Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

Chuyện đấu tranh vì quyền của nhà giáo

Dịp đó là cuối năm 1980, học viên khóa 10 Đại học quân sự kết thúc những môn học cuối cùng, chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Lớp Vô tuyến k10 có khoảng 30 em. Nhiều đứa là con em cán bộ, dân HN. Thầy trò thân thiết, tôi hay chơi bóng đá với Đào Ngọc Thạch, Tuấn Leckow, Ngô Mê Giang…
Những năm đó, nhà trường khuyến khích ứng dụng KHKT vào các ngành trong và ngòai quân đội. Trung tá Trần Bình An (Trưởng bộ môn Xung-Số, Kỹ thuật truyền tin) chủ trì đề tài “Bảo mật thông tin áp dụng vào máy PRC-25”. Anh dùng sức ép của nhà trường lấy 5 học viên giỏi của tôi phục vụ đề tài. Tuổi tác thì bố lớn hơn (dân Chuyển tiếp Bách khoa 1967 rồi đi nghiên cứu sinh ở Hung về), kinh nghiệm dạy dỗ, kinh nghiệm cuộc đời thì bố già dơ hơn (nên bố khéo thuyết phục sếp). Vì vậy tôi mất vài trò thân thiết, trong đó có Thạch. Các em không làm đề tài của bộ môn mà phục vụ ông An.
Trước khi nhận đồ án, các em phải thi môn cuối “Xe công suất trung bình” do tôi phụ trách. Chả hiểu bố An cò cưa sếp thế nào, sáng hôm đó khi nhận thông báo: “Miễn thi môn “Xe công suất trung bình” cho 5 học viên có tên dưới đây được: Đào Ngọc Thạch, Ngô Mê Giang, Lâm Quang Đông… Đặc cách cho mỗi đồng chí nhận điểm 5”, tôi thấy bị xúc phạm ghê gớm.
Thông tin này lập tức được loang ra các khoa. Sang Khoa Cơ điện trao đổi với anh Ngân và Giang “mù” thì được trả lời: Anh em giáo viên Cơ điện phẫn nộ trước việc làm này. Qua Khoa Cơ bản hỏi cánh giáo viên Tóan, Lý, Hóa thì được trả lời: Thằng giáo viên ở trừơng chẳng có bất cứ quyền gì, trừ “quyền cho điểm”. Vậy mà nhà trường lại tước mất? Quá bậy!
Lúc đó trình độ lí luận cũng chỉ vớ vẩn, cũng chẳng thèm trao đổi với Ban chỉ huy Khoa (vì mấy bố này ngậm hột thị trước lệnh này), tôi lên thẳng ông Lê Phương Cảo, khi đó là Hiệu phó phụ trách Huấn luyện. Tôi trình bày sự việc và đuợc ông trả lời:
- Đúng, nhà trừơng có chủ trương này!
- Vâng, đó là chủ trương của nhà trường. – Tôi phản ứng – Báo cáo Thủ trưởng, ở trường này, là sĩ quan nhưng chúng tôi không khác gì 1 thằng lính. Mọi quyền đều bị tước hết, trừ “quyền cho điểm”. Nay nhà trường lại tước nốt cái quyền ấy…
- Ấy chết! Sao cậu lại nói thế?
- Thủ trưởng thử nghĩ có đúng vậy không?
- …?
- Cùng là đồng nghiệp nhưng tôi không tôn trọng anh An trước cách xử sự này. Anh không thèm bàn bạc với chúng tôi - những người chịu trách nhiệm trước mệnh lệnh giảng dạy của nhà trường, anh cậy quen biết thủ trưởng mà đi tắt, xin đặc cách cho các em không thi môn học này. Thủ trưởng thấy đó là đúng hay sai? Nếu Thủ trưởng thấy việc làm này đúng và ủng hộ anh An thì xin Thủ trưởng kí vào đây!
Tôi trình ra văn bản đã làm sẵn với nội dung: “Theo đề nghị của Trung tá Trần Bình An, nay nhà trường miễn thi cho 5 học viên có tên… Mỗi đồng chí được điểm 5 môn học này. Ký tên: Hiệu phó Đại tá Lê Phương Cảo”. Đọc xong ông Cảo lấy tay vắt mũi (1 thói quen cố hữu!) rồi nhăn trán:
- Các cậu không ủng hộ tớ gì cả! Làm thế này thì khó cho tớ quá?
- Chính nhà trường làm thế này mới là làm khó cho chúng tôi. Vậy cứ ai quen thủ trưởng là có quyền yêu cầu nhà truờng miễn thi môn học đó cho học viên? Còn tôi, tôi cương quyết không chấp hành lệnh này. Thủ trưởng kỷ luật cũng được. Tôi đề nghị: 5 học viên này phải thi môn do tôi phụ trách. Nếu không các em sẽ nhận điểm 2.
Nói rồi tôi xin phép ra về… Ngày hôm sau, bộ môn nhận được thông báo: 5 học viên phải thi môn học của tôi. Sự kiện này gây chấn động trong khối giáo viên tòan trường. Ai cũng hồ hởi.
Bộ môn tổ chức thi lại vào sáng thứ bảy. Cũng biết các em chỉ là nạn nhân nhưng làm sao được. Ngay cả khi tổ chức thi đâu phải em nào cũng được điểm 5. Riêng Đào Ngọc thạch, tôi nhớ, được 5 tuyệt đối!
Một kỷ niệm đấu tranh dân chủ ở nhà trường mà tôi gắn bó tới hai chục năm!

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ngày ấy ở bộ môn xe cũng có chuyện ấy,trong nhóm có một số HV giỏi nếu thi chắc cũng điểm 5, những cũng có lọt vài vị cán bộ lớp học lực bình thường được ăn theo.Dù sao chuyện này chỉ là số ít,những ngày ấy việc học và dạy ở ĐHQS vẫn rất nghiêm túc.
KV.K7