Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

Lần "đụng độ" ở quán bia hơi Cổ Tân

Năm 1980, anh giai chuyển về Vụ 1 (Bộ Đại học), cánh “giáo viên nhi nhô” trên Vĩnh Yên còn lại tôi và anh Trần Đình Ngân. Cứ mỗi thứ bảy không có giờ, trốn về HN sớm là tạt qua chơi với anh giai.

Những năm đó chưa thóat khỏi chế độ bao cấp. Cứ cuối năm về nghe bà già phổ biến tình hình năm nay còn xấu hơn năm trước mà thấy bế tắc. Cái gì cũng tem, cũng phiếu. May mà sĩ quan được hưởng 21 kí gạo/tháng nên cũng phụ được gia đình và có “của ăn của để”. Lần nào về HN, không đi mua nem chạo tai lợn rắc thính về nhà anh giai ở 19B Hàng Vôi nhậu thì cũng rủ anh giai ra bia hơi Cổ Tân uống dăm vại.

Quán bia hơi Cổ Tân chỉ cách Nhà hát Lớn vườn hoa nhỏ. Quán dựng bằng khung sắt, lợp mái tôn và tựa lưng vào hàng rào ngôi biệt thự cổ. (Đâu như nhà văn Đòan Giỏi từng sống ở đây). Mà lạ là đã cổ lại còn tân? Hồi đó, ai có người nhà bán bia hoặc có thẻ thương binh là “nhất” – miễn xếp hàng(!), còn lại muốn uống phải xếp hàng rồng rắn, chờ lấy tích-kê kèm đĩa lạc luộc hay đậu phụ. Mà cũng chỉ được 2 vại/lần. Thắng “ngớ” nhà gần đấy có dù quen biết cũng chỉ xếp hàng đủ bia uống cho cánh bạn bè.

Thời gian này, sau 1982, anh giai chuyển về Cục Liên lạc đối ngọai. Lần đó, anh Ngân và tôi về HN từ chiều thứ sáu. Trưa thứ bảy tới Cục ới anh giai. Khi xếp hàng mua được dăm vại và đã ngồi yên vị thì thấy anh giai đầu rẽ ngôi giữa, mình khoác blu-dông Nga, chân xỏ giày Cô-xư-ghin, cong đít đạp xe diamant ra. Khách quen thấy ông anh chào í ới. Ngửa cổ tu gần hết vại bia rồi “khà” một tiếng thật đã, anh lấy tay lau bọt bám trắng dính mép, cười sảng khóai: “Ở HN sướng thật! Cần là có bia uống”. Mấy con phe lượn lờ quanh, thấy bàn nào li đã cạn thì gạ gẫm: “Có bia không phải xếp hàng. Bác cần thì em phục vụ”. Nhìn theo hướng tay mụ chỉ thấy bên kia đường có mấy can nhựa chứa đầy bia. (Chắc chúng đã móc ngoặc với nhân viên nhà hàng?). Khi đã ngà ngà, để khỏi phải xếp hàng, anh em tôi bỏ quán sang vườn hoa nơi có can bia của mụ Bích. Mụ béo lấy mấy cái ghế gỗ trong làn ra, trải tờ báo cũ làm bàn ngay trên mặt cỏ rồi nhanh tay quạt con mực. Mùi mực nướng thơm lừng, quyến rũ! Đúng là “gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc”! Bia đắt hơn có 5 hào mà tươi chẳng kém và không phải chờ. Khi nâng li mới, nghe anh giai nhắc: “Đơn vị tao vừa phổ biến: Thành phố đang lập lại trật tự hè phố. Phải cẩn thận!” thì bác Ngân đế ngay: “Sợ gì. Mình là lính!”. Con mẹ béo lùa được khách xộp, rót xong mấy vại là ngồi tranh thủ đan chiếc áo còn dở.

Đang ngồi khề khà chợt nghe mụ hốt hỏang: “Lão Tiến công an khu vực ra, em phải té. Các bác cứ ngồi, lão ngại bộ đội. Giữ hộ em can và cái làn này!”. Thấy mụ bỏ của chạy lấy người, anh giai cũng đứng dậy: “Tao là lính gần đây nên phải lánh, kẻo nó xức giấy về đơn vị”, rồi nhảy lên xe. Cậy là lính, tôi và anh Ngân vẫn ngồi lại. (Quả thật nhìn bác ngồi bên cái làn nhựa có cuộn len màu và cái áo đang đan dở chẳng khác gì chú bộ đội đi đón vợ đẻ(!) mà không dám cười). Tiến béo tới, giơ tay lên vành mũ chào và lên giọng:

- Thành phố đang lập lại trật tự hè phố. Các anh uống bia phe. Cho phép tôi tạm giữ cái can này.

- Xin lỗi ông! Chúng tôi là lính – anh Ngân vỗ ngực (nhìn ra thấy ông anh mặc đồ không quân với quân hàm đại úy) - mới từ đơn vị về, quanh năm xa HN không có bia, đuợc ngày nghỉ vì khát bia nên rủ nhau ra đây uống. Ngồi đây cho mát. Can này là chú em tôi, thuợng úy, mượn của bạn để mua bia từ cửa hàng ra. Ông không được phép giữ!

- Xin lỗi bác, can này là can của tụi phe. Mà thành phố đang dẹp bọn con phe. Là bộ đội, bác phải ủng hộ em!

(Nhìn cái can thì đúng là của dân phe, đuợc thổi nóng phồng lên, chứa được trên 10 lít). “Tùy ông, giữ thì cứ giữ. Tôi sẽ lấy lại!”, ông anh nói rồi xỏ giày, đứng lên. Chú Tiến thu thêm mấy can phe liền chở về đồn. Tiến vừa khuất, Bích béo chạy ra bù lu bù loa: “Mất cái can ấy là em mất nghiệp. Các bác giúp em lấy lại!”. Sẵn có tí men cộng với máu lính nổi lên, ông anh giật giọng: “Đuợc, tao sẽ đi!” rồi quay sang tôi “Đi với anh!”. Hai anh em cưỡi xe 67 phóng về đồn công an phường Hàng Bài, sau rạp Công nhân. Đến nơi thì “tang vật” đã được chuyển về UBND phường. Phóng xe đến nơi thì cửa UB, đối diện với Bách hóa Tổng hợp, vừa mở. Dựng xe rồi bước vào xin gặp Chủ tịch.

- Dạ… dạ… tôi là Chủ tịch, - ông ta lúng túng khi thấy có 2 vị khách mặc quân phục không hẹn mà đến. Lại thấy cái nhà ông đại úy giập gót giày đánh “bộp” và giơ tay lên vành mũ. (Có lẽ cả đời ông ta chưa bao giờ được ai chào như thế!).

- Báo cáo Chủ tịch, tôi đại úy Phan Thanh Ngân, Trung đoàn trửơng Trung đoàn 918 không quân, có việc cần bàn với Chủ tịch.

- Xin mời đại úy ngồi!

- Đây là Chứng minh thư quân nhân của tôi. (Liếc mắt nhìn thấy ghi “Trần Đình Ngân”, mà Trung đòan trưởng 918 hình như họ “Phạm Thanh”?!). Còn đây là thẻ thuơng binh. (Tên cũng như vậy và ghi “tình trạng thuơng tật: cột sống”). Chúng tôi đóng quân xa HN, chứ không hạnh phúc như các ông… (Ông anh giận giữ).

- Ấy ấy, bác nói quá. Có việc gì thế bác?

- Trưa nay, tôi và chú em thượng úy ngồi uống bia ở Cổ Tân. Thiếu úy Tiến đi qua đã tịch thu cái can mà em tôi mượn bạn nó để mua bia. (Ông anh tấn công liên tục). Nếu các ông thấy đúng là “có vấn đề” thì đề nghị cho đổ hết bia trước mặt chúng tôi và xin trả lại cái can!

- Ấy chết, Nhà nước vừa ban hành Luật Sở hữu tài sản cá nhân, không ai được xâm phạm tài sản của các bác. (Tay hắn mân mê giấy tờ của bác Ngân, chỉ lo nó đọc thì xong!)… Thôi, có gì sai sót thì rút kinh nghiệm; nhất là các bác là bộ đội, còn chúng tôi đại diện cho chính quyền cơ sở.

Nói rồi ông ta cầm 2 tay cung kính trả lại giấy tờ cho ông anh. Đứng cạnh chỉ lo ông ta lướt lại 1 lần tên tuổi trên giấy thì… toi nặng!

Chào ông, chúng tôi xách can bia ra xe trước sự ngơ ngác của nhân viên UB. Ngồi trên xe phóng dọc Tràng Tiền về Nhà hát Lớn mà lòng khấp khởi. Thật là may vì có ông anh liều! Vừa tới đầu vườn hoa đã thấy con mẹ Bích đứng chờ, mặt rạng rỡ: “Cảm ơn các bác! May quá, đồ nghề làm ăn của em không mất. Em xin biếu không các bác số bia còn lại”. Chả thèm ngồi ở Cổ Tân nữa, chúng tôi kéo nhau ra quán Nghệ sĩ của đòan Kịch nói TW, sau Nhà hát Lớn. Anh giai nghe tin phóng ra ăn mừng. Nghệ sĩ Đoàn Dũng biết anh em tôi thắng lớn cũng ra dự tiệc. Vui!

Mỗi người có ít nhất 1 cái tài, riêng anh Ngân của ta có tài ấy mới đáng sợ!

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sao anh giai tham gia nhiều phi vụ thế nhỉ? Không biết ông anh có đọc blog của chúng ta không? E cũng có kỷ niệm với anh giai. Phải thừa nhận anh là người tình cảm và chu đáo ngay cả với những đứa em chẳng có liên quan gì khi có việc nhờ nếu giúp được anh đều tận tình chu đáo. Khi anh còn ở vụ của văn phòng, E có việc liên quan đến bộ thương mại. Khi biết, anh nói: A không giúp được, nhưng A giới thiệu với anh bạn bên đó giúp mày. Sáng hôm còn đang ngủ anh đã tới nhà nhấn chuông và giúi cho lá thư giới thiệu. E thực sự cảm động và nhớ mãi. Nhưng khi anh làm lớn hơn một chút thì tuyệt nhiên không bao giờ E nhờ vả anh điều gì nữa cũng giống như bất cứ thằng bạn Trỗi nào khác: ngại! không bao giờ muốn lạm dụng và đưa ae bạn bè vào thế khó xử. Bài viết trào lộng cười mà thấy cay cay nơi sống mũi để cho ta nhớ mãi tình bạn, nhớ mãi những khốn khó của một một thời.

ĐN.K7 nói...

Đi vắng nửa tháng đọc blog 2 ngày chưa hết, toàn chuyện hay nhưng các anh đăng bài từ từ thôi chứ, để còn "nhấm nháp" và "phê" nữa. Theo kiểu Nam bộ nhậu lai rai tiết kiệm mồi.

TranKienQuoc nói...

Khi đã làm quan thì làm CON dễ vô cùng, còn làm NGƯỜI mới khó làm sao! Anh giai của ta có liên sỉ nên còn giữ được chữ sau!