Sau gần 40 năm, gia đình họ Mã đến nay đã trở thành những cái tên rất thân quen đối với thầy trò Trường Trỗi. Họ là những thành viên đặc biệt của K9. Là một trong những “nhân chứng”, tôi xin kể lại đôi chút, vừa để mọi người có thông tin vừa để thể hiện phần nào tình cảm của đại gia đình Trường Trỗi với những thành viên họ Mã.
Từ khi rời Quế Lâm trở về Tổ quốc, 30 năm sau tôi mới có dịp quay lại Quảng Tây nhưng cũng chỉ được ghé thăm Nam Ninh có một ngày. Từ đầu năm 2002, do công việc, năm nào tôi cũng đi Trung Quốc vài lần. Chủ yếu là làm việc ở khu vực Quảng Đông và cũng có điều kiện thăm thú nhiều nơi như Tứ Xuyên, Vũ Hán, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu …, thế nhưng chưa lần nào tôi ghé thăm Quế Lâm! Có mấy anh bạn Trung Quốc biết tôi từng ở Quế Lâm cứ thắc mắc “Quế Lâm bây giờ đẹp lắm, sao anh không thu xếp đi thăm lại Quế Lâm một chuyến?”.
Khi Trường Trỗi ở Quế Lâm, theo chân hai thằng bạn Chí Nhân và Chí Nghĩa tôi có 3 lần đến chơi với mấy chị em họ Mã. Vì thuộc diện “ăn theo” nên tôi không hiểu biết gì nhiều về gia đình Mã. Lần đầu tiên vào buổi tối, mấy đứa chúng tôi cùng Mã Kinh (là diễn viên múa Đoàn Văn công Quảng Tây) và Mã Quân (là học sinh Y Trung) ngồi chơi ở ngoài đồi thông. Dưới ánh trăng, Mã Kinh cầm hai thanh kiếm có dải lụa hồng múa loang loáng, thật chẳng khác gì những đoạn mô tả trong tiểu thuyết kiếm hiệp mà tôi đã từng đọc khi còn ở Hà Nội. Lần thứ hai vào sáng chủ nhật, chúng tôi ghé chơi nhà họ Mã. Bà mẹ vội vàng chạy ra cửa hàng khuân về một đống bánh kẹo để Mã Quân và 2 cô bạn gái tiếp các bạn Việt
Vào một buổi trưa trung tuần tháng 1 năm 2005, khi được Kiến Quốc kêu đến tham dự tiếp Cao tư lệnh, tôi mừng quá liền tới ngay. Tôi nói với anh Cao khi ở Y Trung chúng tôi có chơi thân với gia đình Mã Quân và nhờ anh tìm địa chỉ của bạn ấy để gặp lại. Nghe qua, chỉ một chút sau Cao tư lệnh khóc nấc lên, nước mắt nhoè tròng kính. Chúng tôi ngẩn người nhìn anh Cao, biết là anh quá xúc động nhưng không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Sáng hôm sau, đang làm việc thì Phan Nam gọi điện thoại ”Dương Minh ơi, đang đi Củ Chi, suốt từ sáng đến giờ anh Cao chỉ nói chuyện về Mã Quân, năm 68 khi anh em mình về rồi cô ấy khổ lắm, bị đấu tố và đày ải triền miên chỉ vì cái tội thân với học sinh Việt Nam …”. Biết vậy cũng chẳng làm gì khác được, trăm sự chỉ còn biết trông cậy vào … Cao tư lệnh. Anh Cao về đến nhà ở Phật Sơn, Quảng Đông được một tuần thì ngày 29 tháng 1 tôi đã có điều kiện đến tận nơi thăm cả gia đình anh. Dù rất vui nhưng hai anh em vẫn canh cánh trong lòng một việc: phải tìm bằng được gia đình họ Mã.
Bẵng đi gần ba tháng, ngày 19 tháng 4 tôi nhận được E-mail báo tin anh Cao đã tìm được người biết Mã Quân ở đâu, ngày 20 thì có đầy đủ số điện thoại và E-mail của Mã Quân, ngày 21 có thông tin khẳng định “Cô ấy nhớ hết về quá khứ”, ngày 22 có thêm thông tin “Cô ấy vất vả lắm! Nghe tin có các bạn Trỗi đang tìm liên lạc, đêm hôm qua cô ấy thức trắng đêm chờ trời sáng để đi hỏi thăm tình hình”. Mặc dù trình độ tiếng Trung rất “i tờ”, nhưng không thể chờ đợi thêm, ngay chiều hôm đó tôi quyết định trực tiếp gọi điện thoại cho Mã Quân. Nghe tôi xưng danh, Mã Quân lặng đi. Còn tôi, khi nghe thấy giọng nói trong trẻo, nhẹ nhàng cứ thảng thốt “Sư Dẻng Minh a? Sư Dẻng Mỉng a?” (Dương Minh phải không?) cũng cảm thấy xốn xang. Nói được với nhau rất ít nhưng chúng tôi đều cảm nhận được quá khứ tốt đẹp chưa bao gìơ mất đi mặc dù đã trôi qua gần 40 năm. Xong xuôi, quá vui, tôi gọi ngay cho Chí Nhân và Lương Sơn báo tin và thúc dục mọi người hãy liên lạc với gia đình Mã.
Một tuần sau, nhận được trên E-mail hai tấm ảnh của Mã Quân cùng một bức thư chi chit chữ Tàu. Tôi vội vàng cầu cứu đại ca Trần Kháng Chiến (anh ruột Kiến Quốc). Hai anh em vật lộn hơn một tiếng đồng hồ mới dịch tàm tạm được một phần ba. Không muốn làm phiền ông anh nữa, tôi nhào ra nhà sách mua ngay hai cuốn tự điển, lọ mọ đến 3 giờ sáng mới hiểu được sơ sơ. Vài ngày sau nhận được bản dịch hoàn chỉnh của anh Chiến. Đúng như đã nghĩ, tình cảm của gia đình Mã Quân với thầy trò Trường Trỗi thật sâu sắc. Mã nhắc lại một số kỷ niệm và nói “Gia đình tôi không bao giờ quên các bạn Việt
Ngày Chủ Nhật mùng 5 tháng 6, tôi sang Thâm Quyến rồi đi thành phố Trạm Giang (cách Thâm Quyến 800km và cách Quế Lâm hơn 1000 km). Bận rộn mất gần một tuần, đến trưa ngày Thứ Sáu thì lên tàu hoả tại Trạm Giang để đi Quế Lâm. Cùng đi có hai người bạn Trung Quốc, trong đó một anh nói tiếng Việt rất giỏi. Gần 11 giờ đêm tàu tới ga Quế Lâm. Hai anh bạn rất tế nhị, khuân giúp tất cả đồ đạc cho tôi để tôi được rảnh rang khi gặp mặt. Tàu chầm chậm tiến vào sân ga, từ trên tàu chúng tôi đã nhận ra Mã Quân cùng với 3 người phụ nữ đang dàn hàng ngang chờ đợi. Tôi giật mình “tại sao lại 4 người lận, những ai nhỉ?”. Vui thì vui thật nhưng tôi vẫn còn băn khoăn không biết nên thể hiện tình cảm theo cách nào. Xuống tàu, hai bên đã nhận ra nhau và cùng tiến lại. Mã Quân kêu lên “Dẻng Mỉng” đưa tay nắm tay tôi rất chặt, mắt rơm rớm rồi ôm lấy tôi, hay bàn tay nhỏ nhắn cứ đập đập vào bờ vai. Đến lượt Mã Kinh cũng vậy. Sang người thứ ba: “Mã Vi nè, anh có nhớ không?” và cô thứ tư “Mã Bình đây, anh có nhớ không?”. Tôi ấp úng giả bộ không hiểu nói gì chỉ xiết chặt tay thân thiết để bày tỏ niềm vui gặp mặt (vì như trên đã kể, trong trí nhớ tôi chỉ biết đến hai chị em họ Mã chứ không phải là bốn). Bảy người tíu tít kéo nhau ra ô tô về khách sạn “Quế Lâm mới”. Nhận phòng, cất đồ, đến được nhà hàng thì đã 12 giờ đêm. Tôi trao những món quà đã mua sẵn ở Thâm Quyến (khi đi từ Tp. Hồ Chí Minh rất vội nên không kịp chuẩn bị). Thật may, khi mua quà thấy hay hay mua thêm hai cái với ý định cho vợ và cô con gái nên mới đủ cho bốn chị em không thì rất “quê độ”. Chuyện trò, ăn, uống, chụp ảnh rồi hát tưng bừng mấy bài hát Trung Quốc, Việt
Sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu chương trình thăm Quế Lâm. Chị cả Mã Kinh đã đi Thượng Hải từ sáng sớm để đón vợ chồng cô con gái từ Mỹ về chơi, nhưng có thêm Trần Hồng Chiến – cựu học sinh Y Trung và đang là giáo viên tại Y Trung – cùng đi để làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh. Tất cả lên chiếc xe 7 chỗ nhỏ xíu do Mã Quân lái. Cả đồn lần lượt ghé Trường Tiểu học nơi chúng tôi đã từng đến chơi với gia đình họ Mã, thả bộ dọc theo Tiểu Đông Giang, vào khu Y Trung qua lối cổng phía sông Ly, đi trên đại lộ mới dọc theo Y Trung và Xuyên Sơn, dừng lại ngắm núi Ốc và khu vực sân vận động cũ … Vừa đi vừa chuyện trò ríu rít, có lúc cùng lặng đi tại những nơi đã ghi nhận những kỷ niệm thân thiết giữa thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi với bạn bè Quế Lâm. (Ai cũng để mắt lo cho tôi, nào che dù, mời hút thuốc, tiếp nước uống, nhắc tôi cẩn thận khi đi qua các vũng bùn …) Theo đà phát triển của Quế Lâm, trong và ngoài Y Trung đã thay đổi quá nhiều. Bên trong không còn gì của Y Trung cũ. Bên ngoài phố xá, nhà cửa đã thay thế tất cả những đồi thông cùng những con đường mòn thơ mộng. Tuy nhiên vẫn còn đấy Xuyên Sơn sừng sững, Li Giang hiền hoà, núi Ốc bình dị… với tình cảm xưa thật sâu đậm!
Rời Y Trung cũ, ghé thăm Y Trung mới. Hiệu trưởng Quách đã chờ sẵn. Mới nhậm chức một tháng, không hiểu biết gì nhiều về sự kiện Trường Trỗi tới Y Trung nhưng anh đón tôi rất thân tình. Hiệu trưởng mời cả đoàn ra nhà hàng ăn trưa. Một sự ngẫu nhiên thú vị: ngồi ăn ngay nơi phố mới chạy dọc sân vận động nên nhìn được toàn cảnh Y Trung. Thay nhau kể cho Quách hiệu trưởng nghe về kỷ niệm Trường Trỗi và Y Trung. Mã Vi đưa cho mọi người bài báo “Chiếc khăn dù” và hào hứng đọc lên rất diễn cảm. Chuyện trò rôm rả, ăn, uống, xen lẫn với ca hát rộn ràng những bài hát Việt
Rời Trường Mới đi lên đỉnh núi đất. Ngang qua núi “Đầu Mào”, kể cho mọi người nghe tuần nào cũng một lần chạy thể dục sáng từ trường đến đây rồi mới chạy quay về. Ai cũng tấm tắc khen lính Trỗi rèn luyện ghê thật. Đường lên đỉnh núi đẹp và thuận tiện vì là điểm du lịch. Thông ngút ngàn, xanh ngắt. Không nhớ chỗ nào là “chiến tích đốt rừng” của nhóm bạn Chỉnh Huấn?
Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây mời ăn tối. Nhà hàng lộng lẫy và đông nghịt. Lúc đó mới biết mai là Tết đoan ngọ – Tết hội ngộ của người Trung Quốc. Lại một cái ngẫu nhiên thật lý thú: tôi được đoàn tụ với bạn bè Quế Lâm rất đúng thời điểm. “Duyên phận” chăng? Gặp lại các thầy của Sư phạm đã sang Sài Gòn, lần đầu gặp chị Mỹ Niệm, cháu Bách (con Phạm Tùng) và cháu Quân (con anh Ngân ở Đại học Quân sự). Aên xong, Học viện Li Giang đề nghị tranh thủ trao đổi công việc. Ngồi trong phòng đàm đạo mà mấy phút điện thoại lại rung lên một lần rồi tắt ngay. Thấy số máy của anh phiên dịch đang ngồi chờ ở ngoài, không hiểu có chuyện gì đành tế nhị thu xếp kết thúc. Rời khỏi Học viện Li Giang mới biết: Mã Quân sốt ruột quá và rất “ấm ức” vì thời gian bạn bè giành cho nhau chẳng còn bao nhiêu, đang phải tính bằng giờ! Mã Quân lái xe chạy dọc Li Giang. Hai bên bờ sông những hàng cây rực ánh đèn xanh, các tháp chùa thì rực rỡ đủ màu. Thả bộ qua khu chợ bán quà lưu niệm rồi dọc theo bờ sông.
Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại về Hà Nội cho Chí Nhân để chia sẻ với ông bạn quá nhiều duyên nợ với gia đình họ Mã. “Phải mời và lo cho bốn chị em Mã Quân sang Việt
Ngày Chủ Nhật trôi ào qua. Sáng đi thăm trung tâm thành phố và tìm mua một món quà kỷ niệm để tặng cho Y Trung. Buổi trưa gặp thêm ông anh cả họ Mã. Buổi chiều, một anh bạn doanh nghiệp ở Quế Lâm chiêu đãi. Lại ngẫu nhiên đến đúng nhà hàng cạnh sân vận động của Y Trung. Một lần nữa tôi được ngắm lại cảnh Y Trung trước khi ra sân bay đi Quảng Châu. Núi Ốc và Xuyên Sơn mờ mờ trong ánh đèn đường, lòng dạ vẫn bồi hồi nhưng tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi nói vui “Từ nay khi đến Quế Lâm tôi là Mã Minh”. Mọi người reo ầm lên tán thưởng.
Chia tay tại Nhà ga hàng không Quế Lâm. Bốn anh em họ Mã lần lượt ôm tôi trong vòng tay, từ biệt một cách rất thân thương như tạm biệt một người em, một người anh của gia đình. Tôi nhắc lại lời mời và hẹn gặp lại ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chi Minh. Cả ba chị em họ Mã đứng bần thần, lưu luyến. Mã Quân vẫn trầm lặng, hiền dịu nhưng trong đôi mắt buồn đã ánh lên niềm vui!
Nửa đêm về đến Quảng Châu, tôi và anh bạn phiên dịch thức tiếp đến 2 giờ sáng để dịch sang tiếng Việt bài báo “Chiếc khăn dù” của Mã Vi. Anh bạn Trung Quốc chứng kiến toàn bộ chuyến thăm lại Quế Lâm của tôi nói ”Chúng tôi đã hiểu tại sao lần này anh mới đi Quế Lâm. Cái tình của các anh sâu sắc quá!”. Còn anh bạn phiên dịch thì phát biểu “Nghe anh kể nhiều về Trường Trỗi, là người Trung Quốc nhưng tôi khoái kiểu “lính Trỗi” rồi đấy!”.
Gia đình họ Mã đã là một trang trong lịch sử tồn tại của Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Họ xứng đáng với vị trí ấy trong chúng ta!
3 nhận xét:
Được JM cho đọc bài này ít nhất dăm lần. Nhưng lần nào cũng thế... cảm động! Có lẽ cái gì thật đều như vậy? Nhất là tình cảm của chúng ta với những người bạn Quế Lâm. Thời gian trôi qua, rõ ràng chị em Mã Quân đã thấy rằng không chỉ JM mà tất cả lính ta đều dành tình cảm như thế với các bạn Quế Lâm.
Câu chuyện rất xúc động, Thấm đậm tình bạn sau bao năm xa cách.
GM trong bữa tiệc phở của HHải khi ra về đã phát biểu:"Bài viết của DM về chị em họ Mã cảm động quá!". Nói rồi GM rút khăn giấy lau nước mắt. Nếu KO có BTC ngăn cản thì phải dùng hết số khăn giấy dự trữ.
(Nói vậy xin cảm ơn DM)
Đăng nhận xét