy cành, toả hương thơm ngát. Những khúc nhạc du dương trong ngày đầu thu. Cô bạn tủm tỉm: “Nó chơi “Bức thư gửi nàng Elise” hay lắm, anh ạ”. Rồi chính Thanh ngồi vào cạnh đàn, thành thạo lướt tay trên các phím. Hai mắt nhắm nghiền, Thanh hít những hơi thật dài như để dồn tất cả sinh khí vào đầu những ngón tay. Những âm thanh thánh thót và giai điệu đẹp trong tác phẩm viết cho piano của Beethovel vang lên. “Mí rê mí, rê mí, rế mí, sì rê đồ là, đồ mi la si…”. Đã từng được nghe vài pianist chơi, nhưng chưa bao giờ thấy ai chơi say sưa đến như thế. Chờ cho âm thanh của nốt cuối cùng tắt hẳn, Thanh nắm chặt hai bàn tay lại và từ từ mở mắt ra. Dọc đường trở về nhà, không nói lời nào, Thanh cảm thấy trống trải!

2. Ngồi một mình trong quán cà-phê vườn cuối phố, gọi li cam vắt, Thanh nhẹ tay lấy thìa khuấy cho tan đường và nhớ lại: Trong đám cưới của một đứa bạn tuần rồi, cậu MC có nhắc lại cái tích, chúa trời đã cắt đôi hàng triệu triệu quả táo và ném xuống trần gian. Những nửa quả táo đã tự đi tìm nửa còn lại của mình, chúng gặp nhau mà nên vợ nên chồng... Cái tích nghe hay hay, khá ấn tượng!

Vừa tốt nghiệp hệ trung cấp piano ở Nhạc viện, Thanh lấy chồng và xin về trường. Hai năm sau có con. Cuộc sống cứ tuần tự như tiến, ngày ngày đạp xe đến trường dạy đàn, chiều về lại chợ búa cơm nước, chăm sóc con cái. Nhiều lúc cảm thấy cuộc sống thiêu thiếu một cái gì nhưng không lí giải nổi. Không chỉ mê nhạc mà Thanh rất yêu thơ. Từ lâu đã viết cho mình một tập thơ nhưng không có người để giãi bày. (Ngay cả người được gọi là chồng thì lại không phải là bạn thơ!). Thanh từng trăn trở viết lên tâm tư:

Cho đến giờ

trong cuộc sống riêng tư

Chưa tìm thấy

nửa còn lại đích thực?

Chỉ đến khi vào lớp, gặp Quang một con người hiểu biết, sống có tâm hồn. Bỗng thấy trái tim rung động. Thế là thế nào, chả lẽ... đã yêu?

Một lần “nửa này” đi công tác xa, Thanh hẹn Quang đi nghe giao hưởng ở Nhà hát Lớn. Đêm đã khuya, khi trở về nhà, Thanh bắt anh đứng chờ để chạy lên lấy xuống tập thơ. Quang chột dạ, đã chồng con mà còn hẹn bạn trai lại nhà? Trưa sau, ngồi với Thanh ở quán cà-phê gần trường, lo lắng hỏi thì Thanh lắc đầu: “Em sống cho em và vì em”. Như bị một luồng điện giật mạnh… Bức tường ngăn cản cuối cùng bị phá vỡ! Không thể dừng được chính mình… Quang run run nắm lấy tay Thanh…

Sáng hôm sau, Thanh đợi anh ở đầu ngõ. Hai đứa phóng xe ra ngoại thành. Tại một góc vườn mà chủ nhân đã khéo tạo dựng thành nơi hò hẹn kín đáo của những đôi tình nhân, trong không gian tĩnh lặng của làng quê, Thanh tâm sự: “Cuộc đời em là câu chuyện dài và đã có những quyết định vội vàng. Có những điều em yêu quý, em mơ ước nhưng không có người để san sẻ, giãi bày. Cuộc sống bế tắc… Chỉ khi gặp anh, em như thấy mình thay đổi. Hôm ở nhà thầy Niên về, em đã cố tình gửi anh một bức thư…”. Thanh âu yếm ngả đầu vào vai Quang.

Sau lần đó là những cuộc hò hẹn vụng trộm, cháy bỏng. Quang lao vào cuộc tình như một con thiêu thân. Còn Thanh thì tìm thấy ở anh sự bù đắp cho những gì còn thiếu. Nửa còn lại đích thực... chính là anh! Chưa bao giờ Thanh thấy khát khao mong đợi đến như thế để gặp Quang. Mấy hôm không có giờ, ngồi nhà Thanh đã nghe đi nghe lại cuộn băng cassette mang từ miền Nam ra, chép lại nhạc của bản tình ca sẽ tặng Quang nhân sinh nhật vào tuần tới.

Nếu ngày mai nếu chúng mình chia tay

Anh xin giữ trọn tình em lần cuối

Nếu ngày mai nếu chúng mình xa nhau

Anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi...

3. Bẵng đi cả tuần không gặp Quang. Nhớ da diết! Đã mấy lần bấm điện thoại mà không có ai bốc máy. Chắc anh có lệnh đi công tác gấp? Lính mà.

Chiều ấy, dọc đường đạp xe về nhà, cứ nhác thấy ai mặc quân phục là lại nghĩ tới anh. Hồi hộp lạ thường! Vừa dắt xe vào nhà thì thấy trên bàn có một bì thư. Con dấu bưu điện nơi đi và đến đều là “Hà Nội”. Vẫn nét chữ bay bướm quen thuộc. Thanh giở ra đọc… khẽ gấp lại… Nhắm mắt. Thở dài. “Nhận được thư này thì anh đã ở xa lắm rồi. Nếu tiếp tục thì anh là người có lỗi. Mà người lính thì không được phép là người có lỗi!”.


-------

(1) Tiếng Nga: Ưu tú! Tuyệt!

(2) Bảo tàng tranh nổi tiếng thế giới ở Saint Petersburg (LB Nga).

2 nhận xét:

Dao Duy nói...

Có phải chị Bình không? hả tác giả, hay là hình ảnh cô gái mà bác khắc trên mảnh gỗ treo trên tường năm nào?

TranKienQuoc nói...

Bậy nào! Ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình bỏ mẹ!
Chuyện này của 1 chiến hữu tên lửa, xảy ra hồi những năm 80.